Không gian mạng gắn chặt với chủ quyền quốc gia

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng Việt Nam 2020 (Vietnam Security Summit 2020) diễn ra ngày 10/11/2020 tại Hà Nội.

 Hội  thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng Việt Nam 2020 (Vietnam Security Summit  2020) với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin  trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn” đã được tổ chức dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ TT&TT; Tập đoàn IEC phối hợp cùng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) và Cục An toàn Thông  tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức sự kiện.

 Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến an ninh mạng, Đại tá Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng Ban Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đại diện các doanh nghiệp ATTT Việt Nam và quốc tế cùng các đại biểu đến từ khối Chính phủ, Tài chính – Ngân hàng, Bảo hiểm, Viễn thông, Bán lẻ & Thương mại điện tử, Vận tải – Logistics, Năng lượng, Sản xuất,… 
 
20201110-pg1-BKTTW.jpg
 
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
 
Không gian mạng gắn chặt với chủ quyền quốc gia
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, không gian mạng trở thành “không gian chiến lược mới”, “vùng lãnh thổ đặc biệt” gắn chặt chẽ với các chủ quyền về đất liền, biển đảo, trên không, vũ trụ; là ưu tiên hàng đầu của các nước trên tất cả các cấp độ: chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân để xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố đã ghi nhận là 4.161 cuộc, trung bình 1 ngày chúng ta đã cảnh báo và xử lý cho khoảng 14 cuộc tấn công mạng.
 
Trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm; cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia cho 63 Sở Thông tin và Truyền thông.
 
Theo chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Đức Hiển về những tính toán về an toàn an ninh mạng, năm 2021, thế giới sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD/phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015. Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội Đảng khóa XIII cùng nhiều mốc tổng kết kinh tế, xã hội quan trọng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao thì Việt Nam phải thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Và nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới.
 
20201110-pg1-CATTT.jpg
 
Ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT
 
ATTT không thể tách rời quá trình chuyển đổi số quốc gia
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết, theo thống kê của  Cục, tính đến tháng 9/2019, Việt Nam đứng thứ 2  thế giới về nhiễm mã độc, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về tấn công email và thứ 3 thế giới về tấn  công botnet. Đặc biệt, các cuộc tấn công không chỉ gia tăng nhanh về số lượng, thời lượng và tần suất,  mà còn được tăng cường bởi sức mạnh của các công nghệ mới, dẫn tới các vụ rò rỉ, đánh cắp, phá huỷ  dữ liệu quy mô lớn nhắm vào các hạ tầng trọng yếu của quốc gia, doanh nghiệp. Vì vậy, trong những  năm vừa qua, mức độ đầu tư của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam dành cho các giải pháp bảo mật đã  có sự cải thiện đáng kể. 
 
Điểm lại những kết quả về an toàn an ninh mạng đã đạt được trong thời gian qua, vị đại diện Cục ATTT cho rằng, một hoạt động nổi bật là sự ra đời của Liên minh phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam với 21 doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Hệ sinh thái đã hình thành tương đối đầy đủ với sự hiện diện của hầu hết các dòng sản phẩm ATTT. Gần 100% tỉnh thành và Bộ ngành đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC)…
 
Tình hình tấn công mạng diễn ra ngày càng phức tạp
Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đưa ra nhận định, hoạt động tấn công mạng vào Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong quý III, Cục đã phát hiện 937 Trang/Cổng TTĐT của Việt Nam bị tin tặc tấn công, thay đổi giao diện, chèn tập tin, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
20201110-pg1-BCA.jpg
 
Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an
 
Liên quan đến tình hình dịch covid 19, chỉ trong quý III, đã có gần 4.000 bài viết, thông tin, video có nội dung xấu độc về số người nhiễm hoặc tử vong do covid nhằm gây hoang mang dư luận được đăng tải trên Facebook, Youtube.
 
Tội phạm sử dụng không gian mạng hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, tài chính gia tăng và được thực hiện với nhiều phương thức tinh vi như: Lợi dụng chương trình tri ân, khuyến mãi gửi tin nhắn chứa link giả mạo, dùng SIM rác giả mạo nhân viên ngân hàng báo lỗi .. Đặc biệt việc quản lý hoạt động thanh toán xuyên biên giới chưa được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ về các hoạt động tội phạm như rửa tiền, kinh doanh đa cấp. Các sàn thương mại điện tử lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế. 8 sàn thương mại điện tử lớn như Shoppee, Sendo, Tiki, Lazada đã chủ động rà soát 750 nghìn gian hàng, 3 triệu sản phẩm và đã tiến hành gỡ bỏ gần 8.900 gian hàng và gần 23 nghìn sản phẩm vi phạm.
 
Đưa ra dự báo về tình hình an ninh mạng trong thời gian, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cảnh báo mối de dọa an ninh mạng hàng đầu là hacker gia tăng tấn công mạng có chủ đích (APT) nhắm vào dữ liệu. Sự thiếu hụt các chuyên gia an ninh mạng và giải pháp bảo mật điện toán đám mây, sự bùng nổ của các thiết bị thông minh, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng mobile cũng là những mối đe dọa đối với an ninh thông tin, đặc biệt cần chú ý đến hoạt động tấn công vào các thiết bị IoT nhằm thu thập dữ liệu, chiếm đoạt thông tin tài liệu, vị đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
 
 
Bên cạnh Phiên Báo cáo chính với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân  tạo và Dữ liệu lớn”, còn diễn ra Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng  cho các hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia” đề cập đến các giải pháp, công nghệ đảm  bảo an toàn, an ninh mạng trong các lĩnh vực trọng yếu như chính phủ điện tử, xây dựng và quản trị  đô thị thông minh, năng lượng, hạ tầng thanh toán, hạ tầng giao thông vận tải,… Từ đó, phiên tọa đàm tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác công – tư nhằm cải thiện năng lực bảo mật thông tin quốc gia,  phát hiện và xử lý các rủi ro mất an toàn thông tin, mất an toàn, an ninh mạng nhằm bảo vệ các dữ liệu  và tài sản trọng yếu.
 
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp thế hệ mới” chia  sẻ về xu hướng rủi ro an toàn, an ninh mạng và các giải pháp của doanh nghiệp nhằm đối phó với những cuộc tấn công dữ liệu. Ngoài ra, phiên tọa đàm xoay quanh việc chia sẻ, đề xuất giúp các doanh  nghiệp có định hướng tối ưu hóa trong việc xây dựng chiến lược đầu tư hệ thống bảo mật, công nghệ  thông tin hiệu quả với các nguồn lực có sẵn. 
 
Song song với phiên Báo cáo chính và các Hội thảo chuyên đề, Triển lãm quốc tế về an toàn,  an ninh mạng với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên  thế giới, các giải pháp nổi bật sẽ được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Bảo mật đám mây, bảo mật  thiết bị đầu cuối, bảo mật thiết bị di động, quản lý truy cập & định danh, xác thực đa yếu tố/xác thực  không mật khẩu, bảo mật sinh trắc học, CCTV & Hệ thống giám sát, GRC, Hệ thống phát hiện và ngăn  chặn xâm nhập, DevSecOps, bảo mật ứng dụng/kiểm thử xâm nhập, phòng chống mất dữ liệu/phishing,  Zero Trust, giải pháp ngăn ngừa rủi ro nội bộ DDoS, mã hóa, ảo hóa,…