V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh:

a) Kiến nghị trình Quốc hội chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội và chính quyền số.

b) Kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường áp dụng công nghệ số, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính, ưu tiên sử dụng các dữ liệu đã có, tích cực thu thập các dữ liệu mới nhằm dần dần thực hiện công việc giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân trên nền tảng công nghệ số. Một mặt có thể giảm chi phí mặt khác có thể hạn chế lây lan dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

c) Cử tri phản ánh trong thời gian qua, có nhiều ứng dụng (các App) phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gây khó khăn cho người dân khi sử dụng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng một ứng dụng duy nhất áp dụng toàn quốc để người dân và doanh nghiệp sử dụng thuận tiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp có cơ hội tra cứu, nắm bắt được thông tin liên quan đến nguồn nhân lực lao động của doanh nghiệp, thuận lợi trong bố trí sử dụng lao động phù hợp với tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

a) Kiến nghị trình Quốc hội chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội và chính quyền số.

Nhận thức rõ nội hàm kinh tế số và xã hội số gắn liền với vai trò, vị trí và sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ TT&TT đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, trong đó có giao Bộ TT&TT “Thực hiện tổng kết thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005”; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT: “Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử,…”; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó giao Bộ TT&TT “Xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số (sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005”.

Luật Giao dịch điện tử(sửa đổi) nhằm xây dựng một Luật thống nhất, làm căn cứ pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý cho thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch theo 4 cấp độ để phổ cập sử dụng Giao dịch điện tửtrong tất cả các hoạt động giao dịch, đưa ra các quy định, chính sách thực hiện Giao dịch điện tửrẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống, đồng thời, có các quy định công nhận Giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực. Các chính sách và các quy định cụ thể tại Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng Giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.

Hiện nay, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023. Bộ TT&TT đã có văn bản số 5410/BTTTT-QLDN ngày 31/12/2021 gửi Bộ Tư Pháp về việc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022.

b) Kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường áp dụng công nghệ số, nhất là trong lĩnh vực thủ tục hành chính, ưu tiên sử dụng các dữ liệu đã có, tích cực thu thập các dữ liệu mới nhằm dần dần thực hiện công việc giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân trên nền tảng công nghệ số. Một mặt có thể giảm chi phí mặt khác có thể hạn chế lây lan dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.

- Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử thời gian tới, hiện nay Bộ TT&TT đang tham mưu Chính phủ một số giải pháp sau:

+ Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã xây dựng Kế hoạch thực hiện năm 2022 trong đó có nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

+ Thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Bộ TT&TT đang chủ trì triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, hiện nay đang tổ chức thực hiện.

+ Bộ TT&TT đang xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý I/2022.

- Về việc ưu tiên sử dụng các dữ liệu đã có: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó, đã xác định rõ nguyên tắc: Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp, sẵn sàng cung cấp thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, trừ trường hợp dữ liệu đó không bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT thúc đẩy việc xây dựng, tổ chức triển khai kết nối các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương để tăng cường sử dụng lại dữ liệu đã có phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dân làm trung tâm, người dân không phải cung cấp thông tin nhiều lần, nâng cao chỉ đạo điều hành. Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng làm việc với Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh để hướng dẫn triển khai cụ thể nội dung này tại địa phương.

c) Cử tri phản ánh trong thời gian qua, có nhiều ứng dụng (các App) phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gây khó khăn cho người dân khi sử dụng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng một ứng dụng duy nhất áp dụng toàn quốc để người dân và doanh nghiệp sử dụng thuận tiện. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp có cơ hội tra cứu, nắm bắt được thông tin liên quan đến nguồn nhân lực lao động của doanh nghiệp, thuận lợi trong bố trí sử dụng lao động phù hợp với tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bộ Công an đã phối hợp triển khai, tích hợp các chức năng từ những ứng dụng trước đây (Bluezone, NCOVI, v.v…) thành một ứng dụng thống nhất PC-Covid. Đây là ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia duy nhất. Một số ứng dụng hiện hành khác sẽ có các chức năng và vai trò khác mang tính lâu dài, cụ thể:  

- Ứng dụng VN-eID do Bộ Công an chủ trì, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân và các nghiệp vụ quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an. Vì vậy, VN-eID là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội.

- Ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử (SKĐT) do Bộ Y tế chủ trì, là ứng dụng phục vụ người dân trong việc khám chữa bệnh, ghi nhận, theo dõi, quản lý sức khỏe của người dân. Ứng dụng Sổ SKĐT là y bạ điện tử của người dân, theo suốt cuộc đời của người dân. Một số địa phương tích hợp tính năng phòng chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh sẵn có. Bộ TT&TT yêu cầu tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn để liên thông dữ liệu, tạo điều kiện cho người dân di chuyển đến địa phương khác. Trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh, việc triển khai các ứng dụng nói trên phải bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Trong thiết kế, các nền tảng phòng, chống dịch bệnh đã sẵn sàng để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khai thác dữ liệu theo thẩm quyền. Trên nguyên tắc các dữ liệu phòng, chống dịch bệnh được Ban Chỉ đạo quốc gia giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, các doanh nghiệp có thể liên hệ với Bộ Y tế để được hướng dẫn về nghiệp vụ và thẩm quyền khai thác, Bộ TT&TT hướng dẫn về kỹ thuật kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo an toàn, bảo mật và tuân thủ các quy định hiện hành.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

* Toàn văn nội dung trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hồ Chí Minh xem tại đây.