Thủ tướng: CMCN 4.0 đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành vấn đề pháp lý quốc gia và ngược lại

Một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Cần nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh từ đó kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tế hằng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặc biệt khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý quốc gia và ngược lại. Đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 24/6/2019.

Hội  thảo do Bộ Tư pháp tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Y tế NguyễnThị Kim Tiến và đại diện một số ủy ban của Quốc hội, một số cơ quan thuộc Chính phủ và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

20190624-pg2-TT.jpg
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
 
Thủ tướng nhận định, CMCN 4.0 ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đó là thay lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp.
 
Với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ lõi của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, blockchain (công nghệ chuỗi khối), điện toán đám mây…,
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chúng ta chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực, tận dụng cơ hội đến từ CMCN 4.0. Chính sự chậm trễ này đôi khi là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến cho chúng ta không những không đột phá mà còn tụt lại phía sau.
 
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách pháp luật. Việc thiết kế khung pháp lý, cơ chế và chính sách phải đồng bộ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với những tư duy mới, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới.
 
20190624-pg1-tc.jpg
 
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các Bộ trưởng và một số đại biểu tham dự Hội thảo
 
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tư duy làm chính sách, pháp luật trong bối cảnh CMCN 4.0. Trong cuộc cách mạng này, nảy sinh nhiều vấn đề mới, trước đây chưa từng có, chưa từng xuất hiện đòi hỏi phải có giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế phải thoáng, mở và sáng tạo. Do đó, cần ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới, Thủ tướng chỉ đạo.
 
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với CMCN 4.0 từ đó kịp thời đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
 
Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm và các nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới.
 
Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể những vấn đề đặt ra hiện nay cũng như tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh CMCN 4.0; Công tác dự báo, phân tích, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về tận dụng CMCN 4.0; Phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia.
 
Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, đồng thời sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng.
 
Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử từ đó đề xuất chính sách phù hợp.
 
Bộ TT&TT tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua di động (mobile money) hay ví điện tử…
 
Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta chưa có các quy định liên quan đến những mô hình kinh doanh mới, thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể; Thiếu các quy định liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng như Uber, Airbnb…
 
Liên quan đến ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành chính phủ điện tử, đại diện Văn phòng Chính phủ nhận định cần sớm hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số. Đặc biệt cần tập trung xây dựng các Nghị định để sớm trình Chính phủ ban hành gồm: Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về định danh và xác thực định danh điện tử, Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời cần sớm hoàn thiện nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số, trong đó có Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0, xây dựng hạ tầng số quốc gia và tài sản số quốc gia.
 
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, một trong những hạn chế trong việc xây dựng hạ tầng số tại Việt Nam chính là việc chưa có pháp luật chuyên ngành quy định về quản lý hạ tầng số. Thiếu khung pháp lý này đã làm hạn chế sự phát triển của hạ tầng số nói chung và làm giảm vai trò quan trọng của hạ tầng số trong xây dựng Chính phủ số và kinh tế số. Cụ thể, chúng ta đang thiếu khung pháp lý và các cơ chế chính sách nền tảng để phát triển chính phủ điện tử; Thiếu các thiết chế và quy trình về giải quyết công việc trên nền tảng chính phủ điện tử tại các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ công; Thiếu cơ sở pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thư số cho các giao dịch trên môi trường mạng; Thiếu quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán, đại diện Viettel nhấn mạnh.