Cách nào bỏ thuốc lá hiệu quả?

Khi bắt đầu tìm đến với thuốc lá, nhiều người chỉ tò mò muốn trải nghiệm cảm giác cùng khói thuốc , nhưng rồi dần dần bị dẫn dắt tạo thành một thói quen rất khó bỏ.

bo-thuoc-hieu-qua.jpg

Bỏ thuốc hiệu quả; Chú thích ảnh: Anh minh họa
 
Từ tò mò dần thành nghiện
 
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm, thuốc lá là nguyên nhân gây ra cái chết của hơn 7 triệu người, 80% trong số những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
 
Các chuyên gia y tế cho biết, trong số hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), nicotin… Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng viêm phổi mạn tính, thậm chí chúng còn phá hủy và làm biến đổi tế bào, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch. Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8 - 10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao cấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2 - 4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2- 3 lần so với người không hút thuốc lá.
 
Vẫn biết thuốc lá có những tác hại như vậy nhưng số lượng người hút thuốc lại đang có xu hướng ngày càng tăng. Nguyễn Tuấn Tú, sinh viên năm thứ 3 Đại học Thương mại cho biết em đến với thuốc lá cách đây gần một năm do sự tò mò và cổ vũ của những bạn đã hút thuốc trước đó. Từ chỗ chỉ hút 1-2 điếu mỗi lần đi chơi với các bạn, dần dần thành nghiện và giờ mỗi ngày Tú hút hết 1 bao.
 
Tú cho biết, từ ngày hút thuốc, đầu tóc, quần áo em thường xuyên ám mùi thuốc lá rất khó chịu. Đó là chưa kể, em thường mệt mỏi mỗi sáng ngủ dậy và hay bị viêm họng kéo dài.
 
Nguyễn Hoàng Anh, bảo vệ cho một tòa chung cư trên đường Trung Kính, Hà Nội tâm sự, anh hút thuốc lá đã được hơn 20 năm nay. Vì tính chất công việc và cũng vì một phần thói quen nên ngày nhiều thì anh hút hết hơn một bao, ít là hơn nửa bao.
Anh tâm sự, nhiều lúc nghĩ đến tác hại của thuốc lá nên cũng quyết tâm bỏ hẳn để cải thiện sức khỏe. Nhưng do đặc thù công việc và điều quan trọng hơn là chưa có sự quyết tâm nên đến nay anh vẫn chưa bỏ được. “Hút thuốc có hại cho sức khỏe thì ai cũng biết nhưng để bỏ nó lại không hề đơn giản. Mỗi khi vợ phàn nàn chuyện hút thuốc tôi lại hứa hẹn bỏ nhưng đến cơ quan, do đặc thù công việc tôi lại tặc lưỡi hút cho thỏa cơn thèm”, anh Hoàng Anh nói.
 
Cần sự quyết tâm cao
 
Theo các chuyên gia, những người nghiện thuốc có rất ít người cai nghiện thành công, mặc dù đã dùng rất nhiều biện pháp, có những người đã cai được một thời gian dài nhưng vẫn quay trở lại bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng hầu hết không thể vượt qua chính bản thân mình và trên thực tế vẫn còn rất nhiều người hút thuốc và thường xuyên tiếp xúc với thuốc…
 
Cai thuốc lá là một quá trình lâu dài và trải qua nhiều khó khăn, điều này không mấy dễ dàng với những người hút thuốc lâu năm. Quá trình cai thuốc lá cần qua những giai đoạn quan trọng. Giai đoạn đầu là 72 giờ để giảm lượng nicotine. Sau đó là 14 ngày để phục hồi cơ thể, 48 ngày để chấm dứt và cải thiện lại thói quen, ba tháng để có thể ngủ mà không còn nghĩ tới hút thuốc.  
 
Để tăng khả năng bỏ thuốc, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi khi cơn thèm thuốc lá trở nên "cồn cào", giằng xé, bạn có thể đi đánh răng. Cảm giác sạch sẽ trong miệng sẽ làm mất đi cơn thèm thuốc. Luôn có thứ gì đó để ăn mỗi khi lên cơn thèm, ví dụ như bạc hà, kẹo cao su, thanh quế, hạt hướng dương... Khi thèm thuốc, bạn có thể mở tivi, đi tắm, gọi điện thoại, làm việc nhà, đi chơi... Bên cạnh đó, uống nhiều nước cũng là cách để giảm cơn thèm thuốc lá. Có thể uống nước trái cây hoặc nước khoáng trong ba ngày đầu cai thuốc. Ngoài ra, mỗi khi cơn thèm thuốc ập tới, bạn nên hít thật sâu và thở ra từ từ vài lần cho đến khi cơn ghiền thuốc qua đi. Bất cứ khi nào cảm thấy thèm thuốc, bạn cũng có thể thực hiện chừng 5-10 lần hít đất. Tâm trí và cơ thể bạn sẽ nhanh chóng bị hướng vào hoạt động mới.
 
Bác sĩ Lê Trí Hải, Bệnh viện Hồng Ngọc cho rằng, quan trọng là ý chí và quyết tâm của người cai thuốc lá. Các phương pháp cai nghiện dù hay đến mấy mà người nghiện thuốc lá không quyết tâm thì cũng thất bại. Người hút thuốc muốn bỏ thuốc lá cần có kế hoạch để đánh bại sự thèm muốn và kích thích của hoạt chất này. Người hút thuốc càng nhanh chóng cắt bỏ thuốc, họ sẽ giảm được nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim, các bệnh có hại khác liên quan đến hút thuốc nhanh hơn.