Phát triển Hạ Long xứng tầm thành phố du lịch biển văn minh

Việc mở rộng địa giới hành chính không gian phát triển cho thành phố Hạ Long thông qua việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là quyết định có tính lịch sử và đột phá, đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng của Hạ Long. Hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXV, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Vũ Văn Diện, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long về những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới.

 PV: Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hạ Long trong chặng đường mới?

Đồng chí Vũ Văn Diện: 5 năm qua, nhờ nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua thách thức, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 của 2 địa phương (Hoành Bồ và Hạ Long trước sáp nhập) đề ra. Những thành tựu đó là tiền đề quan trọng, cùng với kịp thời kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm; trên cơ sở phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và những lợi thế riêng có, cơ hội mới của thành phố, đồng thời bám sát những chủ trương, chỉ đạo, sự quan tâm tạo điều kiện của Tỉnh. Ngay sau Đại hội lần thứ XXV, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Hạ Long nêu cao quyết tâm thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động với mục tiêu tổng quát là kế thừa, phát huy truyền thống: “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, con người văn minh, thân thiện. Đồng thời nỗ lực thực hiện 24 chỉ tiêu thành phần trong 4 nhóm chỉ tiêu về lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, xây dựng Đảng; triển khai mạnh mẽ, quyết liệt 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu với 18 Đề án cụ thể, đột phá xây dựng và phát triển Thành phố vững chắc, toàn diện, để Hạ Long thực sự là nơi đáng sống và đáng đến.
 
PV: Thành phố Hạ Long là đô thị loại I, hợp nhất với Hoành Bồ huyện miền núi, thị trấn chưa đạt đô thị loại III, dư luận có quan tâm, đồng chí cho biết, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện để các xã Hoành Bồ (cũ) hòa nhập với đô thị Hạ Long mới?
 
Đồng chí Vũ Văn Diện: Về quan điểm, định hướng phát triển: Ưu tiên thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở khai thác, kết nối các khu danh thắng, di tích lịch sử với các khu vui chơi, giải trí đẳng cấp và kết nối Di sản vịnh Hạ Long với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Tái cơ cấu lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gắn với nâng cao giá trị sản phẩm và thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong cộng đồng. Đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã vùng cao, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, định hướng phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Nông thôn mới.
 
20200716-l4.jpg
 
Đồng chí Vũ Văn Diện - Bí thư Thành ủy Hạ Long thăm hỏi, động viên người dân rẻo cao tránh vùng núi sạt lở, úng lụt, di cư đến nơi ở mới an toàn.
 
Qua đó, các giải pháp để thực hiện như: Một là, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế trong đó trọng tâm là xây dựng thành phố Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với phát huy giá trị cảnh quan Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng; phát triển du lịch khu vực vùng núi, nông thôn để thúc đẩy, phát triển nông nghiệp.
 
Khuyến khích đầu tư hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại để phục vụ nhân dân và du khách, cửa hàng tiện ích tại các xã nông thôn. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp các xã: Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương lên phường; hoàn thành các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị tại các xã: Vũ Oai- Hòa Bình, Quảng La- Dân Chủ sau khi sáp nhập địa giới hành chính.
 
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững dành nguồn lực thỏa đáng cho thực hiện Đề án tổng thể; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (nhất là tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn), từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng xã Nông thôn mới; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã... để liên kết sản xuất quy mô tập trung và khâu tiêu thụ sản phẩm.
 
Phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, mở rộng vùng sản xuất tập trung chuyên canh rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả, các trang trại, khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao. Từng bước đưa vào sản xuất các loại cây dược liệu, cây thuốc nam ở các xã vùng cao. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng. Xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP có tính hàng hóa cao, hình thành các thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu năm 2022: 100% các xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2025: 75% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025.
 
20200709-l15.jpg
 
Một góc Vịnh Hạ Long
 
Ba là, huy động nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I. Mở rộng không gian phát triển đô thị, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 300 nghìn tỷ đồng, chú trọng vào lĩnh vực dịch vụ, sản xuất; thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường; không xem xét cấp phép, mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
 
Tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông động lực và giao thông đối ngoại, trong đó ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông kết nối từ đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đến các xã vùng cao để khai thác dịch vụ du lịch, kết nối giá trị cảnh quan thiên nhiên biển với rừng. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để triển khai các dự án, công trình có tính kết nối giữa Bắc và Nam Thành phố như: Cầu Cửa Lục 1, 2, 3, đường nối Khu công nghiệp Cái Lân với Khu công nghiệp Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nút giao Việt Hưng với Tỉnh lộ 337 kết nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
 
Bốn là, chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng tầm chất lượng; chính quyền đô thị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền gắn với cải cách nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử để xây dựng hình ảnh người Hạ Long văn minh, thân thiện. Đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức tiên phong, gương mẫu, năng động, có khát vọng đổi mới, đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển Hạ Long trở thành đô thị hiện đại - truyền thống, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
 
PV: Xin cám ơn đồng chí!