Vẫn còn nhiều người hút thuốc, do nhận thức và chưa có hình thức, cơ chế xử lý hợp lý đúng mực.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Khi hút thuốc, người hút thường thở ra hai luồng khói chính và phụ. 20% khói thuốc bị hút vào trong luồng chính, 80% còn lại được gọi là luồng phụ, nảy sinh khi hút thuốc (giữa những lần hít vào) và khi tắt thuốc. Luồng khói phụ thường tỏa ra nhiều chất độc hại hơn. Khói thuốc cấu tạo từ hỗn hợp khí và bụi.

thuoc-la-hai.jpg

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 60 chất được xếp vào loại gây ung thư, gồm những chất như nicotin, mônôxít cacbon, fomanđêhít, amoniac, axeton, asen, xyanua hiđrô,… ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Ngày 31/5 hằng năm được xem là “Ngày thế giới không thuốc lá”. Ở nước ta từ trước đến nay đã có nhiều bộ ngành, nhiều văn bản nghị quyết về việc cấm hút thuốc lá; đáng kể là Quyết định  số 1315/QĐ – TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/8/2009, nghiêm cấm hút thuốc lá từ 1/1/2010 tại nơi công cộng, trường học, bệnh viện,…
Đây là một quyết định hợp lý bởi khi quy mô và hậu quả của việc hút thuốc trong cộng đồng dân cư đã và đang là vấn đề đáng báo động. Nhưng điều đáng nói là các quyết định nói trên chưa được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
 
Tác hại âm thầm nên người hút không sợ
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan cho vấn đề này. Trước hết là do tính chất của việc hút thuốc; không chết đột ngột như tai nạn giao thông, không ám ảnh bàng hoàng lo sợ mặc cảm như người bệnh khi phát hiện nhiễm HIV/AIDS, người hút thuốc lá vẫn dửng dưng, vì hơn 7.000 chất độc không hiện hữu trước mắt họ.
Thế nhưng, 7.000 chất độc này còn kinh khủng hơn cả đại dịch AIDS và tai nạn giao thông, nhất là một khi nó chưa được kiềm chế và ngoài tầm kiểm soát, vì nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu con người. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Đây là một con số đáng buồn. Số người chết vì thuốc lá cao gấp ba bốn lần số người chết do tai nạn giao thông.
Một điều tra gần đây cho thấy, trên 50% nam giới hút thuốc lá và khoảng 60% trẻ em Việt Nam độ tuổi 13 – 15 đã tiếp xúc với thuốc lá tại nhà. Một điều tra khác do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM thực hiện cho thấy, có 44% nam sinh và 12% nữ sinh bậc THPT có thói quen hút thuốc.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khách quan là đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó đã làm cho đời sống, sinh hoạt của người dân ngày càng được nâng cao. Nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng đáng kể. Và đáng tiếc, một bộ phận giởi trẻ đã chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực xã hội, chạy theo lối sống hưởng thụ mà họ cho là hợp thời, sành điệu…