Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 2021: Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Ngày 14/10 hằng năm đã được 3 tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng ngàn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Mỗi năm, 3 tổ chức cùng thống nhất đưa ra một thông điệp chung cho ngày 14/10.

2021106-u1.jpg

Thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm 2021 là: “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs - Our shared vision for a better world)” nhằm nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.

Trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu những thiệt hại từ tác động của biến đổi khí hậu và vấn nạn ô nhiễm môi trường, đối mặt với cuộc chiến căng thẳng chống lại đại dịch toàn cầu, vấn đề giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững cho một thế giới tốt đẹp hơn đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và thành viên chính thức của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay là dịp để các quốc gia thành viên của ba tổ chức ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn và nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals-SDGs) nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia.

Hưởng ứng Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10, Bộ TT&TT cho biết, kết quả hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ trong thời gian qua:

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành TT&TT gồm 124 QCVN, 178 TCVN (phục vụ các mục tiêu quản lý của Bộ: quản lý chất lượng SPHH, quản lý chất lượng dịch vụ các lĩnh vực thông tin và truyền thông, kiểm định thiết bị viễn thông & đài vô tuyến điện, phát triển Chính phủ điện tử, an toàn thông tin,…).

Về văn bản, đã xây dựng và hướng dẫn triển khai Quy định hoạt động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT; các Văn bản quy định áp dụng tiêu chuẩn bao gồm 08 Thông tư, 40 Thông tư ban hành QCVN (từ 2015).

Về mặt thực thi, hoạt động Tiêu chuẩn hóa tập trung vào xây dựng QCVN, TCVN phục vụ QLNN; Hoạt động quản lý chất lượng tập trung vào xây dựng, ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thiết bị viễn thông thuộc diện quản lý chuyên ngành, đã cụ thể hóa về đối tượng quản lý và quy định quản lý theo đặc thù chuyên ngành; và bước đầu thúc đẩy hoạt động TCCS.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ định hướng hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng như sau:

Đối với lĩnh vực viễn thông, CNTT, Phát thanh truyền hình, Bưu chính: tập trung xây dựng QCVN đảm bảo an toàn ản phẩm, hàng hóa, chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực trọng tâm như 5G, IoT… xây dựng TCVN ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, trong các ngành kinh tế-xã hội mũi nhọn (như đô thị thông minh).

Đối với phát triển Chính phủ điện tử: tập trung xây dựng QCVN đảm bảo kết nối liên thông.

Đối với an toàn thông tin: tập trung xây dựng TCVN quản lý an toàn hệ thống và đánh giá an toàn sản phẩm (để hướng tới xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy định áp dụng).

Triển khai các hoat động tiêu chuẩn hóa hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận ICT, coi đây là một nhiệm vụ chính trị.

Thúc đẩy TCCS của doanh nghiệp, trọng tâm vào 2 loại tiêu chuẩn: TCCS tiêu chí, chức năng thiết bị di động 5G, IoT; TCCS an toàn thông tin cho sản phẩm, hệ thống, giải pháp “Make in Vietnam”.

Bộ TT&TT đề nghị: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các Sở TT&TT và các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn quốc gia. Các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, tăng cường công bố, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm, dịch vụ mới, chủ lực thuộc lĩnh vực TT&TT và thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức,doanh nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh, hòa bình và thịnh vượng./.