Phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Giao ban quản lý Nhà nước Quí I/2022

Ngày 28/3/2022, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước Quý I/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 63 Sở TT&TT và các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ ngành. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.

botruong31032022.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Thưa các đồng chí,

Quí I/2022 là sự bùng phát COVID sau khi đã tiêm chủng, có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Rất có thể, nước ta sẽ mở cửa được sau đợt bùng phát này. Ngành chúng ta phải sẵn sàng cho sự phát triển khi mở cửa.

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Chỉ khi nào toàn bộ người dân sử dụng các nền tảng số, các ứng dụng số để phục vụ việc làm ăn, sinh hoạt hàng ngày thì chuyển đổi số khi đó mới là thành công.

Những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số, ứng dụng số. Bây giờ là sử dụng, là hướng dẫn người dân sử dụng. Chỉ có sử dụng số thì mới tạo ra thị trường số, chỉ có sử dụng số thì mới có nền tảng số, ứng dụng số xuất sắc.

Cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất lúc này là xây dựng các tổ công nghệ số cộng đồng đến mức thôn, tổ dân phố. Người làm tốt nhất là thanh niên. Trước đây, thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, thì nay, thanh niên đi đến từng hộ gia đình để giúp người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số. Đây chính là cách để chuyển đổi số Việt Nam, chính là cách đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng.

Năm 2020, 2021 là Nhà nước khởi động, phát động chuyển đổi số. Năm 2022 này là đưa người dân lên môi trường số, tức là sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số. Tốc độ tăng trưởng ít nhất là 50%. Đây là trọng tâm của năm. Đến năm sau, năm 2023 sẽ lại đến Nhà nước dẫn dắt để tạo ra đột phá phát triển mới.

Đo đếm, đánh giá năm 2022 sẽ tập trung vào số lượng người dân lên các nền tảng số, là mức độ sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số của người dân. Tất nhiên, con số tổng hợp sẽ là kinh tế số Việt Nam. Kinh tế số phải có tăng trưởng đột phá trong năm 2022 này. Vụ Quản lý Doanh nghiệp phải tiến hành đo kinh tế số của các địa phương, các ngành và cả nước. Đo từng tháng để biết cách điều chỉnh và thúc đẩy kịp thời.

Về lĩnh vực báo chí, thay đổi quan trọng nhất trong năm 2022 là, thay đổi nhận thức của chính quyền các cấp về công tác truyền thông. Truyền thông là một việc, một nhiệm vụ, một chức năng của chính quyền các cấp, nó giống như là đầu tư, là giáo dục, y tế, ... các bộ ngành, địa phương phải tổ chức bộ phận chuyên trách về truyền thông, có ngân sách hàng năm chi cho truyền thông, khoảng 1% ngân sách. Các bộ, ngành thì có thể tổ chức đến cấp vụ, có thể ghép vào một vụ. Các địa phương thì có thể tổ chức đến cấp sở, có thể ghép vào một sở. Nếu có ghép thì bộ phận làm truyền thông này vẫn phải được tổ chức độc lập và có ngân sách riêng. Cục Báo chí có báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về công tác truyền thông. Ban Tuyên giáo và Bộ TT&TT đã đề xuất Ban Bí thư có chỉ thị về nâng cao sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng về công tác truyền thông.

Về quản lý báo chí thì phải làm cho báo là báo, tạp chí là tạp chí, trang tin là trang tin. Đúng tôn chỉ mục đích, đúng qui định của pháp luật. Báo chí cách mạng thì không tư nhân hoá, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ TT&TT xử lý nghiêm các dấu hiệu tư nhân hoá báo chí. Muốn quản lý được thì đầu tiên phải giám sát được. Giám sát thì online, giám sát thì 100%, giám sát thì toàn diện. Xây dựng hệ thống giám sát online báo chí là trọng tâm 2022 của quản lý nhà nước, của Bộ, của Sở. Các cục quản lý báo chí, truyền thông và xuất bản của Bộ TT&TT xây dựng hệ thống giám sát và chia sẻ cho các Sở.

Muốn chuyển đổi số thành công tại các địa phương thì đầu tiên tỉnh uỷ phải có nghị quyết chuyên đề, sau đó, uỷ ban có chương trình hoặc kế hoạch chuyển đổi số. Đây là quyết tâm của lãnh đạo, là sự cam kết của người đứng đầu. Không có cái ban đầu này thì sẽ không có những cái sau. Hiện nay, chỉ còn lại 3 địa phương là chưa có bất kỳ nghị quyết hay kế hoạch hay chương trình về chuyển đổi số, trên 95% các địa phương đã ban hành. Các đồng chí giám đốc Sở TT&TT của các địa phương chưa ban hành thì nhanh chóng tham mưu tỉnh uỷ, uỷ ban ban hành, hoàn thành trong tháng 4/2022. Có khó khăn gì thì báo cáo ngay về Bộ TT&TT.

Các địa phương muốn đẩy nhanh chuyển đổi số thì hạ tầng số phải đi trước. Nhiệm vụ của các Sở năm 2022 là: 1- Xoá các vùng lõm sóng 3G/4G; 2- 100% các hộ gia đình có máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh; 3- 80% hộ gia đình có Internet cáp quang; 4- Giảm điện thoại 2G xuống dưới 5%; 5- Tăng tốc độ Internet cố định và di động lên ít nhất 30%. Các Sở phải bàn với Cục Viễn thông, Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, nhà mạng để lập kế hoạch chi tiết cho việc này. Các địa phương phải coi đây là việc của mình. Có cái thì hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng, có cái thì thúc đẩy bằng chính sách cho người dân, có cái thì sử dụng Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích, có cái thì phối hợp các nhà mạng chia sẻ hạ tầng tại địa phương. Bộ TT&TT sẽ có đánh giá các Sở về nhiệm vụ phát triển hạ tầng số.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đối số đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số 2022, trong đó có nhiệm vụ cho từng bộ, từng địa phương. Các đơn vị chuyên trách CNTT, các Sở TT&TT phải đóng vai trò là hạt nhân để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Thủ tướng đã nhiều lần nhắc chúng ta, chuyển đổi số thì phải quyết liệt, phải biết biến việc khó thành dễ để làm được. Người đứng đầu CNTT thì đầu tiên phải biết biến các nhiệm vụ chuyển đổi số thành dễ làm, và sau đó mới là huy động các nguồn lực để làm.

Đầu tư cho chuyển đổi số bắt đầu tăng, ngân sách CNTT của hầu hết các bộ và địa phương đều tăng trong nhiệm kỳ này. Bởi vậy, việc đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng pháp luật, không có tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm chính của các đơn vị chuyên trách CNTT và các Sở TT&TT. Bộ TT&TT đã có công văn gửi tất cả các bộ và địa phương về các biện pháp phòng tránh sai sót trong đầu tư. Đây là các biện pháp bảo vệ ngành, bảo vệ cán bộ. Tai nạn xảy ra, rồi tù tội, mất cán bộ, sẽ là rất đau xót và có thể làm chững lại sự phát triển của toàn ngành. Các đồng chí giám đốc CNTT, giám đốc Sở phải rất ý thức việc này, coi đây là trọng trách của mình. Cục Tin học hoá của Bộ TT&TT xây dựng hệ thống công nghệ số, kết nối online với tất cả các bộ và địa phương để giám sát các dự án đầu tư chuyển đổi số. Phát hiện sớm, cảnh báo sớm, nhắc nhở sớm. Người làm mà có người nhìn thấy, có người giám sát thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Mỗi đơn vị chuyên trách CNTT, mỗi Sở đều đã có kế hoạch năm do lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương giao. Văn phòng Bộ TT&TT sẽ xây dựng hệ thống kết nối online với tất cả các cơ quan đơn vị chuyên trách CNTT, các Sở để giám sát việc thực hiện kế hoạch. Đây sẽ là một đổi mới quan trọng về quản lý nhà nước của Bộ. Quản lý mà không có số liệu, mà không giám sát, kiểm tra thì tức là không quản lý.

Kết nối online, giám sát online, đánh giá, cảnh báo tự động đối với các đơn vị chuyên trách CNTT, các sở, các đơn vị trong Ngành chính là chuyển đổi số công tác quản lý Ngành. Xây dựng hệ thống giám sát online toàn diện là đổi mới căn bản trong công tác quản lý nhà nước. Bộ TT&TT phải đi đầu trong việc này, làm mẫu để triển khai rộng ra cho các ngành khác. Việc này được giao cho Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo. Tháng 6/2022 là vận hành hệ thống giám sát online.

Xin chúc các đồng chí nhiều sức khoẻ, có kết quả và niềm vui mỗi ngày, hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022!

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông