Thị trường sách nói ở Việt Nam phát triển mạnh

Dù thị trường còn non trẻ, song các đơn vị làm sách nói có tốc độ tăng trưởng cao. Hiện nay, cả hai đơn vị Voiz FM và Fonos đều có doanh thu mỗi tháng tăng gấp sáu lần so với tháng đầu năm.

Sach-noi-1.jpg

Nhiều người trẻ đang lựa chọn nghe sách nói để cập nhật, trau dồi kiến thức. Ảnh: Voiz FM.

Sách nói đang có sự bứt phá mạnh mẽ trên thế giới trong hai năm qua. Nằm trong xu thế đó, sách nói ở Việt Nam cũng có những bước tiến dài.

Thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho tới tháng 7/2021, có ba kênh sách nói được cấp phép chính thức: Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (thành lập năm 2020) và Mydio (thành lập đầu năm nay). Tuy mới ra mắt trong khoảng hai năm trở lại đây, các nhà phát hành sách nói đều có tốc độ phát triển cao.

Tăng trưởng mạnh

Trước khi bước chân vào thị trường hồi tháng 4/2020, Fonos đã nhận thấy sách nói nói riêng và âm thanh số nói chung sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh trong những năm tới.

Hiện tại, Fonos ghi nhận những tín hiệu phát triển tốt. Đơn vị này đã hoàn tất vòng gọi vốn hạt giống (seed funding) vào quý II năm nay với số tiền 1,1 triệu USD từ các nhà đầu tư tại Mỹ và Singapore, như: Hustle Fund, iSeed, Found.Ventures, Angel Central; cùng các nhà đầu tư trong nước như doanh nhân Thái Vân Linh.

“Fonos có được những thành quả này dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ và đều đặn. Hiện tại, công ty ghi nhận mức doanh thu mỗi tháng tăng gấp sáu lần so với hồi đầu năm, bất chấp bối cảnh giãn cách nghiêm ngặt. Fonos cũng chứng kiến sự tăng trưởng người dùng mạnh mẽ với gần 300.000 lượt tải ứng dụng tính đến hiện tại”, bà Thái Minh Châu - Giám đốc đối ngoại Fonos - thông tin.

Voiz FM được thành lập năm 2019, đang có sự tăng trưởng vượt ngoài mong đợi của đội ngũ sáng lập. “Khi bắt tay vào lĩnh vực này, nhiều người bảo sao lại làm sách nói, một thị trường toàn bị dùng chùa, vi phạm bản quyền. Đây là các bạn làm cho vui phải không?”, ông Lê Hoàng Thạch - CEO Voiz FM - nhớ lại.

Hai năm sau, thị trường ấy đã có những bước tiến lạc quan. “So với năm 2020, chúng tôi tăng trưởng gấp 50 lần. Trung bình mỗi tháng tăng 20-30% so với tháng trước, cộng trung bình cả năm, mức tăng trưởng đáng kinh ngạc. Trong bốn tháng đại dịch vừa qua, doanh thu tăng gấp sáu lần so với những tháng đầu năm”, ông Lê Hoàng Thạch cho biết.

Hiện tại, Voiz FM có 500.000 người dùng. Mỗi ngày, khoảng 20.000 người dùng tích cực sử dụng app. Trước đó, 500.000 người sử dụng là con số mà đội ngũ thực hiện Voiz FM ước tính đến năm 2022 mới đạt được.

Theo ông Lê Hoàng Thạch, sự phát triển của sách nói hiện nay không phải nhất thời: “Nếu chỉ hợp thời thì khoảng một năm hết trend sẽ ngừng phát triển. Thực tế hoạt động của Voiz FM cho thấy chúng tôi đã tăng trưởng trong hai năm qua và tăng tốc nhanh. Sau đại dịch, các nhà xuất bản sẽ tập trung cho sách số, các biện pháp bảo vệ bản quyền, công nghệ đang hoàn thiện. Chắc chắn tương lai sẽ tiếp tục phát triển”.

Thị trường đầy triển vọng

Đồng quan điểm, Giám đốc đối ngoại Fonos Thái Minh Châu cũng đưa ra cái nhìn lạc quan về sách nói ở Việt Nam.

Trong bối cảnh chung, thị trường nội dung âm thanh ở Đông Nam Á đã trở nên sôi động những năm gần đây, với sự hiện diện của những ông lớn như Spotify, Apple Podcasts và nhiều công ty khởi nghiệp. Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với dân số trên 90 triệu người, trong đó 56% dưới 35 tuổi.

Mảng thanh toán di động cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh: Tỷ lệ người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng các phương thức thanh toán di động tăng 61% năm 2019. Số lượt thanh toán di động đạt gần 700 triệu lượt vào cuối tháng 8/2020.

Việt Nam còn là nước có dân số sử dụng smartphone đứng thứ hai Đông Nam Á năm 2020, với 61,3 triệu smartphone. Đây là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các nội dung số cũng như sách nói.

“Chúng tôi cũng tự tin hơn vì hiện nay ngành xuất bản đang hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp nội dung hiện đại, trong đó chuyển đổi số là một hướng đi đã được xác định trong 5 năm tới. Trong đó, sách nói được đề cập trực tiếp như một xu thế cần đẩy mạnh”, bà Thái Minh Châu cho biết.

Ông Lê Hoàng Thạch cho rằng, thị trường sách nói hiện nay nhỏ, nhưng tăng trưởng nhanh, bởi Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhịp sống nhanh, mọi người muốn trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi. Sách nói là hình thức đa dụng, người dùng có thể vừa chạy bộ, vừa nấu ăn… vừa nghe, giúp cập nhật kiến thức, giải trí thuận tiện.

“60% số người nghe sách nói của chúng tôi vào 21h tới 2h sáng hôm sau. Mọi người nghe trước giờ đi ngủ, cho thấy nhu cầu nghe để học tập, trau dồi kiến thức cao. Người trẻ đã làm việc cả ngày mệt mỏi rồi, tối họ không muốn nhìn màn hình nên nghe sách nói là hình thức phù hợp”, ông Lê Hoàng Thạch cho biết.

Theo CEO của Voiz FM, trong tương lai, hạ tầng của chúng ta (hệ thống giao thông công cộng) hoàn thiện hơn, các đơn vị phát triển công nghệ trong sản xuất và phát hành sách nói, các nhà xuất bản mạnh dạn hơn với nội dung số. Đó đều là những động lực thúc đẩy sách nói phát triển hơn nữa.

Các đơn vị làm sách bắt tay với sách nói

Trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt vừa qua, các nhà xuất bản, công ty sách gặp khó trong khâu phát hành sách giấy, họ tìm hướng đi nơi xuất bản, phát hành điện tử. Một số đơn vị đã bắt tay với các đối tác để phát triển nguồn tài nguyên sẵn có là những cuốn sách của mình.

Voiz FM ký kết hợp tác với các nhà xuất bản, công ty sách như: First News, Saigonbooks, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng, Học viện PACE, Bách Việt, Quảng Văn, Alpha Books, Nhã Nam, Riobook, Ecoblader... và một số nhà xuất bản nước ngoài ở Anh, Mỹ, Nhật.

Hiện nay, Fonos trở thành đối tác chiến lược của những đơn vị như: Nhà xuất bản Trẻ, Alpha Books, Thái Hà Books, Nhã Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tri Thức, Đông A, Gieo Books, Thiện Tri Thức, Phanbook…

Trong lễ ký kết hợp tác với Fonos, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Thái Hà Books - thể hiện niềm tin vào tương lai sách nói: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sách nói và sự hợp tác giữa hai bên sẽ có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào xuất bản. Nhất định chúng ta có những sản phẩm chất lượng, tiện lợi để bạn đọc có thể tiếp cận tri thức từ sách ở bất kỳ đâu, bất cứ khi nào”.

 

Nguồn: Theo Zing.vn