Phát triển nguồn nhân lực xuất bản Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Sự xuất hiện của các công nghệ mới đã làm thay đổi phương thức sản xuất trong xã hội, từ đó đặt ra những yêu cầu mới về phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử này. CMCN 4.0 hứa hẹn sẽ tạo nên những bước đột phá cho nhiều ngành nghề, trong đó có xuất bản. Do đó, phát triển nguồn nhân lực xuất bản đáp ứng được các yêu cầu của thời đại mới là một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.

1. Từ các cuộc CMCN đế sự phát triển của xuất bản

Các cuộc CMCN đều bắt nguồn từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Cùng với lịch sử phát triển của nền văn minh nhân loại, lịch sử xuất bản cũng có nhiều thay đổi. Sự phát triển của kỹ thuật xuất bản đã giúp nâng cao năng lực truyền bá thông tin, tăng cường khả năng nắm bắt thông tin cho xã hội, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ sự tiến hóa của văn minh nhân loại.
 
Trong lịch sử phát triển, xuất bản đã trải qua những giai đoạn đột phá về kỹ thuật, làm thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất của xuất bản và mang đến nhiều tiện ích hơn đối với bạn đọc.
 
Giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hình thức xuất bản đầu tiên là chữ viết. Sự phát triển của xã hội loài người đã làm nảy sinh nhu cầu viết chữ trên các chất liệu khác nhau (đá, gỗ, lá cây…) để ghi lại các thông tin, sự kiện, những việc cần ghi nhớ hoặc thể hiện suy nghĩ của người viết. Sự xuất hiện của chữ viết giúp thông tin trở nên hoàn chỉnh và chính xác hơn. Nhu cầu truyền bá những bản ghi chép chính là cơ sở cho sự ra đời của sách cổ với phát minh ra giấy và kỹ thuật in ấn của người Ai Cập cổ đại và Trung Hoa cổ đại.
 
Khoảng giữa thế kỷ XV, sự ra đời của kỹ thuật in sắp chữ rời và máy in của Gutenberg chính là bước nhảy vọt của kỹ thuật xuất bản. Số lượng bản in tăng đột biến giúp thông tin nhanh chóng được truyền tải đến với người đọc, giúp xã hội từng bước trở thành một “xã hội học tập”.
 
20191021-l0.jpg
 
Sách điện tử sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành Xuất bản Việt Nam
và đem đến nhiều trải nghiệm khác biệt trong việc thưởng thức văn hóa đọc ở nước ta. Ảnh: infonet.vn
 
Sau đó, sự ra đời của máy tính điện tử và công nghệ tự động hóa trong công nghiệp đã giúp kỹ thuật chế bản, in ấn trở nên dễ dàng và hiện đại hơn - cơ sở để tạo nên kỹ thuật sắp chữ linh hoạt và in điện tử. Nhờ đó, sách được truyền bá rộng rãi, đồng thời xuất hiện thêm nhiều loại hình ấn phẩm mới như: truyền hình, truyền thanh, băng đĩa và xuất bản phẩm điện tử.
 
Đặc biệt, sự ra đời của mạng internet - hệ thống thông tin toàn cầu, cho phép người dùng truy cập công cộng từ các mạng máy tính liên kết với nhau tạo nên sự phát triển toàn cầu hóa, mạng hóa và số hóa. Năm 1946, chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới ra đời tại Mỹ. Năm 1950, J.W. Perry dùng phương pháp thẻ đục lỗ để sáng tạo ra chiếc máy tìm kiếm thông tin đầu tiên trong lịch sử loài người. Giữa năm 1960, một công ty phát triển hệ thống của Mỹ đã sử dụng máy vi tính để lập nên hệ thống tra cứu, tìm kiếm thông tin theo danh mục của kho tư liệu. Đến năm 1962, khái niệm mạng toàn cầu (World Wide Web) lần đầu tiên xuất hiện trong bài viết “Giao lưu trực tuyến giữa con người và máy” của J.C.R. Licklider và E.W. Clark. Năm 1969, Mỹ đã đạt được những thành tựu đầu tiên trong việc kết nối các đơn vị máy tính với nhau, xây dựng thành công hệ thống mạng máy tính đầu tiên trên thế giới. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển mạng internet và cũng là dấu mốc cho cuộc cách mạng mới về công nghệ của nhân loại - cách mạng kỹ thuật số.
 
Việc ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật mạng vào lĩnh vực xuất bản đã phá vỡ các giới hạn không gian, thời gian truyền thống, xuất bản bước sang một giai đoạn mới với các tiêu chí về toàn cầu hóa, mạng hóa và số hóa.
 
Trước tốc độ đổi mới nhanh chóng của kỹ thuật hiện đại, truyền thông đại chúng trở thành một đặc điểm mới của xuất bản. Lúc này, phương thức truyền thông của xuất bản cũng thay đổi theo hướng cá tính hóa và đa dạng hóa. Mô hình truyền thông phát sinh sự thay đổi. Sự tích hợp các phương tiện truyền thông được tăng cường, xuất bản truyền thống có sự chuyển biến theo hướng mới. Nhiệm vụ của xuất bản được mở rộng, từ nhiệm vụ chủ yếu trên mặt trận tư tưởng và tuyên truyền, ngày nay, nhiệm vụ thông tin, truyền bá, tích lũy và khai thác tri thức cũng trở thành nhiệm vụ cốt lõi của xuất bản.
 
2. Sự thay đổi phương thức xuất bản trong “kỷ nguyên số” đến chuyển đổi mô hình xuất bản
 
Sự xuất hiện và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật mạng số hóa đã đem đến những thay đổi căn bản trên toàn thế giới. Truyền thông mạng đã làm thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất, phương thức tư duy và hành động của con người. Mạng internet đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại và đưa đến những thay đổi nhanh chóng trên mọi phương diện của đời sống xã hội, trong đó ngành xuất bản được coi là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất.
 
Trước hết, đó là sự thay đổi vật truyền dẫn thông tin của xuất bản. Trước đây, xuất bản truyền thống sử dụng giấy làm vật liệu truyền dẫn thông tin - một vật liệu hữu hình. Trong thời đại hiện nay, vật truyền dẫn thông tin trở nên vô hình. Thông tin có thể truyền qua cáp quang hoặc sóng vô tuyến và được tiếp nhận bằng máy tính, điện thoại di động, tivi…
 
Từ việc thay đổi vật truyền dẫn đưa đến thay đổi phương thức xuất bản. Xuất bản đã chuyển từ truyền bá chủ yếu bằng văn bản sang truyền bá tổng hợp, gồm cả văn bản, hình ảnh, âm thanh. Không gian mạng ngày nay có thể tích hợp toàn bộ phương thức truyền bá: sách, báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình lại với nhau; tích hợp chữ viết, tiếng nói, hình ảnh, video… nhằm tác động đến các giác quan của con người.
 
Ngoài việc thay đổi vật truyền dẫn và phương thức xuất bản, xuất bản mạng số hóa cũng đưa đến những thay đổi mang tính cách mạng về công cụ và biện pháp truyền bá thông tin. Sự phát triển của internet đã làm thay đổi phương thức lưu trữ của xuất bản. Thông qua mạng internet, tác giả có thể sáng tác trực tuyến và giao lưu với độc giả. Xét về mặt quá trình, xuất bản truyền thống hay xuất bản mạng số hóa đều có chiều hướng đi từ sáng tác của tác giả đến nhà xuất bản, tiêu thụ và đến tay bạn đọc. Tuy nhiên, trong xuất bản mạng số hóa, quá trình này được rút ngắn hơn rất nhiều. Nhà xuất bản có thể vừa là một trung tâm xuất bản, vừa là một trung tâm tiêu thụ sách; đồng thời, vừa có thể là một trung tâm tìm kiếm, tập hợp tư liệu thông tin sách, báo, vừa là trung tâm tư vấn, sinh hoạt, bồi dưỡng, đào tạo cho độc giả. Hơn nữa, những vai trò này có thể chuyển đổi linh hoạt, từ đó thay đổi chuỗi cung ứng thông tin truyền thống, hình thành chuỗi thông tin có sự tác động qua lại ở cả hai chiều.
 
Mạng số hóa cũng làm thay đổi phương thức đọc của độc giả. Văn hóa đọc truyền thống thường lấy tác giả làm trung tâm, hay nói cách khác, tác giả định hình văn hóa cho bạn đọc. Dựa trên nhu cầu và khả năng của mình mà người đọc lựa chọn loại sách để đọc. Do vậy, cách đọc truyền thống mang tính định hướng, tích lũy và sâu sắc hơn. Cách đọc hiện đại là đọc lướt, mang tính tìm hiểu thông tin, cảm tính và hưởng thụ cao, vì thế thường không sâu, thông tin tích lũy không nhiều và thiếu tính định hướng.
 
Chính sự thay đổi phương thức đọc của độc giả đã làm thay đổi cách thức thương mại của xuất bản. Thương mại xuất bản phẩm số chuyển từ truyền thống sang thương mại thông tin, từ việc chỉ thương mại xuất bản phẩm sang thương mại xuất bản phẩm kèm dịch vụ. Do đó, quy trình thương mại sẽ chuyển hướng sang thông tin là chủ yếu.
 
Sự thay đổi về quy trình thương mại xuất bản mạng số hóa cho thấy, hiện nay, thị trường xuất bản phẩm đang chuyển hướng mạnh sang thị trường người đọc. Thị trường xuất bản phẩm trong mô hình thương mại số hóa dễ dàng nhận biết nhu cầu của bạn đọc cũng như phản hồi của bạn đọc đối với từng tác phẩm ngay cả khi nó chưa được xuất bản. Với mô hình này, nhà xuất bản sẽ giảm thiểu được rủi ro trong việc xuất bản những tác phẩm không có hoặc có ít bạn đọc, hoặc có những sai sót trong quá trình biên soạn, biên tập.
 
Xuất bản hiện đại đã chuyển đổi phương thức quản lý sản xuất truyền thống sang phương thức quản lý tri thức. Trong thời đại xuất bản mạng số hóa, các đơn vị xuất bản được tổ chức theo mô hình học tập điển hình, trong đó chú trọng bồi dưỡng tố chất, kỹ năng, đặc biệt là tính sáng tạo của các thành viên trong đơn vị. Phương thức quản lý xuất bản mạng hiện đại có tính mềm dẻo, linh hoạt, kết cấu mạng hóa trong “thế giới phẳng” sẽ thay thế cho kết cấu phân tầng như trước đây. Những người làm công tác nội dung sẽ trở thành nòng cốt của doanh nghiệp, tự quản lý sẽ trở thành hình thức quản lý chủ yếu trong tương lai.
 
Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, xuất bản mạng chưa thể thay thế xuất bản truyền thống. Hiện tại, mối quan hệ giữa chúng không phải là mối quan hệ thay thế mà là bổ sung, thúc đẩy lẫn nhau. Song cũng không thể phủ nhận, sự thay đổi thói quen đọc của công chúng, sự hoàn thiện các phương thức thanh toán và sự thay đổi của kỹ thuật sẽ là điều kiện tất yếu để xuất bản mạng trở thành xu thế của thời đại mới.
 
3. Định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành xuất bản trong thời đại CMCN 4.0
 
Đón đầu xu thế chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản mạng số hóa ở Việt Nam, các nhà xuất bản phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ tầm để có thể nắm bắt cơ hội phát triển và tránh được các nguy cơ, rủi ro trong tương lai.
 
Nguồn nhân lực trong thương mại, truyền thông. Đây là bộ phận đầu tiên mà các nhà xuất bản cần phải có sự chuẩn bị tốt. Hiện nay, các nhà xuất bản vẫn chỉ làm công tác phát hành và tiêu thụ sách chủ yếu là vận chuyển từ nhà xuất bản đến tay bạn đọc gồm các khâu: nhập hàng, lưu kho, vận chuyển, bán hàng thông qua các đơn vị phát hành hoặc các kênh phát hành của nhà xuất bản. Kênh tiêu thụ chính của các nhà xuất bản vẫn là tự phát hành, thông qua hệ thống các nhà sách, thư viện… với mục đích thúc đẩy tiêu thụ sách. Cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách khá đơn điệu: viết lời giới thiệu sách đăng trên các phương tiện truyền thông, tham gia các hội chợ sách, tổ chức giao lưu với tác giả, giới thiệu sách tại các hội chợ, triển lãm sách… Nhìn chung, kinh phí cho truyền thông sách còn rất hạn chế và thiếu bài bản. Vì thế, nguồn nhân lực ở bộ phận này chưa nắm bắt được nghiệp vụ về thương mại và truyền thông điện tử để thúc đẩy tiêu thụ xuất bản phẩm.
 
Trong thời đại kết nối toàn cầu, những người làm công tác thương mại và truyền thông của các nhà xuất bản cần phải được đào tạo về thương mại và bổ sung các kiến thức marketing 4.0 trong nền kinh tế số, từ đó nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, thúc đẩy doanh thu, tăng cường hình ảnh và tạo nên thương hiệu của nhà xuất bản.
 
Nhân sự trong công tác nội dung. Tại các nhà xuất bản, những người làm công tác nội dung chính là các biên tập viên, là bộ phận nòng cốt. Chính vì thế, họ cần phải hiểu thật sâu sắc CMCN 4.0 sẽ cần ở họ điều gì, họ phải đối mặt với những thách thức nào? Đó có thể là những thách thức từ khách hàng, những người có quyền lựa chọn và trả tiền cho sản phẩm mà họ mong muốn; đó có thể là những thách thức từ đối thủ cạnh tranh nắm trong tay các công nghệ mới, có các kỹ thuật mới sẽ tạo nên sức cạnh tranh vô cùng khốc liệt; hay đó cũng có thể là những thách thức từ sự thay đổi của xã hội, sự đào thải là rất lớn nếu chúng ta không thay đổi để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng, phức tạp của xã hội.
 
Trong xuất bản mạng số hóa, biên tập viên cần phải trở thành người khai thác, truyền tải thông tin qua mạng internet. Với việc nội dung sách sẽ được số hóa toàn bộ và chuyển vào kho lưu trữ ảo để quản lý nội dung, biên tập viên cần phải trang bị đầy đủ kỹ năng về công nghệ thông tin, đặc biệt là kỹ năng khai thác mạng xã hội để có thể xử lý nghiệp vụ một cách linh hoạt, bài bản, thực sự trở thành “sợi dây” kết nối giữa tác giả và bạn đọc thông qua mạng internet.
 
Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Thực tế hiện nay, mới có rất ít nhà xuất bản chú trọng tới việc đầu tư trang thiết bị cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Các nhà xuất bản dường như vẫn đang chìm đắm trong công nghệ làm sách truyền thống mà chưa nhận thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi sang sách số hóa và sách đa phương tiện. Để có thể làm sách trong thời đại công nghệ mới, các nhà xuất bản cần phải trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại và xây dựng, đào tạo đội ngũ những người vận hành được các công nghệ hiện đại đó. Tuy nhiên, kinh phí trang bị những thiết bị hiện đại rất lớn. Vì vậy, các nhà xuất bản có thể sử dụng nguồn lực từ bên ngoài như liên kết với các công ty phần mềm có đủ điều kiện để xuất bản sách số.
 
Có thể khẳng định, CMCN 4.0 với những ưu thế vượt trội là một thực tế hiện hữu, đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến xuất bản. Sự chuyển dịch nhanh chóng từ xuất bản truyền thống sang môi trường internet, số hóa đòi hỏi các đơn vị xuất bản phải bắt kịp với xu thế chung nếu không muốn lạc hậu, thụt lùi. Các nhà xuất bản phải trở thành người dẫn dắt, định hướng cho bạn đọc tìm kiếm các nội dung cần thiết và hữu ích; cần chuyển đổi vai trò từ người trung gian truyền bá thông tin trở thành người chủ động kết nối toàn diện giữa tác giả - biên tập viên - độc giả. Đồng thời, mỗi người làm công tác xuất bản phải tự trau dồi, trang bị các kỹ năng làm việc 4.0, chủ động phát huy tính sáng tạo để trở thành những nhà truyền thông chuyên nghiệp.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
 
1. Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
 
2. TSKH. Phan Xuân Dũng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2018.
 
3. PGS. TS. Trần Thị Vân Hoa: Cách mạng công nghiệp 4.0 - Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
 
4. https://www.emarketer.com/Report/Vietnam-Online-Digital-Usage Behavior-2015-2020/2001971.
 
5. https://waka.vn/static/news/0/0/0/150_1_Solieu_vie.pdf
Nguồn: Theo nxbctqg.org.vn