Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn gửi sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Công văn số 869/BTTTT-VP ngày 11/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 19/BDN ngày    10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính yêu cầu về số lượng hồ sơ khi đề nghị cấp giấy phép bưu chính là 03 bộ (01 bộ bản gốc và 02 bộ bản sao), tuy nhiên, cử tri cho rằng thực tế chỉ cần 01 bộ bản gốc và 01 bộ bản sao. Đề nghị Bộ xem xét tham mưu sửa đổi quy định nêu trên để giảm bớt số hồ sơ cần chuẩn bị của đối tượng xin cấp phép.

 Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Ngày 19/11/2021, Bộ TT&TT đã có Tờ trình số 94/TTr-BTTTT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính, theo đó Bộ TT&TT đã tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 47/2011/NĐ-CP với nội dung: “Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính được lập thành 01 bộ là bản gốc”. Bộ TT&TT đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP nêu trên.

Câu 2: Đề nghị bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 18 Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (về quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san) vì theo quy định nêu trên, Hồ sơ cấp giấy phép xuất bản bản tin (địa phương) yêu cầu thành phần hồ sơ “sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin” là không cần thiết do thông tin về người chịu trách nhiệm xuất bản đã có trong Tờ khai đề nghị cấp giấy phép xuất bản bản tin. Mặt khác, không có quy định sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm xuất bản trong trường hợp như thế nào thì không được cấp giấy phép.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Theo khoản 2, Điều 34, Luật Báo chí năm 2016, một trong các điều kiện cấp giấy phép xuất bản bản tin là “có người chịu trách nhiệm về việc xuất bản bản tin”. Thành phần hồ sơ “Sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin” để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản bản tin nắm rõ và đầy đủ các thông tin cá nhân của người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin là cần thiết trong trường hợp việc xuất bản bản tin vi phạm quy định pháp luật (Tờ khai đề nghị cấp giấy phép xuất bản bản tin chỉ yêu cầu kê khai một số thông tin cơ bản của người chịu trách nhiệm xuất bản bản tin).

Bộ TT&TT xin ghi nhận kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu hoàn thiện các quy định về xuất bản bản tin, phù hợp với thực tiễn.

Câu 3: Điểm b khoản 3 Điều 13, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản quy định về thành phần hồ sơ cấp lại giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm cần nộp “Bản chính giấy phép bị hư hỏng hoặc bản sao giấy phép (nếu có) trong trường hợp bị mất” là chưa phù hợp do Giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm được lưu 01 bản tại cơ quan cấp phép, vì vậy, khi phát sinh hồ đề nghị cấp lại, cơ quan cấp phép chỉ cần đối chiếu nội dung với bản đã lưu để cấp lại theo số giấy phép mới mà không yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp lại bản chính giấy phép bị hư hỏng hoặc bản sao giấy phép (nếu có) trong trường hợp bị mất. Việc quy định thành phần hồ sơ này là không cần thiết và chưa phù hợp để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đề nghị Bộ xem xét bãi bỏ quy định nêu trên.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

 Tại Điểm b khoản 3 Điều 13, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản là điều kiện hồ sơ để cấp lại giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế chưa phù hợp với điều kiện thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Bộ TT&TT ghi nhận kiến nghị của cử tri và đưa vào kế hoạch năm 2023 để tiến hành sửa đổi quy định tại Điểm b, khoản 3, Điều 13, Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 cho phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. 

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông