Cử nhân khuyết tật và khát vọng giúp người cùng cảnh ngộ

Nằm liệt giường 9 năm, trải qua nhiều ca phẫu thuật tại Viện Bỏng quốc gia, vượt lên nghịch cảnh với biết bao gian khó và đau đớn khi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành, chàng trai Lê Viết Thuận (sinh năm 1991, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã thi đỗ vào hai trường đại học.

tet-2020-2.jpg

Lê Viết Thuận (ngoài cùng, bên trái) là một trong những gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" năm 2021,

do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn TCPVN tổ chức.

Thấu hiểu nỗi lòng của những "vầng trăng khuyết", từ khi đảm nhận vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên Khuyết tật tỉnh Bắc Giang, Lê Viết Thuận luôn đau đáu với việc làm thế nào để giúp đỡ được ngày càng nhiều hơn những người cùng cảnh ngộ. Anh là một trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt" năm 2021, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn TCPVN tổ chức.

Chạm tới ước mơ thi đỗ 2 trường đại học

Trải lòng với chúng tôi, Lê Viết Thuận không giấu được nỗi buồn: “Tuổi thơ của tôi kém may mắn hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa, một tuổi thơ không có tiếng sáo diều, không được cùng đám trẻ trong làng đi bắt dế mèn mỗi khi chiều về. Lúc cất tiếng khóc chào đời, tôi vốn dĩ cũng khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng không may, một tai nạn ập đến khi chiếc đèn dầu chiếu sáng bị đổ làm ngọn lửa lan ra cháy màn và chiếu nơi tôi đang nằm.

Khi ấy tôi mới 5 tháng tuổi. Gia đình mời thầy lang đến bắt mạch rồi cứu chữa bằng phương pháp dân gian thay vì đưa tôi đến bệnh viện. Sau một thời gian dài chữa trị, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà đôi chân của tôi còn bị nhiễm khuẩn nặng. Lúc đó, gia đình mới đưa tôi đến bệnh viện nhưng đã quá muộn để cứu chữa đôi chân nhỏ bé của tôi”.

Năm 1998, bố mẹ quyết định một lần nữa đưa Lê Viết Thuận lên Viện Bỏng quốc gia để phẫu thuật. Khi đó, hai phương án mà bệnh viện đưa ra: Một là cưa bỏ phần chân bị bỏng và lắp chân giả, hai là đập những phần xương bị biến dạng đi để lắp ghép lại. Bố anh đã quyết định thực hiện phương án hai. Kết thúc cuộc phẫu thuật, các bác sĩ cho biết, Thuận có 70% khả năng đi lại được, 30% còn lại là nhờ sự tập luyện cũng như tính kiên trì của bản thân.

Phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, anh mới có thể cựa quậy được nhưng đôi chân quá yếu. Theo lời khuyên của bác sĩ, Thuận cần phải tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe, thể trạng cũng như sức lực cho đôi chân của mình. Khi đó, ông nội đã làm cho anh một cái giàn tre ngoài sân để ngày ngày vịn vào đi lại tập luyện. Đôi chân nhỏ bé của anh đã phải khuỵu xuống đất bao nhiêu lần rồi gượng đứng lên, tiếp tục tập luyện. Từ một đôi chân rất yếu ớt, sau một thời gian khổ luyện đã dần cứng hơn, nhanh nhạy hơn và anh có thể đi lại mà không cần bám víu vào đâu.

Đi lại được thì nhất quyết phải đi học vì chỉ có tri thức mới đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là suy nghĩ của Lê Viết Thuận khi ấy. Đến trường muộn 4 năm so với bạn bè cùng trang lứa, ban đầu anh chỉ nghe giảng và không ghi chép được gì. Ngồi trong lớp mà tay anh cứ cứng đờ, không thể cầm nổi cây bút. Dần dần, anh cũng luyện tập như với đôi chân của mình, chỉ ít lâu sau đã có thể cầm bút viết được những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên. Rồi lại kiên trì luyện viết, nét chữ viết cũng dễ nhìn hơn. Và như thế, thời gian cứ thế trôi đi, với lòng ham học cùng nghị lực vươn lên, anh đã tốt nghiệp trung học phổ thông mặc cho phải ngã bao lần trên con đường đến trường.

Nỗ lực, quyết tâm của Lê Viết Thuận thực sự được đền đáp xứng đáng khi vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, anh cùng lúc trúng tuyển vào 2 trường: Học viện Quản lý giáo dục và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh chọn học ngành công tác xã hội (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) với tâm niệm: “Tôi mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình vượt lên số phận”. Với thành tích đáng ghi nhận ấy, anh được Tỉnh đoàn Bắc Giang trao Giải thưởng Hoàng Hoa Thám.

Gieo niềm tin, đồng hành cùng những "vầng trăng khuyết"

Một tai nạn ập đến với anh trong thời gian đợi lấy bằng tốt nghiệp đại học. Vì muốn sau này đi làm sẽ tự lái xe nên Thuận vẫn cố gắng tập luyện. Anh bị thoát vị đĩa đệm, phải nhập viện cấp cứu trong một lần tập xe ở sân nhà. Tạm gác lại những ước mơ, hoài bão, một lần nữa Thuận quay lại bệnh viện. Anh khát khao được khỏe lại và được áp dụng những kiến thức đã học vào công việc, cuộc sống.

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với những người đồng cảnh ngộ, Lê Viết Thuận tâm huyết: “Trước đây khi còn là sinh viên, tôi từng làm trưởng ban tổ chức của Câu lạc bộ Hoa Đá dành cho sinh viên khuyết tật trên địa bàn Thủ đô. Vì thế mà khi trở về quê nhà, tôi đã kết nối được với những thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 2018, được sự nhất trí của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, tôi thành lập câu lạc bộ thanh niên khuyết tật nhằm mục đích lan tỏa tinh thần đoàn kết, động viên, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.

120272987-1728395220650224-5925963002923952453-n.jpg

Lê Viết Thuận (thứ hai, từ trái sang) tại buổi trao quà tặng của Quỹ Tấm lòng nhân ái tỉnh Bắc Giang.

Với uy tín và trách nhiệm của mình, Lê Viết Thuận được Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Bắc Giang. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy ngẫm để hỗ trợ mọi người nhiều nhất bằng cách thức mà mình có thể. Đó là tạo môi trường hòa nhập cho cộng đồng người khuyết tật Bắc Giang, nỗ lực xóa bỏ định kiến xã hội về họ” - Thuận thổ lộ.

Hiện nay, các hội viên ở câu lạc chia làm 3 nhóm. Nhóm một gồm những người khuyết tật nhẹ, đa số vẫn đi làm được ở các công ty. Nhóm hai nặng hơn một chút nhưng lại biết công nghệ thông tin nên một số làm về photoshop cho hiệu ảnh. Còn nhóm ba là không đi lại được, không làm gì được - đây là nhóm khiến anh lo lắng nhất vì không có nguồn thu nhập nào ngoài tiền trợ cấp xã hội hằng tháng. Vì thế, thỉnh thoảng có dịp ra Hà Nội, dựa vào những mối quan hệ của bản thân, Lê Viết Thuận vận động tài trợ mua xe lăn và kinh phí hỗ trợ họ sinh hoạt. Ban đầu, anh vận động người thân, bạn bè. Sau dần, anh đi vận động những tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ngoài xã hội.

Vốn là người sống tình cảm, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng với các hội viên nên Lê Viết Thuận luôn cố gắng giúp đỡ mọi người hết sức có thể. Nhiều hội viên gặp khó khi làm chứng minh nhân dân do thiếu điều kiện hoặc do tay bị khuyết tật, không có vân tay, anh đã liên hệ cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ. Không ít lần, anh cất công đi đến nhiều trường mầm non chuyên biệt, giáo dục đặc biệt để tìm cơ hội việc làm và xin sự giúp đỡ cho những trường hợp trẻ em khuyết tật nặng trên địa bàn tỉnh. Tất bật với công việc đi lại, ngoại giao trong khi bản thân lại là người khuyết tật nhưng anh tỏ ra hạnh phúc với những gì mà mình làm được cho người khuyết tật tỉnh nhà, mặc dù công việc đúng chuyên ngành anh học chưa thực hiện được.

Nhiều khi ngồi một mình, anh tự hỏi: "Cuộc đời sẽ đi về đâu?". Nhưng rồi, anh tự nhủ, với những gì bản thân đã và đang nỗ lực vượt qua, anh phải nghị lực vươn lên nghịch cảnh của cuộc đời, đó là minh chứng hùng hồn cho lẽ sống của người khuyết tật “Tàn chứ không phế”. Trước mắt anh đầy rẫy những khó khăn, thử thách trong cả công việc lẫn cuộc sống riêng tư, nhưng anh tin rằng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết, tận tâm và chân thành của mình, anh sẽ sớm hái được “quả ngọt”.

Với những nỗ lực đóng góp của mình, Lê Viết Thuận vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy Ban Hội Liên Hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Giang vì có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên năm 2018, 2019; Giấy khen của Ban Chấp hành Huyện đoàn Hiệp Hòa vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện phong trào Thanh niên tình nguyện, giai đoạn 1999-2019; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2015-2020.