Khi doanh nghiệp 'bắt tay' đào tạo cùng với nhà trường

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp (CĐNCN) Hà Nội và Tập đoàn Hawee đã “bắt tay” đào tạo Kỹ thuật viên cơ điện khóa đầu tiên. Theo đó, Hawee sẽ phối hợp với trường CĐNCN Hà Nội để đào tạo các vị trí: Tổ trưởng thi công; kỹ thuật viên cơ điện (bao gồm cả kỹ thuật viên có và chưa có kinh nghiệm). Điều đặc biệt của chương trình phối hợp này là doanh nghiệp (DN) trực tiếp “xắn tay” đầu tư xưởng thực hành và cử chuyên gia tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.

20180426-m1.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Sinh viên tốt nghiệp có thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/tháng
 
Theo bà Phạm Quỳnh Diệp, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Hawee, trong quá trình triển khai các dự án, Hawee phát hiện vấn đề quan trọng: Đối với các dự án 5 sao, công nhân của các nhà thầu phụ thường không đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, điều này đặt ra yêu cầu phải đào tạo công nhân kỹ thuật cao. Vì vậy, hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là phương án khả thi nhất, khi các kỹ thuật viên tại nhà trường đã được đào tạo bài bản...
 
Theo chương trình hợp tác đào tạo, Hawee tuyển các kỹ thuật viên tại trường để đào tạo thêm các kỹ năng nghề nghiệp thực tế mà DN đang cần. Thời gian đào tạo từ 3 - 6 tháng để các kỹ thuật viên quen với các công việc thực tế và làm việc luôn tại các dự án ngay sau tốt nghiệp. Đối tượng của khóa đào tạo này gồm: Các tổ trưởng thi công; kỹ thuật viên cơ điện chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật viên đã có kinh nghiệm. Về thu nhập, đối với các kỹ thuật viên mới tốt nghiệp, mức lương khởi điểm từ 7 - 9 triệu đồng/tháng, cuối năm sau khi quyết toán lại các phần việc đã làm, phần dôi ra của sản lượng kỹ thuật viên sẽ được lĩnh tiếp. Các kỹ thuật viên có trình độ cao hơn, có mức lương tăng dần lên tới 20 triệu đồng/tháng.
 
Chủ tịch HĐQT Hawee Trịnh Văn Hà cho biết, trong phối hợp với trường CĐNCN Hà Nội, Hawee đặt mục tiêu đào tạo 500 công nhân vào năm 2018; năm tiếp theo sẽ là 1.000 công nhân. Đây là một phần trong chiến lược đào tạo ra những công nhân lành nghề, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trong nước và nước ngoài của Tập đoàn. Cũng theo ông Trịnh Văn Hà, hai bên cùng tuyển sinh và DN cử chuyên gia, cung cấp trang thiết bị để cùng đào tạo. Sau đó DN sẽ tiếp nhận chính những học sinh sinh viên này vào làm việc.
 
Hợp tác với DN là hướng đi mới trong đào tạo
 
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng trường CĐNCN Hà Nội cho biết: “Đây là khóa đào tạo hợp tác đầu tiên về kỹ thuật viên ngành cơ điện với Tập đoàn Hawee. Qua trao đổi, nhà trường nhận thấy đây là một hoạt động rất phù hợp với chủ trương của ngành giáo dục nghề nghiệp và cũng trùng với hướng đi của nhà trường là “gắn dạy nghề với DN”. Chương trình hợp tác diễn ra trong thời điểm ngành giáo dục nghề nghiệp đang thúc đẩy xây dựng các mô hình gắn kết nhà trường với DN. Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ thành công trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của DN”.
 
Theo thầy Nguyễn Văn Huy, trường CĐNCN Hà Nội, mô hình hợp tác giữa nhà trường và DN trong đào tạo còn khá mới mẻ do sự hiểu biết lẫn nhau để thực hiện nguyên tắc cùng có lợi còn hạn chế. Mô hình hợp tác đào tạo này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Trước kia, học sinh sinh viên chỉ có cơ hội tiếp xúc với các DN vào những năm cuối, khi chuẩn bị tốt nghiệp với khoảng 1 đến 3 tháng thực tập. Với nhiệm vụ mới, nhà trường và DN cùng thực hiện chương trình đào tạo, học lý thuyết tại trường và thực hành tại DN, đôi khi giáo viên đến DN giảng dạy và quản lý sinh viên. Nhà trường đã chủ động phối hợp với bộ phận nhân sự của các DN để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của DN. Mặt khác, DN cũng phối hợp với các trường và đầu tư kinh phí để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nhân lực của mình. Các yếu tố này phải hướng vào đáp ứng yêu cầu đầu ra và tương thích với nhau.
 
Nội dung chương trình đào tạo có vai trò tiên quyết đảm bảo sự thành công của loại hình đào tạo. Tùy từng vị trí công việc trong DN sẽ thiết kế nội dung chương trình về kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết. Các DN cần tham gia trực tiếp vào việc xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo thông qua cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình. Đào tạo gắn với nhu cầu của DN còn thể hiện rõ qua việc tăng cường năng lực về cơ sở vật chất cho nhà trường trong điều kiện đang khó khăn về phòng thực hành và thiết bị dạy - học. Các DN có thể giải quyết một phần khó khăn này thông qua hỗ trợ thiết bị dạy - học và đào tạo tại DN (sử dụng cơ sở vật chất của DN). Nhờ đó, học sinh có cơ hội được trải nghiệm, làm quen với môi trường, các thiết bị, công nghệ sản xuất của DN. Đồng thời, DN có cơ hội lựa chọn, hướng nghiệp cho những học sinh có năng lực tốt phục vụ cho DN ngay sau khi tốt nghiệp. Các  dịch  vụ đào  tạo  gắn  với  nhu  cầu  DN cũng đóng vai trò quan trọng, đặc  biệt  là các dịch vụ: Tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên.../.
Nguồn: Nguồn: http://www.molisa.gov.vn