Vĩnh Phúc: Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động chuyển đổi số, tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp gia công may mặc với nhiều đơn hàng xuất khẩu tại các quốc gia trên thế giới, Công ty TNHH Vina Korea, khu công nghiệp Khai Quang luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động.

20211203-m07.jpg

Theo đại diện công ty, trước đây, công nhân phải mất khá nhiều thời gian, công sức để di chuyển hàng đến các chuyền may. Từ năm 2019 đến nay, công ty đã đổi mới công nghệ, đầu tư hệ thống chuyền treo tự động, chỉ cần những thao tác trên máy tính, sản phẩm đã được chuyển đến từng công nhân, từ đó, giảm bớt số lao động thủ công, năng suất lại tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư phần mềm thiết kế mẫu may mặc, không chỉ cắt giảm được nhiều khâu, thời gian, chi phí mà còn giúp công nhân không bị nhầm lẫn các chi tiết với nhau, may nhanh hơn, năng suất tăng 20%. Hiện công ty đã trở thành đối tác tin cậy của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến từ Mỹ, Nhật, EU và Canada.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đang quản lý vận hành 15 đường dây 110kV với chiều dài 125 km; 8 trạm biến áp 110kV tổng dung lượng 985MVA; hơn 1.700km đường dây trung áp; gần 2.500 km đường dây hạ áp; hơn 3.000 máy biến áp phân phối tổng dung lượng 1.956MVA với hơn 360.000 khách hàng. Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam và bám sát mục tiêu, định hướng phát triển chung của tỉnh, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa trong quản lý vận hành lưới điện; cung cấp dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tích hợp cung cấp tất cả các dịch vụ điện ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý kinh doanh điện, phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện, phần mềm quản lý an toàn, phần mềm quản lý văn phòng… Đặc biệt, công ty đã triển khai số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đối với những khách hàng đã ký hợp đồng mua bán điện bằng giấy. Đến tháng 8/2021, công ty số hóa được hơn 190 nghìn hợp đồng, đạt 98% kế hoạch. Việc số hóa mang lại nhiều lợi ích cho các bên, đặc biệt là bên bán điện như tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công, in ấn và lưu trữ, tiết kiệm thời gian thực hiện in ấn, ký kết và quản lý hợp đồng.

Trong vận hành lưới điện, hợp đồng mua bán điện Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án “Phát triển lưới điện thông minh”; lắp đặt các công tơ điện tử có chức năng đo xa trên lưới điện; vận hành trung tâm điều khiển xa và các trạm biến áp không người trực, giảm lực lượng lao động tại các trạm biến áp 110kV, phát hiện sớm sự cố trên lưới và kịp thời sửa chữa, khắc phục, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đồng thời, ứng dụng có hiệu quả công nghệ sửa chữa trên lưới điện mà không làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng; ứng dụng flycam trong kiểm tra lưới điện trung áp và cao áp; triển khai lắp đặt công tơ điện tử thu thập chỉ số từ xa giúp cấp điện ổn định.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 2.400 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh có hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh dịch vụ số với các sản phẩm chủ yếu là thiết bị điện tử, linh kiện điện tử. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ thành sản phẩm, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, qua đó từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển bền vững trong xu thế hội nhập.

 Với mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có tối thiểu 1.100 doanh nghiệp công nghệ số, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tổ chức các hoạt động quảng bá, thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn cho doanh nghiệp  công nghệ số, phát triển công nghệ số, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số để gia tăng sự hài lòng của khách hàng; đẩy mạnh phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", trong đó, chú trọng đến các sản phẩm và dịch vụ doanh nghiệp công nghệ số.

Nguồn: Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc