Quảng Nam họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020

Sáng nay 16/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi họp báo thông báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành; lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên trong tỉnh và trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

20200716hanh2.jpg

Toàn cảnh buổi Họp báo.

Trong bối cảnh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm bằng 88,49% so với cùng kỳ năm 2019,  tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 26.790 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010).

Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) hơn 44.421 tỷ đồng. Do tình hình dịch bệnh, cơ cấu GRDP có sự chuyển dịch so với cuối năm 2019, theo đó cơ cấu khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản phát triển, chiếm gần 16,39%; công nghiệp và xây dựng giảm, chiếm tỷ lệ 28%, trong đó công nghiệp 22,14%; dịch vụ chiếm 34,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm gần 21,11%.
 
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 6 tháng đầu năm 2020 là 8.366 tỷ đồng đạt 32,5% dự toán, giảm 33,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa gần 6.315 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán, giảm 34,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu 2.050 tỷ đồng, đạt 39%, giảm 34,8% so với cùng kỳ.
 
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2020 là 9.271 tỷ đồng, đạt 34% dự toán, nếu không tính chi chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang thì ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 7.571 tỷ đồng, đạt 27% dự toán. Do đại dịch Covid-19 và các yếu tố bất lợi khác dẫn đến số thu ngân sách nhà nước năm 2020 dự kiến không đạt dự toán giao, UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND tỉnh thống nhất phương án cắt giảm dự toán chi ngân sách tỉnh năm 2020 để đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện cắt dự toán chi ngân sách năm 2020 do dự báo ngân sách địa phương hụt thu; tăng cường lãnh đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
UBND tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 613 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 4.791 tỷ đồng, bằng 79,4% số doanh nghiệp đăng ký mới, vốn đăng ký chỉ bằng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, đã cấp mới 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm 46% so cùng kỳ.
 
UBND tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, qua đó, các thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn ngày càng tăng; tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 29/6/2020, Trung tâm Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 60.925 hồ sơ và giải quyết 59.119 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn 58.915 hồ sơ đạt tỷ lệ 99,65% và trễ hạn 202 hồ sơ đạt tỷ lệ 0,35%.
 
Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Nam năm 2019 so với năm 2018 đã có sự cải thiện tích cực khi tăng cả điểm số và thứ hạng, với điểm số tổng hợp 69,42 điểm, xếp thứ 06/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, dẫn đầu nhóm 11 tỉnh, thành phố có năng lực điều hành thuộc nhóm “tốt” và xếp thứ 02/12 khu vực duyên hải miền Trung, tăng 01 bậc so với năm 2018. Kết quả này giúp Quảng Nam tiếp tục duy trì 05 năm liên tiếp nằm trong top nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
 
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cũng tăng 9 bậc so với năm 2018, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố cả nước, thuộc nhóm các tỉnh đạt chỉ số trung bình trên 80%. Qua đó, cho thấy nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
 
Trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ về phòng, chống dịch Covid - 19; đánh giá tác động của dịch bệnh đối với từng lĩnh vực, từng chỉ tiêu kinh tế và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 với quan điểm phấn đấu đạt kết quả cao nhất so với chỉ tiêu đề ra. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, tài nguyên, môi trường, ngân sách,...
Nguồn: Sở TT&TT Quảng Nam