Nhận xét của ban giám khảo về bài dự thi cuộc thi viết thư quốc tế UPU 46

BAN GIÁM KHẢO
CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU 46 (2017)
 Hà Nội, ngày 12  tháng 5 năm 2017
 
NHẬN XÉT CỦA BAN GIÁM KHẢO
VỀ BÀI DỰ THI CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU 46
 
Cuộc thi Viết thư UPU quốc tế lần thứ 46 với đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng thư ký mới của LHQ. Vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông xử lý trước tiên và xử lý như thế nào?” đã nhận được số lượng lớn bài tham gia dự thi với 1.171.328 bức thư từ các em học sinh đến từ hầu hết các địa phương trong cả nước.
 
1.Về đề tài cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 46
Khác với các đề tài năm trước thường đòi hỏi cao về khả năng tưởng tượng hay cảm xúc của người viết thư, đề tài năm nay rộng và khó, đòi hỏi người viết:
+ Có hiểu biết và cập nhật về các vấn đề quốc tế
+ Có sự nhạy bén, khả năng đánh giá, nhận định và lựa chọn vấn đề nào là cấp thiết, nóng bỏng mang tính toàn cầu. 
+ Tìm ra các giải pháp và có chính kiến trong việc giải quyết vấn đề.
Vì vậy, những bức thư năm nay được đánh giá cao là những bức thư có kết cấu lôgic, mạch lạc, nhạy bén trong việc lựa chọn những vấn đề nóng bỏng của thế giới đương đại, văn phong trôi chảy, mạnh mẽ, có lập luận, chính kiến rõ ràng. Những bức thư có cách đặt vấn đề sáng tạo, giải quyết vấn đề khúc chiết, mạch lạc, không sa vào kể lể sự kiện hay trích dẫn con số, đưa ra được những giải pháp hay, sâu sắc, khả thi.
 
2.Về thể thức các bức thư
Hầu hết các em chọn kết cấu bức thư theo trật tự: mở đề bằng việc chúc mừng TTK LHQ, đưa ra một vấn đề các em cho là nóng bỏng dẫn chứng bằng các sự kiện, câu chuyện, số liệu và đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề. Năm nay có khá nhiều bài mẫu xuất hiện trên mạng nên một số em chép bài mẫu hoặc lấy các ý của bài mẫu để đưa vào bài của mình. Tuy nhiên, có rất nhiều bức thư vô cùng độc đáo với cách dẫn dắt vấn đề tự nhiên, thông minh và duyên dáng; cách giải quyết vấn đề rành mạch, sắc sảo và quyết đoán.
Một số em chọn cách đóng vai những nhân vật như  vai con trai Bin Laden, vai nghi phạm gây ra vụ khủng bố tại Paris năm 2015 đang ngồi sau song sắt nhà tù hay vận dụng trí tưởng tượng vô cùng độc đáo để vào vai vị thần Prometheous từ thần thoại Hy Lạp, vai cô phù thủy lai từ cộng đồng thế giới phù thủy sống động của Harry Potter… Một số em tìm được lý do hợp lý để hóa thân thành giọt nước, chim bồ câu, cây bút chì, cây nguyệt quế, gấu con… để truyền tải những bức thông điệp của mình.
 
3.Thống kê các đề tài được lựa chọn trong các bức thư năm 2017
Các đề tài được các em học sinh lựa chọn khá phong phú và đều là những vấn đề nóng bỏng, được quan tâm nhiều nhất trong thế giới đương đại.
- 60% chọn đề tài về bảo vệ hòa bình: Xuất phát từ tuyên bố của TTK LHQ Antonio Guterres là “ưu tiên cho hòa bình”, xuất phát từ việc cập nhật tình hình thế giới hiện nay nên số lượng các bức thư viết về đề tài này chiếm đa số. Các vấn đề được đề cập đến là: giải quyết chiến tranh ở Syria, giải quyết vấn đề người tị nạn Syria, người di cư đến châu Âu, bảo vệ trẻ em là nạn nhân chiến tranh, chống khủng bố… Nhiều em đề nghị bổ sung vấn đề chống khủng bố và chiến tranh thành nội dung thứ 18 trong chương trình thiên niên kỷ của LHQ.
- 20% về đề tài bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm đất, nước, nạn phá rừng, bảo vệ động vật hoang dã…
- 10% về đề tài bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước nguy cơ bị xâm hại, bị bóc lột
- 10% về các đề tài khác: con người vô cảm trong thế giới ảo, sức mạnh của đồng tiền chi phối thế giới, bảo vệ cộng đồng người đồng tính, giáo dục cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số, vệ sinh an toàn thực phẩm
 
4. Về các bức thư có điểm cao nhất
Các bức thư có điểm cao nhất đưa ra những giải pháp chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, giải pháp cho người di cư là nạn nhân chiến tranh, chống khủng bố và bảo vệ động vật hoang dã.
Em Lưu Thị Thu Hoài, lớp 8C, THCS Nguyễn Huệ, Cẩm Giàng, Hải Dương nhập vai Salah Abdeslam – nghi phạm gây ra các vụ tấn công Paris tháng 11 năm 2015 khiến 130 người đã thiệt mạng và 368 người khác bị thương viết thư từ sau song sắt nhà tù với những dằn vặt, ăn năn và ám ảnh về tội ác đã gây ra. Tác giả đưa ra giải pháp là giúp đỡ những người Hồi giáo bình dị, mở rộng vòng tay đón những con người ly tán bởi chiến tranh, cảm hóa kẻ phạm tội bằng tình yêu thương, “hãy học cách sống của cỏ, chúng không sống một mình mà đan xen vào nhau tạo nên nhưng chân trời.” Bức thư tạo được sự bất ngờ thú vị bởi cách đặt vấn đề và dẫn dắt vấn đề sáng tạo, gây bất ngờ, kết cấu bức thư mạch lạc, logic, văn phong trôi chảy, giàu cảm xúc.
Em Lê Hoàng Thục Khanh, lớp 8C2, THCS Trần Phú, TP. Bắc Giang lắng nghe tiếng kêu cứu của đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái với mong muốn con người là niềm hy vọng cho hòa bình của hệ sinh thái; tìm ra những phương pháp nghiên cứu mới thay thế động vật trong phòng thí nghiệm; kêu gọi tình yêu thương cho động vật. Bức thư có kết cấu logic, mạch lạc, lý lẽ sâu sắc.
Em Lê Kiều Linh, lớp 9A9, THCS Thành Công, Ba Đình, Hà Nội đóng vai một vị thần tối cao trong thần thoại Hy Lạp, thần Prometheous, không thể ngủ yên trong thần thoại mà khẩn thiết đề nghị giải quyết một vấn đề thần trăn trở: chiến tranh và trẻ em. Các giải pháp của tác giả rất khả thi và thú vị: Cần thay đổi từ chính những cuộc đối thoại của LHQ; áp dụng công nghệ thực tế lửa đạn” vào chương trình giáo dục để trẻ em học cách yêu thương. Ngôn từ trong bức thư duyên dáng, sắc sảo, lý lẽ sâu sắc.
Giải Nhất cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU 46 thuộc về em Nguyễn Đỗ Huyền Vi, lớp 8/9, THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Bức thư của em tìm giải pháp cho người dân tị nạn chiến tranh. Là một bức thư khác biệt bởi từ đầu đến cuối, tác giả thuyết minh cho một dự án, một kế hoạch cụ thể, có phản biện, có dẫn chứng và lý lẽ sắc sảo. Là bức thư đầy ắp hơi thở của thế giới đương đại. Tác giả phân tích những quyết sách của các nhà lãnh đạo lớn trên thế giới để dẫn dắt tới giải pháp mua những hòn đảo làm nơi sinh sống cho dân tị nạn từ các nước có chiến tranh. Tác giả đưa ra nhiều phân tích cụ thể, rõ ràng để bảo vệ cho những giải pháp của mình đưa ra như một dự án đầy sức thuyết phục và khả thi. Ngôn ngữ trong bức thư rành mạch, trôi chảy và sắc sảo, có chính kiến, quyết đoán nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên đúng với lứa tuổi thiếu niên.
BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU 46
Nguồn: Vụ HTQT