Viễn thông phải là hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số

Sáng ngày 14/01/2022, tại Hà Nội, Khối Viễn thông (gồm 05 đơn vị: Vụ Công nghệ Thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự và chỉ đạo Hội nghị; cùng dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng, Nguyên Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường; và đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực Viễn thông, CNTT…

20220114-loc1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Những kết quả nổi bật của các đơn vị trong năm 2021

Báo cáo tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT cho biết, năm 2021, Vụ đã nghiên cứu và lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để định hướng phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam; đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 09/6/2021 thành lập Khu CNTT tập trung thành phố Cần Thơ. Đây là khu CNTT tập trung thứ 6 của cả nước và là khu đầu tiên của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), có ý nghĩa đặc biệt đối với Thành phố Cần Thơ nói riêng và Vùng  ĐBSCL nói chung, đánh dấu sự khởi đầu của việc chuyển đổi từ trọng tâm là nông nghiệp sang phát triển công nghiệp công nghệ số với giá trị gia tăng cao, tạo động lực lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. 
 

20220115-l1.jpg

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT báo cáo tại Hội nghị.

Vụ đã xây dựng CSDL hơn 64.0000 DN công nghệ số Việt Nam và tăng trưởng tỷ lệ Make in Viet Nam từ 22,74% năm 2020 đến hết năm 2021 tăng lên là 24,65%, xây dựng các nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đặc biệt, năm 2021, Vụ đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng với tổ chức Giải thưởng Make in Viet Nam 2021.

Ở lĩnh vực Viễn thông, theo báo cáo của ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông, năm 2021, Cục đã xử lý gần 1,1 triệu SIM có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định; chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; xử lý 227 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác; 100% máy điện thoại nhập khẩu đã tích hợp 4G, có VoLTE. Số máy điện thoại có VoLTE tang 117%;  số người sử dụng VoLTE tăng 3 lần.

20220115-l2.jpg

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông báo cáo tại Hội nghị.

Đồng thời, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Đại hội Đảng XIII; bầu cử Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tập trung triển khai kiên cố hóa nhà trạm tại các tỉnh ven biển Miền Trung; Kết nối Telehealth tới 100% tuyến huyện.

Về kế hoạch triển khai công tác năm 2022, Cục Viễn thông sẽ thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có Smartphone; 75% hộ gia đình có FTTH;  85% thuê bao băng rộng di động/100 dân; 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money; Thị phần dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40%.

Về lĩnh vực Tần số Vô tuyến điện, theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, năm 2021 Cục đã xây dựng phương án đấu giá băng tần (2300 - 2400) MHz, cấp giấy phép băng tần thử nghiệm 4G, 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone; cấp 31.000 giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và gần 2.500 chứng chỉ VTĐ viên hàng hải - chiếm 40% tổng số hồ sơ của Bộ TT&TT.

20220115-l5.jpg

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện báo cáo tại Hội nghị.

Trong năm qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã kiểm soát, phát hiện 274 vi phạm, xử lý 92 vụ nhiễu/28 tỉnh, thành phố, cụ thể là 258 trạm gốc/ 04 mạng; tại Hà Nội 2-5% trạm gốc được xử lý nhiễu; cải thiện 2-10 lần chất lượng dịch vụ của mỗi trạm gốc; kiểm soát, thu được 407 phát xạ trong băng tần 700 MHz quy hoạch cho IMT…

Theo báo cáo của ông Nguyễn Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương cho biết, năm 2021, Cục đã phục vụ thông suốt, an toàn các sự kiện quan trọng của Quốc gia với tần suất phục vụ cao như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các kỳ họp thứ nhất, thứ hai Quốc hội khóa XV; các kỳ Hội nghị Trung ương khóa XIII. 

20220115-l3.jpg

Ông Nguyễn Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương báo cáo tại Hội nghị.

Trong năm 2021, Cục Bưu điện trung ương đã phục vụ thành công 118 phiên họp Hội nghị truyền hình (HNTH) quốc tế, nổi bật là các sự kiện: AIPA-42, APEC 2021, ITU Digital World 2021, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38-39, phục vụ đồng chí Tổng bí thư tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc…Cục đã triển khai thiết lập hạ tầng viễn thông, CNTT, bưu chính phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thiết lập hạ tầng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Báo cáo Bộ trưởng về những kết quả đạt được trong năm 2021 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết năm 2021, kết quả chuyển đổi Internet sang IPv6 tại Việt Nam là 47,5% gấp 1,7 lần trung bình thế giới; 2,3 lần ASEAN, thứ 8 toàn cầu (tăng 2 bậc 2020).

Chương trình IPv6 For Gov 2021-2025 đã hoàn thành 80% chỉ tiêu kế hoạch đề ra trước 01 năm với tỷ lệ 61% Bộ ngành địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, 1703 cán bộ được đào tạo. Các kết quả này là tiền đề để Internet Việt Nam chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6 vào năm 2025, phát triển hạ tầng số Việt Nam. Cùng với đó là VNIX theo mô hình chuẩn quốc tế, 03 cụm máy chủ DNS Root quốc tế kết nối VNIX, phát triển các mạng độc lập, kết nối peering hình thành mạng Internet Việt Nam an toàn, bền vững.

Năm 2021, phối hợp với các Sở TTTT và các Nhà đăng ký tên miền .vn, VNNIC đã đem đến bộ giải pháp bền vững giúp người dân và doanh nghiệp tại các địa phương có thể đưa sản phẩm của quê hương hiện diện trực tuyến trên website với tên miền .vn và các dịch vụ số, góp phần vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số gắn với công dân số, doanh nghiệp số.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển tài nguyên Internet, VNNIC cũng đặt mục tiêu chủ động giám sát được hoạt động sử dụng tài nguyên Internet giúp “làm sạch” Internet. Theo đó, VNNIC đã rà soát trên 1 triệu tên miền .vn, tên miền quốc tế và đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý các tên miền vi phạm liên quan tới ngân hàng, tài chính, cờ bạc. 

 

20220115-l4.jpg

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC báo cáo tại Hội nghị.

Năm 2021 đánh dấu kết quả nổi bật của VNNIC trong công tác phát triển, hỗ trợ cộng đồng người dùng Internet. Thông qua VNNIC Internet Academy, VNNIC đã tổ chức chương trình học trực tuyến miễn phí về Internet với 13 khóa học, 12 chương trình webinar, 1149 học viên.

VNNIC đã ra mắt ứng dụng đo tốc độ Internet trên thiết bị di động (ứng dụng i-Speed) hỗ trợ người dân chủ động đo và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet đang sử dụng một cách trung thực, chính xác. Việc phát triển ứng dụng i-Speed và công bố thống kê tốc độ truy cập Internet sẽ góp phần hoàn thiện Internet Việt Nam, thúc đẩy tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của các doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận, 5 đơn vị thuộc Khối Viễn thông, công nghiệp CNTT đã đi qua một năm rất khó khăn trong đại dịch COVID-19 nhưng chính trong khó khăn đó đã có bước phát triển mới. Nhiều việc tưởng như không làm được thì lại làm được. Nhiều việc tưởng phải làm 1 năm thì lại làm được trong 1 tuần. Đó chính là việc triển khai cầu truyền hình trực tuyến đến cấp xã phục vụ điều hành của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện…

20220114-loc3.jpg

Toàn cảnh Hội nghị.

Năm 2022 năng suất khối viễn thông phải tăng 30%

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của Khối Viễn thông, công nghiệp CNTT cần thực hiện trong năm 2022, Bộ trưởng chỉ đạo, việc tăng năng suất lao động chỉ có thể thực hiện bằng công nghệ, hiện nay công nghệ đã sẵn sàng. Do đó, năm 2022 năng suất lao động của Khối Viễn thông phải tăng 30%. 

Để đạt được hiệu suất đó, Viễn thông cũng cần không gian mới để phát triển. Hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là Cloud Computing và Digital Platform. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20% trong khi Viễn thông chỉ tăng trưởng từ 1-2%. Đến năm 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương với viễn thông. 

Bên cạnh đó, trong năm 2022, Viễn thông cũng phải giải quyết dứt điểm tất cả những tồn tại kéo dài. Đó là các loại rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, thư rác. Giải quyết được các loại rác này thì Viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số, tức là chuyển sang một trạng thái mới, không gian mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Viễn thông đã trở thành hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu, doanh thu hàng trăm ngàn tỷ, lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ. Theo đó, “Để đảm bảo an toàn mạng viễn thông, các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, để người dân không bị gây phiền nhiễu, để không gian Internet lành mạnh cũng như đảm bảo để các cơ quan an ninh có thể truy vết hoạt động vi phạm”.

Bộ trưởng yêu cầu Khối Viễn thông phải thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, kết nối trực tuyến với các nhà mạng để thay thế các báo cáo; phân tích, đánh giá dữ liệu bằng data, AI để quản lý và phát triển ngành; sử dụng công nghệ số để tăng năng suất lao động. 

Bộ trưởng cũng đặt kỳ vọng, năm 2022, Viễn thông phải tăng trưởng 2 con số để đến năm 2025 tăng gấp đôi. Muốn thực hiện được điều đó, Bộ trưởng cho rằng“Quản lý phải đi liền với dẫn dắt và phát triển. Quản lý nhà nước phải mở không gian mới cho lĩnh vực, định hướng công nghệ và mạng lưới, có kế hoạch phát triển hạ tầng cho từng địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, học tập và phổ biến kinh nghiệm quốc tế”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong năm 2022, song song với việc phải khởi động nghiên cứu 6G, Viễn thông phải hoàn thành xong việc phân bổ tần số 4G, 5G và hoàn thành phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc. Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước, nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm bắt buộc phải mời các doanh nghiệp thiết bị trong nước – Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Theo Bộ trưởng, một năm có 365 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng tốt hơn 1% thì sau 1 năm, chúng ta sẽ có sự phát triển tới 38 lần. “Vậy một năm không ngắn, đủ dài để làm được việc lớn, sự bền bỉ vươn lên là quan trọng. Mục tiêu đã rõ, con đường đã rõ, còn lại là sự bền bỉ vươn lên mỗi ngày”.

Bộ trưởng khẳng định: “Lãnh đạo Bộ tin tưởng vào các đồng chí, tin rằng các doanh nghiệp, đơn vị khối viễn thông sẽ có những đổi mới quan trọng để bứt phá vươn lên. Lĩnh vực viễn thông có bứt phá vươn lên thì đất nước chúng ta mới có thể bứt phá vươn lên. Lĩnh vực của các đồng chí là hạ tầng cho sự bứt phá vươn lên. Đó là hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số”.

Viễn thông lĩnh ấn tiên phong công cuộc đổi mới lần thứ hai

Bộ trưởng cho rằng, Viễn thông cần lấy tinh thần đổi mới lần 1 để đổi mới lần 2. Những bài học của cuộc đổi mới lần 1 sẽ vẫn đúng cho lần 2. Đó là hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại. Theo đó, phải huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt. Đặc biệt qua thử thách này hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước. 20-30 năm trước đây, có rất nhiều cán bộ giỏi đi ra từ lĩnh vực viễn thông vì chúng ta lúc đó đi đầu, dẫn dắt, việc nhiều tạo ra người giỏi. Hạ tầng viễn thông cần chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng a-lô thành hạ tầng của nền kinh tế, hạ tầng của internet vạn vật (IoT).

Theo Bộ trưởng, hạ tầng số giờ đây có thêm 3 từ khoá rất quan trọng: (1) cloud computing (điện toán đám mây - ĐTĐM) sẽ lớn hơn viễn thông vào năm 2025; (2) digital platform là nền tảng số, là hạ tầng mới trên không gian số; (3) as a service (như là một dịch vụ), là cung cấp các công nghệ dưới dạng một dịch vụ (technology as a service), để người dân có thể dùng công nghệ số để phát triển sản phẩm và đổi mới.

Như vậy, Viễn thông có một nghề mới là cung cấp công cụ sản xuất cho nền kinh tế số, công cụ này không phải cho doanh nghiệp, mà đến tận người dân và as a service có ý nghĩa nữa là mạng lưới phải thông minh. 

20220114-l6.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt 05 đơn vị Khối Viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và cụ thể hóa thành nhiệm vụ hàng tháng với mục tiêu rõ ràng, đồng thời, tìm những giải pháp đột phá thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ mà Bộ trưởng giao.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết định hướng, tầm nhìn của Khối Viễn thông. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng cũng lưu ý ba nhiệm vụ trọng tâm mà Khối Viễn thông cần tập trung thực hiện: Rút ra bài học kinh nghiệm từ những thành công và thất bại để đặt ra phương hướng thực hiện những nhiệm vụ tiếp theo; thay đổi tư duy và cách tiếp cận phù hợp với yêu cầu của Bộ trưởng về chuyển đổi số, về không gian mới; các Cục, Vụ và doanh nghiệp cùng đồng hành để hoàn thành sứ mệnh, thúc đẩy sự phát triển của ngành, của đất nước trong tương lai.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - Nguyên Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường đã có đóng góp phát triển cho lĩnh vực viễn thông./.

20220114-loc2.JPG

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải phòng Hoàng Minh Cường.

2022115-u1.jpg

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long tặng quà cho các đơn vị Khối Viễn thông.