Bộ TT&TT lần đầu công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh

Chiều 19-10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 và thúc đẩy cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4.

20211019-ta3.jpg

Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020.

Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng cho biết, hiện Việt Nam đã xác định sẽ chuyển đổi số (CĐS) toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để nhằm phục vụ người dân tốt hơn, Kinh tế số giúp người dân giàu hơn và Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.

Về phía các bộ, ngành chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là đưa CNTT vào trong hoạt động hay thực hiện trong khuôn khổ đơn vị mình mà còn đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy quá trình này trong những lĩnh vực mà mình quản lý. Đối với địa phương cũng cần giữ vai trò đầu tàu về chuyển đổi số trong phạm vi địa phương đó.

20211019-ta2.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết báo cáo năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nên chủ đề CĐS năm 2020 được chọn là "CĐS mở đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động".

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ có nhận thức kịp thời về CĐS và sau năm khởi đầu hy vọng sẽ làm được nhiều việc hơn. CĐS là quá trình, không phải đích đến. Để CĐS thành công chúng ta luôn phải có đồng hồ, có thước đo để chúng ta biết chúng ta đi đúng hướng, đi với tốc độ nào trên chặng đường CĐS này. Nói cách khác chúng ta cần một bộ chỉ số đo lường về mức độ CĐS".

Theo Thứ trưởng, bộ chỉ số đo lường CĐS cũng giống như rất nhiều bộ chỉ số đo lường xếp hạng khác, có ý nghĩa tương đối và mong rằng các cơ quan, tổ chức, các bộ, tỉnh coi đây là bộ chỉ số để đánh giá và so sánh với chính mình hơn là bộ chỉ số xếp hạng. Mức độ CĐS của các cơ quan, tổ chức là khác nhau và phụ thuộc vào đặc thù của cơ quan, tổ chức đó và mọi bảng xếp hạng nếu có thì cũng chỉ là tương đối. Vì vậy, đây là bộ chỉ số để mỗi cơ quan, tổ chức chúng ta tự đánh giá mức độ CĐS của chính mình. Còn nếu tham chiếu, so sánh, tham khảo với các bộ, tỉnh thành khác, câu chuyện thành công khác thì cũng là bổ ích.

"Bộ chỉ số nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về CĐS năm 2020 của Việt Nam. Trong năm 2021, chúng ta cũng đặt mục tiêu cao là đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 và đây cũng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng cho biết thêm.

20211019-ta6.jpg

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại sự kiện

Về phía Hội Truyền thông số Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cho biết quá trình xây dựng bộ chỉ số, có thể nói là rất công phu, nghiêm túc, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, lấy ý kiến rộng rãi, trao đổi thẳng thắn, lắng nghe và tiếp thu một cách hết sức cầu thị.

Bộ chỉ số sẽ là căn cứ xác thực để các bộ, tỉnh biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện. Để từ đó ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho chuyển đổi số sâu rộng trong ngành và địa phương mình quản lý.

Chủ tịch VDCA cho biết CĐS tại Việt Nam đã tăng tốc và đạt kết quả mạnh mẽ ở các lĩnh vực, như: thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch và đi lại, dịch vụ giáo dục… Trong khu vực công, tiến trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong thời gian vừa qua, cũng đạt được kết quả ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đi vào chiều sâu của CĐS sẽ là trọng tâm của giai đoạn sắp tới, đặc biệt, đối với khu vực công là khai thác giá trị của dữ liệu số để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành quốc gia. Sau thành công của giai đoạn vừa qua, tức là nêu cao được tính cần thiết của CĐS; thách thức sẽ là làm sao CĐS thực sự hiệu quả. - Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng nhận định.

Chủ tịch VDCA cũng cho rằng cần có những chính sách khai thác được hiệu quả những nguồn lực đã đầu tư cho hệ thống hạ tầng; cho hệ thống chính phủ điện tử, đô thị thông minh; cũng như các nền tảng/ứng dụng đã xây dựng ở các ngành khác nhau. Ở góc độ đó, bộ chỉ số chuyển đổi số sẽ là "chỉ dấu" quan trọng để biết tính hiệu quả của CĐS đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng cũng lưu ý: bản thân bộ chỉ số chuyển đổi số cũng cần trọng tâm hơn nữa; chú trọng vào các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của CĐS. Trong các năm tiếp theo Báo cáo cũng nên có những phân tích sâu hơn, chỉ ra các bài học thành công; những điểm hạn chế và những "vùng" cần cải thiện trong tiến trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hàng năm, có thể chọn một chuyên đề nổi bật để đưa vào phân tích, tạo ra điểm nhấn cũng như tăng tính hấp dẫn cho báo cáo.

20211019-ta5.jpg

Toàn cảnh công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020.

Báo cáo kết quả đánh giá CĐS của cơ quan nhà nước (CQNN) năm 2020, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, cho biết năm 2020 là năm đầu tiên Bộ TT&TT đánh giá chỉ số CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai khảo sát, thu thập, kiểm tra số liệu báo cáo để phục vụ đánh giá chỉ số CĐS qua hình thực trực tuyến tại đại chỉ https://dti.gov.vn.

Đối tượng đánh giá của báo cáo, tập trung vào hai khối: Khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là cấp bộ) và khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), trong đó khối bộ được chia là 2 nhóm: bộ có cung cấp dịch vụ công và bộ không cung cấp dịch vụ công.

Bộ chỉ số chuyển đổi số 2020 cấp bộ bao gồm 07 chỉ số chính, 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí (109 tiêu chí được thực hiện đánh giá từ số liệu thu thập của bộ, ngành báo cáo; 02 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, doanh nghiệp (DN)).

Bộ chỉ số chuyển đổi số 2020 cấp tỉnh, bao gồm 03 trụ cột là Chính quyền số; kinh tế số; xã hội số, với tổng 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí (57 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, DN, các công chức). Mỗi trụ cột đều có 07 chỉ số chính và các chỉ số thành phần, tiêu chí tương ứng, cụ thể: Chính quyền số có 45 chỉ số thành phần và 133 tiêu chí; kinh tế số có 2 chỉ số thành phần và 101 tiêu chí; xã hội số có 27 chỉ số thành phần và 72 tiêu chí.

20211019-ta10.png

Xếp hạng DTI 2020 của các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

20211019-ta11.png

Xếp hạng chuyển đổi số 2020 của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cụ thể, kết quả DTI 2020 cấp tỉnh đánh giá, đo lường mức độ CĐS của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo 03 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong khi đó DTI 2020 cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung. DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp DVC trung bình là 0,3982 và DTI 2020 của các bộ không cung cấp DVC trung bình là 0,2342.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025.

Theo báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI là 0,4944, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu. Còn trong 7 bộ, ngành không có dịch vụ công, Đài Truyền hình Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với giá trị DTI là 0,2995.

Đáng chú ý, ở cấp tỉnh, kết quả xếp hạng DTI 2020 cho thấy, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, với giá trị đạt được là 0,4874. Đây cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 tỉnh, thành phố lần lượt là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang và Bắc Giang.

Từ kết quả DTI 2020, đại diện Cục Tin hóa cho hay, hiện chỉ số chuyển đổi số còn thấp, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số theo cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Cũng dựa vào DTI, các bộ, ngành và địa phương cần ưu tiên thúc đẩy những chỉ số còn thấp.

Đặc biệt, năm 2020, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các CQNN, các DN tham gia vào quá trình CĐS ngày càng thuận tiện. Đến nay, 12/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết CĐS; 50/92 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch CĐS giai đoạn 2021 - 2025".

Cũng theo Cục Tin học hóa, báo cáo DTI năm 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn thu thập: Số liệu báo cáo chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020; số liệu điều tra xã hội của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; số liệu đánh giá của các chuyên gia về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; số liệu đánh giá trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát.
 
Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 nhằm cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam năm 2020, đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, tỉnh, thành phố để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.