V/v trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh: Đề nghị định hướng tuyên truyền để người dân sử dụng mạng xã hội có hiệu quả, phù hợp với đạo đức xã hội và đúng quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau

Trong thời gian qua, thông qua các cuộc giao ban định kỳ với Lãnh đạo các cơ quan báo chí vào sáng thứ 3 hàng tuần, Bộ TT&TT thường xuyên cung cấp thông tin, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền  nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người sử dụng, để từng người dân đề cao ý thức, biết sàng lọc, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, phù hợp với đạo đức xã hội và đúng quy định của pháp luật. Gần đây nhất, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; những quy định mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, để hạn chế người dân tiếp cận với thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam, Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm các thông tin trên mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời tiến hành chủ động xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ và đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, từ tháng 01/2021 đến hết tháng 11/2021, Bộ TT&TT đã:

- Chỉ đạo, điều phối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý. Kết quả cụ thể: Số lượng các trang web/blog vi phạm trong danh sách xử lý thường xuyên của các nhà mạng là khoảng gần 3.000 trang web. Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn khoảng 2.000 trang web, có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội, cụ thể: từ tháng 01/2021 đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT và Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính 210 đối tượng với tổng số tiền 1.862.000.000 đồng, hàng trăm trường hợp vi phạm đã bị cảnh cáo, nhắc nhở.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Tiktok...) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam. Kết quả năm 2021:

+ Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 3.377 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức.

+ Google đã gỡ: 13.141 videos vi phạm.

+ Tiktok đã chặn, gỡ bỏ: 1.180 video vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

- Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn các nền tảng xuyên biên giới.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.

* Toàn văn nội dung trả lời cử tri thành phố Hà Nội xem tại đây.