Phát động truyền thông tăng thuế thuốc lá

Ngày 31/10, Chương trình Phòng, Chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia (VINACOSH) đã phối hợp với Tổ chức lá phổi thế giới (WLF) phát động chương trình truyền thông tăng thuế thuốc lá nhằm giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên Việt Nam hút thuốc lá.

thuocla-cf342.jpg

Một đoạn quảng cáo sẽ được phát trên truyền hình và trên các mạng xã hội nhằm vận động các đại biểu Quốc hội ủng hộ tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa thanh thiếu niên tập hút thuốc lá và giúp những người đang hút thuốc lá giảm hay bỏ hút thuốc nhằm góp phần giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Đoạn quảng cáo truyền hình do VINACOSH xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Lá phối thế giới (WLF) và tổ chức từ thiện Bloomberg (Bloomberg Philanthropies). Đoạn quảng cáo truyền hình giới thiệu các hình ảnh cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá của Việt Nam, mô tả những tác hại của việc sử dụng thuốc lá. Lời thuyết minh nói lên tầm quan trọng của việc tăng giá thuốc lá và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc tăng thuế thuốc lá ở mức cao nhằm ngăn ngừa thanh thiếu niên Việt Nam đến với thuốc lá và giúp họ không mắc các căn bệnh do thuốc lá gây ra trong tương lai.
 
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi hút thuốc. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là phần lớn những người hút thuốc Việt Nam bắt đầu hút từ khi còn rất trẻ. Hút thuốc càng sớm, nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm do thuốc lá càng cao. Tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa các thanh niên trẻ hút thuốc và bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các căn bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra.
 
Ngài Peter Baldini, Chủ tịch Quỹ lá phổi thế giới cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian, và kêu gọi Việt Nam sẽ đưa ra mức thuế thuốc lá cao mà chúng tôi tin tưởng sẽ ngăn ngừa được rất nhiều người hút thuốc lá.”
 
Theo điều tra tại bệnh viện K năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng: tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6% năm 2010.
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
 
Trước tình hình sử dụng thuốc lá rất phổ biến và gánh nặng bệnh tật cũng như kinh tế lớn như vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tiêu dùng thuốc lá là hết sức cần thiết.Việt Nam đã thể hiện các cam kết của mình thông qua việc phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới năm 2004 và ban hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012.
 
Ngày 25/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” trong đó quy định rõ mục tiêu đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hút thuốc của thanh thiếu niên từ 26% xuống 18%, tỷ lệ hút thuốc nam giới giảm từ 47,4% xuống 39%, tỷ lệ hút thuốc nữ giới xuống dưới 1,4%.
Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Điều 6 trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá cũng ghi rõ “các biện pháp về giá và thuế là công cụ hiệu quả và quan trọng để giảm tiêu dùng thuốc lá”. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy biện pháp thuế đóng góp tới 50-60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá.
 
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong có thể ngăn chặn được trên thế giới, và chịu trách nhiệm cho sáu triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng là một trong các biện pháp hữu hiệu nhất để khuyến kích mọi người bỏ thuốc. Hoạt động này là một trong 6 chiến lược M-P-O-W-E-R của Tổ chức Y Tế Thế giới nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu.