Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về chuyển đổi số tại Hội nghị tổng kết năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngày 6/1/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 ngành Văn hóa, thể thao, du lịch (VH-TT-DL), phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện Lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

20220106-l1.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2021 ngành Văn hóa, thể thao, du lịch (VH-TT-DL), phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,

Kính thưa Bộ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương,

Thưa các đồng chí,

Năm 2021 là một năm khó khăn, cả việc nước và việc nhà. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đi qua năm 2021 và có bước phát triển mới, nhiều cái là lần đầu tiên, thật đáng trân trọng. Xin được chúc mừng đồng chí Bộ trưởng, chúc mừng Bộ và Ngành VH-TT-DL.

Đại dịch COVID-19 là đại dịch trăm năm. Đại dịch trăm năm sẽ cho chúng ta những bài học trăm năm và những cơ hội trăm năm. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là tận dụng những bài học và cơ hội đó, tận dụng thời cơ để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng Việt Nam. Một trong những cơ hội trăm năm đó là chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là đưa toàn bộ ngành VH-TT-DL lên một môi trường mới, môi trường số. Chúng ta sẽ có một phiên bản số của thế giới thực. Phiên bản số sẽ phổ cập nhanh chóng các giá trị của ngành đến được với mọi người dân Việt Nam và thế giới. Việc bảo tồn, quản lý, phân tích, đánh giá, kinh doanh, sáng tạo các giá trị mới trên môi trường số sẽ dễ hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém hơn rất nhiều trong thế giới thực. Thế giới ảo làm phong phú hơn thế giới thực. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, con người được sống đồng thời trong 2 thế giới. Những giá trị tinh thần để dưỡng cái gốc Việt Nam, tạo cái hồn Việt Nam thì thường sẽ được lưu trữ, thể hiện, sáng tạo và phổ cập tốt hơn trong thế giới ảo. Chuyển đổi số thực sự sẽ mở ra một bước phát triển mới có tính cách mạng đối với ngành VH-TT-DL.

Chuyển đổi số thì cần cam kết của người đứng đầu, bởi vì nó liên quan đến sự thay đổi. Anh Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng mà cam kết, quyết liệt hành động thì chuyển đổi số sẽ thành công.

Chuyển đổi số thì cần công nghệ số. Việt Nam có một thuận lợi lớn là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh, hoàn toàn có thể giải quyết được các bài toán chuyển đổi số của ngành VH-TT-DL.

Chuyển đổi số thì cần sự dẫn dắt quốc gia. Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu đã được thành lập. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch thường trực. Bộ trưởng Bộ TT&TT là Phó Chủ tịch và Bộ TT&TT là cơ quan thường trực của Ủy ban, có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ Bộ VH-TT-DL chuyển đổi số. Có nghĩa là, nếu có việc gì khó về chuyển đổi số thì anh Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng giao sang cho Bộ TT&TT.

Chuyển đổi số thì cũng cần ngân sách. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã xác định chuyển đổi số là động lực phát triển. Chính phủ đã dành thêm khá nhiều ngân sách phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng chính giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam muốn phát triển thì vẫn phải đi con đường Việt Nam, làm theo cách Việt Nam. Việt Nam có ngữ cảnh Việt Nam, bởi vậy mà sức mạnh thời đại phải được Việt Nam hóa. Các công nghệ số vốn giống như các nền tảng, chúng cần được phát triển tiếp để phù hợp với từng ngữ cảnh. Và đó cũng chính là không gian vô cùng rộng lớn cho người Việt Nam phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ và làm chủ công nghệ.

Nền tảng số được coi là giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số là một phần mềm, một hạ tầng dùng chung toàn quốc. Một nền tảng số thì chuyển đổi số cho cả một lĩnh vực, cho hàng chục triệu người, hàng ngàn tổ chức cùng lúc.

Thủ tướng Chính phủ đã công bố 35 nền tảng số quốc gia phải được phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ chỉ đạo phát triển các nền tảng này. Trong số này có 2 nền tảng thuộc ngành VH-TT-DL, là Nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích, Nền tảng quản trị kinh doanh du lịch. Bộ VH-TT-DL cũng nên công bố thêm một số nền tảng số chuyên ngành để đẩy nhanh chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ VH-TT-DL để xác định các nền tảng này.

Chuyển đổi số là một cơ hội. Nếu chúng ta đồng hành cùng nhân loại thì chúng ta đứng đâu sẽ vẫn đứng đó. Chỉ có đi trước và đi nhanh hơn thì chúng ta mới vượt lên trước, thay đổi thứ hạng. Đi trước thì luôn cần sự dẫn dắt của Đảng. Ban Cán sự Đảng của Bộ có một nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số, Bộ có một chương trình hành động về chuyển đổi số. Tiếp theo đó là một thể chế số, một hạ tầng số, một thị trường số, một nguồn nhân lực số, một sự đổi mới sáng tạo số. Những nền tảng ban đầu này sẽ quyết định sự thành công của chuyển đổi số, chuyển đổi ngành VH-TT-DL lên môi trường số. Bộ TT&TT xin được đồng hành cùng Bộ VH-TT-DL trong công cuộc chuyển đổi có tính cách mạng này. Những công việc thuộc chuyên môn chuyển đổi số thì anh Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng có thể giao sang Bộ TT&TT, càng nhanh càng tốt. Bởi vì, những việc mà khó với ta thì thường không khó với người khác, nhất là người ngoài ngành.

Xin chúc sức khoẻ đồng chí Phó Thủ tướng, đồng chí Bộ trưởng và tất cả các đồng chí một năm mới chuyển đổi số thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông