Xây dựng chính quyền số để phục vụ tốt hơn

Năm 2020, Bắc Giang xếp thứ 10/63 tỉnh, TP về chuyển đổi số, trong đó giá trị trụ cột chính quyền số đứng thứ 7 cả nước, cao nhất trong 3 trụ cột. Đạt được kết quả đó là do tỉnh đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số.

20220101091343-10a.jpg

Huyện Hiệp Hòa đưa vào sử dụng bộ phận một cửa hiện đại, phục vụ chuyển đổi số.

Dẫn đầu cả nước về hiện đại hóa nền hành chính

Theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá trị trụ cột chính quyền số Bắc Giang năm 2020 đạt 0,4455 điểm; trong đó các chỉ số thành phần như: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và xây dựng các nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chính quyền số; an toàn an ninh mạng được đánh giá cao. Riêng lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính (chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh) năm 2020, Bắc Giang dẫn đầu cả nước.

Theo ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, những kết quả Bắc Giang đã đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử là tiền đề quan trọng để phát triển chính quyền số. Tỉnh đã xây dựng được kiến trúc chính quyền điện tử, kiến trúc tham chiếu ICT đô thị thông minh. Việc sử dụng chứng thư số của cá nhân, tổ chức được triển khai rộng rãi; hệ thống văn bản liên thông tới 100% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Bắc Giang đã sớm triển khai và ứng dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và kết nối liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); hệ thống hội nghị trực tuyến tại 285 điểm cầu trên toàn tỉnh. Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia từ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh đến nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Với những thuận lợi về hạ tầng, nền tảng, các cơ quan hành chính đã ứng dụng công nghệ số và dữ liệu để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, nhanh hơn. Tháng 4/2021, Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành kết nối Hệ thống một cửa điện tử tỉnh với Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, tạo sự thuận lợi trong giải quyết TTHC theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả) mà không cần bổ sung lãnh đạo trực tại bộ phận một cửa.

Với nền tảng có sẵn, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành tích hợp, liên thông hai hệ thống. Tỷ lệ ký số đối với tổ chức đạt 99,8%, đối với cá nhân cấp tỉnh đạt 99,7% nên rất thuận lợi trong triển khai giải quyết TTHC “5 tại chỗ”. Hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có 67 thủ tục và bộ phận một cửa TP Bắc Giang có 8 thủ tục giải quyết theo hình thức này”.

UBND cấp xã, huyện đã xây dựng hơn 200 địa chỉ zalo để tương tác với người dân trên môi trường mạng, kịp thời hướng dẫn và nắm bắt các vấn đề người dân phản ánh, kiến nghị. Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng mô hình “Định danh điện tử từ xa” và “Hệ thống trả lời tự động” trên Cổng dịch vụ công tỉnh; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến.

Hiệu quả của việc giải quyết TTHC qua mạng đã được khẳng định trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang. Theo ông Phạm Văn Đà, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, từ tháng 5 đến hết tháng 7/2021, nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh phải phong tỏa, cách ly y tế song người dân, doanh nghiệp dễ dàng nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công tỉnh mà không cần đến trực tiếp. Nhờ vậy, các TTHC vẫn được giải quyết thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt hơn 60%, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa có dịch.

Số hóa dữ liệu chuyên dùng

Quyết tâm xây dựng và triển khai thành công chính quyền số cũng đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 111/NQ-TU ngày 11/6/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Tỉnh ủy. Mục tiêu nhằm kiến tạo nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số của tỉnh...

Cụ thể hóa nghị quyết, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong đó chú trọng phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý điều hành; tạo lập dữ liệu mở; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Ông Đỗ Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Phương Sơn (Lục Nam) cho biết: "Tại bộ phận một cửa, chúng tôi bố trí thêm một bàn máy vi tính, máy quét tài liệu để cán bộ hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn trên facebook, zalo. Hiện tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến ở xã đạt 20% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận. Được biết, Cổng dịch vụ công tỉnh đang cung cấp hơn 1,3 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; trong đó có hơn 300 thủ tục được tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.

20220101091900-info-chinh-quyen-so-cloud-xanh-1-.jpg

Ảnh minh họa.

Tích cực số hóa dữ liệu chuyên dùng, tiến tới giải quyết công việc, hồ sơ TTHC trên môi trường mạng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về chăn nuôi tỉnh Bắc Giang; phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành Cổng du lịch thông minh của tỉnh; huyện Việt Yên, TP Bắc Giang triển khai niêm yết bộ TTHC và hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến bằng mã QR.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, Bắc Giang tiếp tục nâng cấp, mở rộng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực. Các cơ quan, địa phương chủ động số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC để hình thành nguồn dữ liệu đầy đủ, chính xác. Tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin đối với đội ngũ cán bộ, công chức.