Sống như anh

Tôi hẹn gặp họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền vào chiều Chủ nhật đầu tiên của tháng 11-2021.Trong buổi chiều chạy xe ngược nắng về vùng ngoại ô Đà Nẵng, tìm đến căn nhà nơi anh ở nằm trên đường Đào Sư Tích, cơ man những câu hỏi về người nghệ sĩ tài hoa với số phận đặc biệt này liên tục xuất hiện trong đầu tôi. Dòng ý nghĩ chảy xiết như sông lũ kia chỉ dừng lại khi tôi bắt gặp nụ cười hiền hậu của anh sau cánh cổng sắt khép hờ.

Tuổi thơ cơ cực

Là người mê tranh, tôi kết giao thường xuyên với các nghệ sĩ ở Đà Nẵng. Tôi biết anh Hiền qua lời giới thiệu của một họa sĩ Trần Chí Thành ở Đà Nẵng. Họa sĩ Thành cho biết, anh Hiền không may bị liệt sau một vụ tai nạn, chỉ có thể cầm bút bằng một ngón tay, nhưng sống hết mình với hội họa và đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm đặc sắc. Chỉ với đôi ba câu giới thiệu ấy, tôi nóng lòng muốn được tìm hiểu nhiều thêm về người nghệ sĩ tài hoa này. Thành phố vừa nới lỏng giãn cách, tôi mạo muội xin lịch hẹn với anh và đó cũng là cơn cớ cho buổi gặp này.

1.jpeg

Dù bị tàn tật, nhưng anh Hiền vẫn nỗ lực vượt qua số phận.

Gặp tôi, anh Hiền kể về những biến cố xảy đến với anh bằng giọng nhẹ tênh. Sinh năm 1978 ở Buôn Ma Thuột, Nguyễn Tấn Hiền có một tuổi thơ khá cơ cực. Ba mất sớm, một mình mẹ anh gánh gồng nuôi lớn đàn con thơ. Sau khi hoàn thành cấp 3, Hiền xăm xăm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự với trái tim đầy nhiệt huyết. Những ngày tháng trong quân ngũ, Hiền ôm giấc mộng trở thành một giáo viên toán. Xuất ngũ, ước mơ thành sự thật, Hiền thi đỗ vào Khoa Toán trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Nhưng, niềm vui chẳng tày gan, chỉ sau 2 tháng nhập học, tai nạn kinh hoàng xảy đến với anh trong một lần đến trường. Hiền bị chấn thương tủy sống cổ, dẫn đến hai chân và hai tay dần bị liệt, không thể cử động được. Từ dạo ấy, anh mất thăng bằng một thời gian. Bao nhiêu dự định bị số phận cay nghiệt bóp nát, lại phải nhìn cảnh mẹ già tảo tần lam lũ, Hiền buồn rất nhiều. Cũng may, nhờ ý chí đã được tôi luyện trong quân ngũ, anh tự động viên để vực dậy bản thân mình.

Một thời gian sau, cơ hội tái sinh mới đến với Hiền khi anh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng Đà Nẵng. Phép màu đến với chàng trai trẻ mang theo nắng ấm hy vọng, khi anh cảm nhận được tình thương và sự động viên săn sóc từ đội ngũ y bác sĩ. Dần dần, anh có thể thực hiện được những công việc cơ bản như sử dụng xe lăn hay cử động hai cánh tay.

Năm 2007, Hiền được bố trí điều trị chung với một bệnh nhân có hoàn cảnh tương tự tên Phương. Thời điểm ấy, Phương đang học năm hai Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh thì bị u tủy cổ và liệt tứ chi. Phương thường kể Hiền nghe về niềm đam mê hội họa của mình. Đây là tia lửa đầu tiên dẫn lối anh đến với môn nghệ thuật này.

Cơ duyên đến với hội họa

Ban đầu, các y bác sĩ và người nhà tỏ ra ái ngại khi chuyện "vẽ vời" có lẽ không dành cho anh. Người thường vẽ đã khó, huống hồ gì một bệnh nhân bị liệt cả chín ngón tay (chỉ còn mỗi ngón cái là cử động được). Nhưng Hiền vẫn kiên trì bám theo thứ ánh sáng mơ hồ cuối đường hầm đó. Anh có một niềm tin mãnh liệt rằng số phận đang vạch ra cho anh một lối đi hoàn toàn khác.

Mà để đến đích, anh phải khởi hành ngay. Ấy là năm 2008.

Những gian nan ngày đầu anh trải qua không khác mấy so với những hồi tưởng thầy Nguyễn Ngọc Ký giãi bày trong cuốn "Tôi đi học". Ban đầu, anh tập vẽ chì bằng cách cột cây bút chì vào ngón cái rồi đưa tay lên giấy và vẽ. Có hôm, anh tự thử thách mình bằng cách dùng ngón cái tì cây bút vào những ngón bị liệt, cứ thế miên man anh vẽ... Những gian truân giăng trùng trùng trước mặt chàng trai trẻ. Chỉ việc nhỏ như chiếc bút bị rơi trong khi vẽ cũng trở thành một quả núi anh khó nhọc leo qua.

Vậy mà, anh cũng làm được!

Anh Hiền bắt đầu với tranh chì, rồi chuyển sang thử sức với những thể loại "nặng đô" hơn như màu nước, acrylic và sơn dầu. Khi vòng tròn kết giao giữa nghệ sĩ được mở rộng, một vài nhà sưu tập Nam, Bắc và những người giám tuyển nghệ thuật tìm đến anh.

Trong những năm đầu, anh ưa thích khai thác những đề tài như tranh gia đình, tranh chân dung. Bức "chiếc ô tô màu hồng" vẽ năm 2017 có thể tóm lược phần nào tình cảm của anh dành trong thể loại này, khi mang hình ảnh hai anh em chơi chung một chiếc xe đồ chơi lên toan vẽ. Đa phần các tác phẩm trong giai đoạn này đều được vẽ với một không khí đượm buồn, các sắc độ tối được sử dụng khá "bạo liệt", chiếm lĩnh hậu cảnh để làm nổi bật chủ thể.

2.jpeg

Anh Hiền bên những tác phẩm hội họa đang hoàn thiện.

Vì tốc độ vẽ còn chậm mà màu nước thường khô nhanh, nên anh Hiền quyết định chuyển sang chất liệu sơn dầu để đỡ "hao" nguyên liệu. Nhận thấy những tác phẩm ở giai đoạn đầu khó tiêu thụ vì đòi hỏi vốn kiến thức hội họa nhất định từ nhà sưu tập, anh âm thầm chuyển sang khai thác đề tài tranh nông thôn, cảnh vật làng quê. Những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt với đàn cò trắng phau, ao sen thanh bình với cánh chuồn chuồn vô tư lự, một góc con sông quê hương nhìn qua tán lá xanh mát,... Tranh anh rũ bỏ lớp áo tự sự nặng nề để trở nên trong trẻo và tương sáng hơn. Các nét vẽ cũng trở nên thanh thoát, màu sắc được phối hợp tài tình hơn. Có phải cái tình đó, chúng ta cũng từng gặp trong điểm chạm giữa tranh của Hiền và thơ Nguyễn Duy: "Rủ nhau thăm cỏ vườn đồi, gió hoang lay động một trời lá na."?

Khao khát đến đỉnh cao

Hội họa thực sự diệu kỳ khi nó kéo anh ra khỏi hố sâu của mặc cảm, tự ti. Và đến bây giờ, khi tôi viết những dòng này, tôi vẫn hy vọng công chúng và các nhà phê bình nhìn nhận tranh Nguyễn Tấn Hiền ở góc độ sòng phẳng với những họa sĩ khác. Xin đừng đánh giá những tác phẩm ấy bằng con mắt tình thương. Mà trên thế, những bức tranh anh vẽ có quyền được soi xét bình đẳng, thông qua lăng kính thẩm mỹ và chuyên môn.

Năm 2013, anh tham gia triển lãm các họa sĩ khuyết tật tại Đài Loan. Năm 2016, anh tiếp tục tham gia triển lãm dành cho các hoạt sĩ khuyết tật ở Mỹ. Sự đón nhận của công chúng đối với tranh của anh là thành quả xứng đáng cho những giờ Hiền miệt mài cầm cọ, cho quá trình tranh đấu không ngừng nghỉ với chính bản thân mình...

Khi tôi đưa máy lên chụp cho anh một vài kiểu ảnh trước khi từ biệt ra về, nắng chiều đã nhuộm vàng trên bức họa anh đang vẽ dang dở: Một bếp củi thanh bình như trong thơ Bằng Việt. Nắng như đang chơi đùa trong cái góc bếp ấy, như thể nó thực sự hiện hữu. Tôi biết rằng trong anh, nguồn nhựa sống và lòng đam mê sáng tác vẫn âm ỉ cháy như bếp củi này. Anh vẫn muốn tổ chức một triển lãm cá nhân thực sự cho riêng mình, vẫn đau đáu tìm nguồn chất liệu cho tác phẩm mới, vẫn khát khao được nuôi dạy con cái đầy đủ hơn bằng những bức vẽ cho đời,... Bầu trăn trở ấy chỉ có thể bắt gặp ở một nghệ sĩ chân chính.

Nhưng tôi tin, đại dịch, sức khỏe xấu, đời sống cơm-áo-gạo-tiền không dễ gì quật ngã người đàn ông gầy gò trước mặt. Anh đã đi một đoạn xa để đến đây và vẫn hăm hở nhiệt thành dấn thân cho những ghềnh thác mới. Bằng một trái tim nguyên khôi như những ngày đầu tiên.