Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: "Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số"

Sáng ngày 19/9/2020, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về công tác chuyển đổi số tại Học viện.

20200922-m03.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với Học viện CNBCVT

Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp VT-CNTT như Viettel, VNPT, CMC…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Học viện CNBCVT có lợi thế rất lớn của Học viện là trực thuộc một Bộ công nghệ số, một Bộ có tới 50.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong số đó có nhiều doanh nghiệp mạnh, với hàng triệu lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ đô la. Vì vậy, Học viện cần phải gắn cố gắng để trở thành đại học đi đầu về hoạt động nghiên cứu, gắn đại học với nghiên cứu, trong đó, thầy cô tham gia nghiên cứu, sinh viên tham gia nghiên cứu, chứ không phải chỉ những người trong viện nghiên cứu. Phải phấn đấu để ít nhất 30% nguồn thu của Học viện là đến từ nghiên cứu. Đã là giáo sư, phó giáo sư của Học viện thì phải có hoạt động nghiên cứu, ít nhất 30% thời gian là dành cho nghiên cứu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu. Số ít đó là các nước, các đại học dám đi đầu. Tuy nhiên, nếu nói đến đột phá trong việc học đại học thì có thể nói đấy là “làm ngược”. Cuộc CMCN lần thứ 4 mở ra một cơ hội về sự làm ngược nhưng mang lại kết quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá. Cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau mong muốn giống người đi trước. Các công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược, và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội các đại học đi trước.
 
Đối với phương pháp đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra rằng, trước đây, đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng. Bây giờ, chuẩn đầu ra là quan trọng, việc học thế nào hãy để sinh viên tự lo là chính. Trước đây, đại học so với chính mình. Bây giờ, đại học phải so với các đại học khác. Và vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và đo đạc, so sánh, đánh giá là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được.
 
Đối với sinh viên học, Bộ trưởng yêu cầu Học viện nên định hướng cho sinh viên thay vì học trước rồi làm sau thì giờ đây, sinh viên cần làm trước rồi học sau. Vì thế, việc giảng dạy sẽ dễ dàng hơn
 
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh rằng, việc học cách giải quyết vấn đề và học cách tìm ra vấn đề là chính. Và vì thế, việc học cũng thú vị hơn, hữu ích nhiều hơn cho cả người học và người dạy.
 
Trước đây, cạnh tranh là làm giống người khác và làm tốt hơn. Và vì thế khó mà hơn được người khác. Bây giờ, cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người khác, và vì sự khác biệt đó mà hơn người khác. Và cũng vì thế mà dễ hơn. Trước đây, chúng ta phấn đấu để trở thành đại học MIT( Viện Công nghệ Massachusetts, một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ), là việc rất khó. Thì bây giờ, chúng ta phấn đấu để không trở thành MIT. Sử dụng các công nghệ mới để làm khác, dạy khác, học khác MIT và vì vậy mà chúng ta hơn MIT. Sẽ vẫn còn những doanh nghiệp cần sinh viên MIT, họ sẽ tuyển MIT. Sẽ có những doanh nghiệp cần tuyển sinh viên khác MIT, họ sẽ tìm đến Học viện CNBCVT. Nhưng dù có làm khác MIT thì chúng ta vẫn phải làm việc đó một cách xuất sắc.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao cho Học viện cùng với 3 doanh nghiệp đang tham gia Hội đồng trường, Viettel, VNPT và CMC - là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, rất nên thành lập một doanh nghiệp nghiên cứu trong Học viện, vừa là huy động các nguồn lực nghiên cứu của Học viện, vừa là gắn kết với nhu cầu nghiên cứu của doanh nghiệp, vừa kết hợp được tư duy đại học và tư duy doanh nghiệp. Đây sẽ là một mô hình tốt.
 
Về chuyển đổi số (CĐS), Học viện cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên. Đào tạo giáo viên là đào tạo họ sử dụng các công cụ mới này. Mà việc này thì không khó. CĐS đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Ngoài ra, muốn đào tạo nhân lực CĐS thì hãy cho họ sống, học tập và làm việc trong môi trường số, đây cũng là cách đào tạo công nghệ số tốt nhất.
 
Bộ trưởng cũng chỉ ra một số phương hướng phát triển của Học viện trong thời gian tới như sau: Định hướng, đặt ra mục tiêu, chiến lược, kế hoạch; Tạo ra các cơ chế để đại học giải phóng các nguồn lực của mình để phát triển; Tạo ra các nguồn lực mới cho đại học, bao gồm cả nguồn nhân lực; Xây dựng hệ thống giám sát; giám sát để đảm bảo đại học đi đúng hướng, đúng chiến lược, hướng tới mục tiêu; giám sát để phát hiện sớm các sai sót trong cách làm để điều chỉnh kịp thời và qua đó bảo vệ Ban giám đốc, bảo vệ Giám đốc; Định hướng về các hợp tác của đại học.
 
Về nhiệm vụ trước mắt của Hội đồng trường, đó là xây dựng Qui chế hoạt động - nó giống như bộ luật của trường, là khung chiến lược 5 năm tới của Học viện, là kế hoạch 2020-2021, là nhiệm vụ của từng thành viên trong Hội đồng trường, đặc biệt là đại diện của Bộ TT&TT, của chuyên gia giáo dục và đào tạo và của 3 tập đoàn, là xây dựng hệ thống giám sát ngay trong năm 2020.
 
Về đào tạo lại và đào tạo nâng cao. CMCN lần thứ 4 sẽ làm nhiều nghề biến mất và cũng tạo ra nhiều nghề mới, hầu hết các nghề khác không biến mất nhưng yêu cầu kỹ năng mới. Và vì vậy, việc học nghề mới, việc học kỹ năng mới là nhu cầu rất lớn của xã hội. Trong xã hội tương lai, việc học sẽ là nhu cầu cả đời của mỗi người. Học viện phải giải quyết nhu cầu này. Nhu cầu này không kém gì nhu cầu học đại học, nhưng là một thị trường to lớn hơn rất nhiều. Học viện cần nghiên cứu để thành lập ngay bộ phận này. Để đáp ứng nhanh, cả về nội dung và người dạy, thì không gì bằng các nền tảng, đó là các khoá học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hoá cho nhiều đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khoá học cơ bản góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xoá mù công nghệ cho vùng sâu vùng xa. Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số. Và nếu nhìn theo góc này, thì Học viện ngày càng giống một công ty công nghệ, hơn là một trường đại học truyền thống dạy học. Và thực sự, Học viện sẽ là một công ty công nghệ, phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình nên các nền tảng.
 
Về kết hợp với cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp. Các danh nghiệp vừa và lớn thì hầu như ai cũng có cở sở đào tạo. Những doanh nghiệp lớn thì cơ sở đào tạo thường là rất lớn. Cái hay của các cơ sở này là cơ sở vật chất tốt, thiết bị thực hành nhiều và phong phú, nhưng thường là không dùng hết công suất. Họ có cái mà đại học không có. Nhưng cái họ thiếu chính là cái mà đại học có: nghề dạy học. Bởi vậy, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ họ nghề dạy, thì Học viện sẽ có rất nhiều cơ sở vật chất mà không phải đầu tư, không những thế, những cơ sở vật chất này lại được đổi mới thường xuyên, luôn bắt kịp công nghệ mới. Đại học mở là đại học chia sẻ nguồn lực với doanh nghiệp.
 
Về cơ sở dữ liệu những sinh viên đã tốt nghiệp. Chắc ít ai nghĩ rằng tài sản lớn nhất của một trường đại học chính là những người đã tốt nghiệp. Sẽ có rất nhiều giá trị sinh ra từ đây. Tỷ lệ xin được việc sau khi tốt nghiệp, lương trung bình khi ra trường đi làm, 10 năm sau những người này ra sao, họ nói gì về nội dung giảng dạy, về cách dạy của trường, họ nói gì về trường với nơi họ làm, họ có muốn mang những đề tài nghiên cứu về cho trường không, họ có muốn về trường thỉnh giảng không, họ có muốn con họ học đại học ở đây không, những ai thành đạt, họ muốn đóng góp cho trường thì phải làm thế nào, v.v...
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu, ngay trong năm 2020 này, Học viện phải xây dựng CSDL về học viên của mình, theo dõi họ suốt cả chặng đường sau khi ra trường. Và vì thế mà tài sản của Học viện sẽ ngày một gia tăng.
 
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa, Viện Chiến lược TT&TT đã có tham luận trình bày về chiến lược, các phương pháp đào tạo, thu hút các  học viên xuất sắc cho Học viện CNBCVT.
 
Cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tọa đàm, giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện về các định hướng, kinh nghiệm phát triển Học viện trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia…
 
2020919-u50.jpg
 
 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao lưu với cán bộ giảng viên và học viên Học viện CNBCVT