Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết ngành Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2021

Ngày 12/01, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

20220119bo-truong.jpg 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam,

Kính thưa Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các đồng chí Lãnh đạo Bộ,

Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương,

Thưa các đồng chí,

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh chưa từng có ở Việt Nam, ngành Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có những đóng góp quan trọng giúp cho an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, góp phần để đất nước ổn định và phát triển. Xin được chúc mừng đồng chí Bộ trưởng, chúc mừng Bộ và chúc mừng ngành LĐ-TB-XH.

Anh Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, nói với tôi sáng nay: Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB-XH sẽ có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và sau đó, Bộ trưởng sẽ phê duyệt chương trình chuyển đổi số. Đây thực sự là một cách tiếp cận đúng. Bởi vì, chuyển đổi số là một sự thay đổi có tính cách mạng, nó liên quan đến thay đổi cách làm việc của tổ chức, nếu không có sự cam kết của cấp cao nhất, của người đứng đầu thì không thể thành công. Bộ Thông tin và Truyền thông có thể tư vấn cho Bộ Lao động về nghị quyết và chương trình chuyển đổi số của ngành.

Anh Đào Ngọc Dung cũng là người đã nhìn rõ những nền tảng số quan trọng nhất của ngành LĐ-TB-XH. Trăn trở, nhìn thấy, có niềm tin, quyết tâm làm của lãnh đạo, có nguồn lực tài chính thì đã là phân nửa chặng đường của chuyển đổi số. Và Bộ LĐ-TB-XH đã có nửa chặng đường đó. Nửa chặng đường còn lại thì ngành LĐ-TB-XH có thể thấy khó, nhưng nó lại liên quan đến công nghệ, đến triển khai của các doanh nghiệp công nghệ số, đây là việc, là nghề của họ bởi vậy mà không khó.

Việt Nam có thuận lợi lớn về chuyển đổi số. Đại hội XIII của Đảng đã định hướng chuyển đổi số là động lực phát triển Việt Nam trong các thập kỷ tới. Quốc hội vừa ra nghị quyết tăng ngân sách cho chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đã thành lập Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Uỷ ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ về chuyển đổi số. Phiên họp đầu tiên của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định 35 nền tảng số quốc gia cần phải phát triển trong năm nay. Trong số đó, có nền tảng dữ liệu về lao động, việc làm và an sinh xã hội thuộc ngành LĐ-TB-XH.

Ngành Lao động liên quan đến mấy chục triệu người dân mà nhà nước phải chăm lo, bảo trợ, liên quan đến trên 50 triệu lao động, liên quan đến đào tạo nghề cho hàng triệu người. Lĩnh vực nào liên quan đến càng nhiều người dân, càng nhiều dữ liệu thì công nghệ số càng phát huy hiệu quả. Hiệu quả trong quản lý, trong thực thi chính sách, nhất là nhanh và chính xác. Đặc biệt hiệu quả trong phân tích, đánh giá, phát hiện bất cập, khuyến nghị chính sách phù hợp. Dữ liệu của ngành LĐ-TB-XH, nhất là dữ liệu do người dân, người trong ngành Lao động sinh ra từng ngày, từng năm sẽ là tài sản lớn nhất của Bộ. Khai thác dữ liệu này sẽ giúp ngành LĐ-TB-XH hoạt động hiệu quả hơn, giúp các ngành khác hoạt động hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số thì quan trọng nhất là toàn bộ công chức, viên chức ở tất cả các cấp của ngành LĐ-TB-XH phải làm việc trên cùng một nền tảng số do Bộ đầu tư. Các địa phương không phải đầu tư, không phải vận hành khai thác. Không còn câu chuyện 63 tỉnh/thành là 63 phần mềm, trên 700 huyện là trên 700 phần mềm, trên 10 nghìn xã là trên 10 nghìn phần mềm. Vừa tốn kém, lại khó vận hành, dữ liệu thì phân tán, không kết nối, không chia sẻ. Việt Nam coi các nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Bộ LĐ-TB-XH khi làm chuyển đổi số thì phải dựa trên các nền tảng số.

Chuyển đổi số thì quan trọng nhất là kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu của các ngành, các cấp. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì điều phối việc kết nối, chia sẻ dữ liệu. Bộ Lao động khi gặp khó khăn về kết nối, chia sẻ dữ liệu thì liên hệ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chuyển đổi số thì cứ làm đi rồi vỡ ra. Mỗi bộ, mỗi ngành đều có ngữ cảnh riêng, không ai có thể dạy được mình hết mọi thứ. Nhiều cái chưa làm thì chưa biết. Làm rồi sẽ biết. Vậy thì thay vì tranh luận nhiều hãy bắt tay vào làm, dò đá qua sông, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người rất quyết tâm chuyển đổi số ngành LĐ-TB-XH, và anh cũng gây cảm hứng cho tôi. Bộ Thông tin và Truyền thông xin cam kết đồng hành, hỗ trợ, kể cả nhận việc để chỉ đạo triển khai nếu Bộ LĐ-TB-XH thấy cần thiết. Hai Bộ chúng ta mà đồng hành và quyết tâm thì tôi tin rằng, chuyển đổi số ngành LĐ-TB-XH chắc chắn sẽ thành công.

Xin chúc mừng năm mới Nhâm Dần! Xin chúc sức khoẻ đồng chí Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng chí Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và tất cả các đồng chí, chúc một năm mới chuyển đổi số thành công để ngành LĐ-TB-XH lên môi trường số, hoạt động thông minh, hiệu quả, năng suất cao, góp phần cho Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông