Tích cực hoàn thiện ứng dụng công nghệ, nền tảng số để mở cửa trở lại an toàn

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng COVID-19" do VnExpress tổ chức ngày 14/9, các chuyên gia công nghệ cho biết đang tích cực ứng dụng công nghệ, phát triển các nền tảng số để phòng chống COVID-19 hiệu quả và sẵn sàng cho mở cửa trở lại an toàn.

Sẽ còn một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Bkav, kiến trúc sư trưởng Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia, cho biết đại dịch xuất hiện bất ngờ vào năm trước. Ngay sau đó, các công ty công nghệ đã được Chính phủ triệu tập và tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch. Nhiều công ty đã nhanh chóng cung cấp các giải pháp phục vụ cho việc chống dịch, nhưng do thời gian gấp mỗi công ty tham gia làm một phần. Đến nay, Chính phủ và các bộ ngành nhận thấy cần tập hợp, kết nối các phần mềm lại với nhau, cần có một bản thiết kế bài bản hơn, giống như xây một tòa nhà cần bản vẽ thiết kế của tòa nhà rồi mới thi công.

20210915-pg1.jpeg

Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia

Cách đây 3 tháng, Bộ TT&TT thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu trên. Mới đây nhất, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các phần mềm sẽ phải được kết nối với nhau. 

Ông Quảng cho biết: "Sẽ có một phần mềm tham gia phòng chống dịch hiệu quả, người dân có thể sử dụng thuận lợi hơn".

Chính phủ giao cho Bộ TT&TT phát triển một ứng dụng chống dịch duy nhất. Thủ tướng cũng như Phó Thủ tướng đã quyết định chính thức sắp tới sẽ có một ứng dụng mới, kế thừa tất cả những giá trị mà các ứng dụng trước đó. Hiện nay các bộ, ngành, và Trung tâm đang ngồi làm việc với nhau, rất khẩn trương, để thống nhất.

"Nguyên vật liệu đã có", giờ chỉ cần thống nhất và triển khai, bởi dịch không chờ chúng ta. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có được giải pháp như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu", ông Quảng cho hay.

20210915-pg2.jpeg

Các chuyên gia công nghệ chia sẻ về ứng dụng công nghệ phòng chống dịch và đề xuất các giải pháp cho trạng thái bình thường mới

Theo ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty Công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án ITrithuc, trong chống dịch, đã có nhiều công ty tham dự, tình nguyện đóng góp, và Việt Nam đã làm được nhiều công nghệ để chống dịch. "Về mặt công nghệ thông tin, chúng ta đã cố gắng, nhưng đây là bài toán khó, độ kỳ vọng cao. Với sự vào cuộc của cộng đồng công nghệ, chúng ta làm một lần chưa tốt nhưng sẽ sửa dần để tốt hơn. Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã đạt được mục tiêu đưa ra".

Đại diện Khu Công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TP. HCM (ITP), ông Lê Nhật Quang chia sẻ khi đại dịch xảy ra, tất cả bị ảnh hưởng, nhưng là cơ hội để công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng, thúc đẩy số hoá nhanh hơn.

Chính phủ đã có những chính sách đón đầu về chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng AI vào khai thác dữ liệu đa ngành. Ông Quang chia sẻ việc ứng dụng chưa kịp so với tốc độ lây lan của dịch bệnh. Ban đầu, chúng ta gặp một số khó khăn trong việc tận dụng CNTT chống dịch. Những công ty đã ứng dụng CĐS trước đại dịch ít bị tác động so với công ty truyền thống khi dịch kéo dài. Điều tích cực thấy được là sự cần thiết của công nghệ trong cuộc sống. Công nghệ làm giảm khoảng cách, tối ưu hoá chi phí để ứng dụng công nghệ vào chống dịch. Từ đó sinh ra nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau vào nhiều ngành nghề khác nhau.

"Những ứng dụng liên quan đến câu chuyện hỗ trợ phòng chống dịch rất nhiều, nhưng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Các đơn vị đều cần nhảy vào, bước tiếp theo cần thống nhất các cơ sở dữ liệu để có được sức mạnh mới nhằm thích nghi với đại dịch", ông Quang chia sẻ.

Sẵn sàng để mở cửa trở lại

Theo ông Nguyễn Tử Quảng, hiện nay Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 Quốc gia đã chuẩn bị sẵn các giải pháp để đối phó với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, có 2 giải pháp, thứ nhất là hệ thống QR code. Theo đó, trong thời gian tới, các địa điểm công cộng có thể đều có mã QR mà người đến phải quét QR code. Việc quét hiện cũng rất tiện. Thứ hai là cài phần mềm phát hiện tiếp xúc gần. Giả thuyết khi phát hiện được ca F0 chỉ điểm và đưa lên hệ thống, có thể tìm ra mọi địa điểm mà F0 này từng đến và quét (gọi là mốc dịch tễ). Đồng thời quét ra ở thời điểm đó, địa điểm đó có những ai cùng đến. Khi đó chúng ta sẽ không cần phải đi tìm, đi loan báo trên các phương tiện truyền thông. Phần mềm phát hiện tiếp xúc gần cũng giúp tìm ra những người đã tiếp xúc trong khoảng cách 2 mét.

Ông Nguyễn Thế Trung cho biết QR code là trụ cột quan trọng của quốc gia gần 100 triệu dân, trong đó có những người không có smartphone. Ứng dụng chỉ là công cụ thô sơ, việc khó hơn nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau. Theo ông Trung, QR code là vấn đề bắt buộc phải dùng, không chỉ chống dịch mà ứng dụng sau này để bất kỳ ai cũng có thể tham gia. 

Trong khi đó, ông Trung cũng chia sẻ ủng hộ công nghệ mở và không độc quyền. "Chúng ta đã có tầm nhìn rất xa, ngay từ khi làm CMND điện tử đã yêu cầu gắn mã QR. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng".

"Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ các đơn vị để làm sao các tỉnh cố gắng dập được dịch, trở về lây nhiễm số lượng ít. Kết hợp với các công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được dịch bệnh như năm ngoái. Ở Việt Nam, những tỉnh lây nhiễm nhiều chiếm khoảng 17% dân số. Tôi tin sắp tới chúng ta sẽ xử lý được và trở về trạng thái bình thường mới", ông Quảng cho biết.

Riêng tại TP. HCM, ông Lê Nhật Quang cho biết với những tỉnh đang có dịch lớn như TP. HCM, chính quyền địa phương đã có những chiến lược để chung sống với COVID-19. Sống với COVID-19 khác sống với dịch, là chung sống theo ngưỡng cho phép trong ngành y tế và áp dụng song song các phương án với nhau. Với TP. HCM, ở những khu vực như quận 7, Củ Chi, Cần Giờ hoặc khu trọng điểm kinh tế như khu công nghệ cao, khu chế xuất sẽ chuyển qua phương án thích ứng.

TP. HCM sẽ phát triển một ứng dụng khai báo y tế, kết nối với dữ liệu chung trên nền tảng dữ liệu quốc gia trong việc liên thông dữ liệu để các quận thí điểm hoạt động. Với người dân, ứng dụng (app) này sẽ có bốn thông tin đồng bộ hoá: Khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm và với những trường hợp cách ly tại nhà có theo dõi sức khoẻ. Dữ liệu sẽ kết nối với các ứng dụng khác trên thị trường. Hiện có nhiều ứng dụng khiến người dân bị rối, trong khi Sở TT&TT TP. HCM cam kết sẽ kết nối thông tin. Các cơ sở kinh doanh cũng đăng ký, cam kết thực hiện 5K bên cạnh ưu tiên chống dịch và phát triển kinh tế.

"Khi hoạt động, quy trình cũng rất tuân thủ, ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để kiểm soát dịch bệnh như camera đo thân nhiệt, quy trình làm việc giãn cách... Đây là một trong những cách mà DN chủ động triển khai. Câu chuyện mở cửa tiếp thì chúng ta cần chờ trong thời gian tới, sau khi có kết quả thí điểm tại ba quận ở TP. HCM", ông Quang cho hay.

Cần một nền tảng thống nhất về quản lý kho bãi, hàng hóa, kết nối với hệ thống logictics

Theo ông Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm CEO công ty Abivin, công nghệ giúp các hoạt động kinh tế có thể tiếp tục. "Tôi tin trong tất cả các hoạt động, đều có công nghệ đứng sau".

Về phát triển kinh tế, ông Long cho rằng chúng ta vẫn phải đảm bảo vận tải, bán lẻ, sản xuất, trong đó giải quyết hạn chế trong lĩnh vực logictics khi đây là một chuỗi các hoạt động cần liên kết nhiều bộ ngành địa phương DN.

"Trong thời gian qua, hàng hóa không được lưu thông, gây ảnh hưởng đến logistics, đứt gãy chuỗi cung ứng, có thể thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Các thiệt hại này có thể được giảm bớt nếu ứng dụng công nghệ trong những hoạt động này. Tôi hiểu công nghệ trong logistics sẽ không thể làm nhanh, nên cũng phải chấp nhận việc làm và hoàn thiện dần", ông Long cho hay.

Để giải quyết hạn chế, ông Long đề xuất một nền tảng thống nhất về quản lý nhà nước về quản lý kho bãi, hàng hóa, kết nối với hệ thống logictics, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu kép./.