“Cây nghiên cứu” vượt khó

Nhà nghèo lại đông chị em, bố thường xuyên đau ốm, mẹ quanh năm chân lấm tay bùn nhưng Cao Thị Quế (xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), sinh viên lớp QH-2017-E Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thể hiện nghị lực vươn lên phi thường trong học tập, trở thành thủ khoa của nhà trường năm 2021.

20220308-l1.jpg

Cao Thị Quế nhận học bổng Thắp sáng tài năng Việt IMG năm 2021.
 

Không ai sinh ra trước vạch đích

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, hoàn cảnh chẳng mấy khá giả nên việc Cao Thị Quế trúng tuyển vào đại học (năm 2017) là chuyện nửa mừng nửa lo với bố mẹ em. Tuy vậy, với khát vọng chinh phục con chữ để thay đổi số phận, Quế đã động viên để bố mẹ tin tưởng vào tương lai, yên tâm cho con gái lên Thủ đô học tập.

Chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học, chẳng người thân thích, Quế hiểu chỉ có sự nỗ lực của bản thân mới có thể giúp mình trụ vững. Ngay từ đầu, Quế đặt ra các mục tiêu lớn rồi phân thành các mục tiêu nhỏ để từ đó chinh phục từng nấc thang. Và ước mơ trở thành thủ khoa đầu ra ngày mới nhập trường đã trở thành hiện thực, trước bao sự nỗ lực của cô gái đến từ Thành phố hoa phượng đỏ. Quế chia sẻ: “Gia đình là động lực lớn nhất để em cố gắng học tập. Bố em năm nay đã gần 70 tuổi, bị nhiều bệnh như thận hư, cao huyết áp, thấp khớp, phải sống dựa vào thuốc thường xuyên nhưng vẫn cố gắng đi làm để kiếm tiền cho các con ăn học. Mẹ em khuya sớm tảo tần và không ít lần phải vay tiền người thân, họ hàng để gửi tiền lên cho em ăn học. Mỗi lúc nhớ nhà hoặc áp lực, em lại nhớ đến bố mẹ, rồi lại lau nước mắt để tiếp tục cố gắng. Em tự nhủ, nếu mình bỏ cuộc thì đã phụ công lao và tấm lòng của bố mẹ”.

Ngoài thời gian học, Quế đi làm gia sư, bán thuê quần áo, thực tập sinh ở một số công ty để có thể tự lo phần nào chi phí sinh hoạt... Một ngày của em thường bắt đầu từ 5 giờ và kết thúc sớm nhất cũng vào 11 giờ đêm.

“Cây nghiên cứu” của trường

Trong quá trình học tập, Cao Thị Quế giành được nhiều thành tích ấn tượng như: Điểm tổng kết trung bình 3.72/4.00 toàn khóa; điểm rèn luyện toàn khóa 90/100; TOEIC đạt 805/990; giải nhì nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp trường, giải nhất cấp khoa (năm học 2020-2021); "Sinh viên 5 tốt" năm học 2019-2020; giải ba cuộc thi UEB Business Challenges 2019 tổ chức bởi Trường Đại học Kinh tế và FNF Việt Nam với dự án khởi nghiệp Plasticycle-máy thu gom và phân loại rác thải nhựa; đặc biệt, Quế nhận được học bổng Thắp sáng tài năng Việt (IMG) 2020-2021 vì có thành tích học tập xuất sắc, có công trình NCKH và là tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập.

Quế được thầy, cô giáo, bạn bè đặt cho danh hiệu “cây nghiên cứu”. Có thể kể đến một số nhiệm vụ và thành tích ấn tượng của Quế như: Chủ nhiệm tại Cộng đồng sinh viên kinh tế NCKH (RCES) nhiệm kỳ 2019-2020; Trưởng ban tổ chức chuỗi dự án Rtalk-Research Talk dành cho sinh viên NCKH 2019-2020; Trưởng ban tổ chức Dự án RCES Companion 2020 ghép đôi sinh viên lần đầu NCKH 2019-2020 với các anh chị mentor; Trưởng ban tổ chức Cuộc thi Defense Trial 2020-Báo cáo và bảo vệ thử công trình NCKH dành cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội; Ban biên tập chuyên mục NCKH dành cho sinh viên của Trường Đại học Kinh tế... Nhiều hoạt động nghiên cứu của câu lạc bộ, Quế luôn sẵn lòng tự bỏ tiền ra trong khi điều kiện sinh hoạt của em còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Quế còn là gương mặt thân quen ở các hoạt động tình nguyện của nhà trường.

Người truyền cảm hứng

Để có được thành tích học tập ấn tượng như vậy, Cao Thị Quế đã phải hy sinh nhiều thứ, nhất là thời gian và sức khỏe. Quế tâm sự: “Có giai đoạn, mỗi ngày em chỉ ngủ 3-4 tiếng, còn lại làm đủ các việc để có thu nhập, tham gia NCKH. Trong 4 năm là sinh viên, em chưa lần nào đi chơi xa, cũng không có thời gian tụ tập với bạn bè. Em luôn cố gắng tận dụng thời gian để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra”.

Mỗi khi giành được thành tích học tập cao, Quế đều gọi điện báo tin để bố mẹ tự hào và yên tâm về con gái. Để cho Quế đi học là cả một sự nỗ lực rất lớn của gia đình. Biết rằng vất vả nhưng nghĩ về tương lai của con, cả bố mẹ Quế đều cố gắng chắt bóp và đợi những tin vui mà Quế báo về. Danh hiệu thủ khoa là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Quế và niềm mong mỏi của gia đình. “Đừng lo hiện tại mình kém cỏi hay nghèo khổ, hãy luôn nghĩ đến điều tích cực và tin tưởng bản thân sẽ có kết quả tốt đẹp, cho dù không phải ngay lập tức”, Quế bộc bạch.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Quế nói: “Thực sự, em cảm thấy rất bất ngờ khi trở thành tân thủ khoa đầu ra khóa QH-2017-E. Em rất hạnh phúc và vinh dự vì sau 4 năm nỗ lực học tập và rèn luyện, mình đã có được thành tựu đáng tự hào, mọi sự cố gắng đã được đền đáp. Tuy nhiên, em cũng biết rằng xung quanh còn rất nhiều anh chị và các bạn rất giỏi và không ngừng nỗ lực mỗi ngày, bản thân em cũng còn nhiều điều cần học hỏi và tích lũy. Vì vậy, em sẽ không để bản thân ngủ quên trên chiến thắng. Tốt nghiệp ra trường, đi làm sẽ có nhiều áp lực, cuộc sống cần phải vượt qua và khó hơn nhiều so với thời còn đi học, em cần quên đi danh hiệu thủ khoa và tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo”.

TS Nguyễn Tiến Minh, Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Cao Thị Quế là một sinh viên có chí hướng và nghị lực. Vượt lên mọi khó khăn, em đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống tự lập. Quế chỉn chu, cố gắng từ những bài tập nhỏ nhất, hăng hái tham gia mọi hoạt động nghiên cứu, tình nguyện của trường, khoa, từ đó trở thành một sinh viên chắc kiến thức, vững kỹ năng, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm. Thành tích học tập và nghiên cứu của Quế đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn sinh viên và thầy, cô giáo trong quá trình học tập, giảng dạy. Cao Thị Quế là niềm tự hào của gia đình, của khoa và của nhà trường”.

Ra trường với khoản vay học phí mấy chục triệu đồng, ở nhà, bố Quế phải đi phẫu thuật mắt nên học bổng IMG (trị giá 40 triệu đồng) lúc đó đã giúp Quế trang trải được rất nhiều. Hiện tại, Quế đang làm ở vị trí phân tích nghiệp vụ tại một công ty công nghệ. Tuy có thu nhập cao nhưng Quế vẫn chi tiêu sinh hoạt như cô sinh viên ngày nào, vẫn giản dị chân quê. Lương có được Quế gửi một phần về quê đỡ đần gia đình, một phần tích lũy phòng khi bố mẹ đau yếu sau này.