Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Tổng kết ngành Công thương năm 2021

Chuyển đổi số là xu thế không thể không làm là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Công thương, ngày 9/1/2022. Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.

20220117hanh1.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành,

Kính thưa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên,

Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương,

Thưa tất cả các đồng chí,

Ngành Công thương là cơ bản kinh tế Việt Nam. Ngành Công thương mà đổi mới thì kinh tế Việt Nam mới đổi mới. Đổi mới ngành Công thương thời gian tới thì cơ bản là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là tạo ra một phiên bản số của thế giới thực, cả người, cả vật, đất, trời, biển và vũ trụ. Gọi là chuyển đổi thế giới thực vào thế giới số. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người tạo ra một mối liên hệ thực-ảo, và sống trong cả hai thế giới cùng lúc, hai thế giới này bổ trợ nhau. Những thay đổi trong thế giới thực sẽ ánh xạ ngay theo thời gian thực vào thế giới số. Thiết kế, sáng tạo có thể thực hiện một cách nhanh chóng, với chi phí rất thấp trong thế giới số, trước khi đưa vào sản xuất trong thế giới thực. Thế giới số đưa ra những khuyến nghị các hành động trong thế giới thực một cách tối ưu và hiệu quả hơn rất nhiều.

Chuyển đổi số tạo ra ba xu thế lớn: Phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá. Phi trung gian hoá thông qua kinh tế nền tảng. Thí dụ của nó là sàn thương mại điện tử. Phi tập trung hoá thông qua kinh tế chia sẻ. Thí dụ của nó là dịch vụ gọi xe công nghệ. Phi vật chất hoá là ảo hoá các sản phẩm và dịch vụ vật lý, như sách điện tử, âm nhạc số, mô phỏng thế giới vật lý bằng thực tế ảo. Cả ba xu thế này đều làm cho nền kinh tế của chúng ta hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy mà chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Dữ liệu số giống như đất đai. Một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu thì càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị. Chuyển đổi số tạo ra một loại đất đai mới, có người thì gọi là tài nguyên, có người thì gọi là dầu mỏ, có người thì gọi là yếu tố đầu vào của sản xuất tương tự như đất, như vốn. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên. Chính phủ sẽ có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị.

Một định hướng mới, một lời giải mới cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá là số hoá, thông minh hoá lĩnh vực sản xuất, chế biến. Tức là chuyển đổi số. Lời giải này dễ hiểu hơn và dễ làm hơn để thực hiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

Chuyển đổi số là xu thế không thể không làm.

Chuyển đổi số thì đi cùng thời đại sẽ đứng đâu vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước thì mới thay đổi được thứ hạng. Việt Nam muốn phát triển thì phải đi đầu, đi trong nhóm đầu và đi nhanh về chuyển đổi số.

CNTT thì quyết định bởi giám đốc CNTT. Chuyển đổi số thì quyết định bởi người đứng đầu. Người đứng đầu không cam kết, không quyết liệt hành động thì chuyển đổi số sẽ không thành công. Vì chuyển đổi số là sự thay đổi phương thức vận hành.

Sự thịnh vượng mới của nhân loại phụ thuộc vào Internet. Việt Nam không thể thịnh vượng nếu không chuyển đổi số. Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là động lực để giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Chuyển đổi số là một thách thức cầm quyền, một thách thức quản trị quốc gia, một thách thức quản lý. Vì chúng ta sẽ sống trong một môi trường mới. Bởi vậy, thể chế số sẽ là vấn đề số 1. Nhân lực số là vấn đề số 2. Hạ tầng số là vấn đề số 3. Công cụ sản xuất số là vấn đề số 4, đó là các nền tảng số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lần 1, 35 nền tảng số quốc gia phải được phát triển trong năm 2022 để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, trong số đó có khá nhiều nền tảng cho ngành Công thương. Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề số 5.

Hai Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có một buổi làm việc chuyên đề về chuyển đổi số trong Quý I/2022, sẽ bàn về chuyển đổi số ngành Công thương. Sẽ đề ra một chương trình chuyển đổi số ngành Công thương và sự phối hợp của hai Bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành, sát cánh bên Bộ Công thương trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này.

Xin chúc ngành Công thương một năm chuyển đổi số thành công!

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông