Lão nghệ nhân tài hoa

Tôi có may mắn được ngồi thưởng ngoạn nghệ nhân Lê Văn Phú thổi hồn cho những bức tranh bằng đồng. Chính xác hơn, nói bằng ngôn từ của dân trong nghề là “thúc đồng”.

nghe-nhan1.jpg

Nghệ nhân thúc đồng Lê Văn Phú.

Năm 1985, ở đất Hà thành xuất hiện một nghề thủ công mới: Thúc đồng nổi, sử dụng chạm, búa và nhiệt để thực hiện các thao tác nhằm thúc nổi từ mặt sau nguyên liệu, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật theo ý tưởng của nghệ nhân.

Người nghĩ ra và truyền lại nghề thúc đồng cho con cháu chính là nghệ nhân Lê Văn Phú. Với những đóng góp của mình cho nghề thúc đồng, làm giàu thêm nghệ thuật dân gian truyền thống Việt Nam ở mảng tranh đồng thúc nổi, năm 1998, ông là người duy nhất được TP Hà Nội công nhận là nghệ nhân ở lĩnh vực này.

Những miếng đồng vào tay ông, dưới lửa nhiệt, qua những nhát búa gõ, chạm... dần dần được tạo tác ra các bức tranh có sức hút đến kỳ lạ. Không cần phải là những mẫu kỳ công, kiểu như long ly quy phượng, tranh của nghệ nhân Lê Văn Phú chỉ đơn giản là những hổ, lợn, ngựa, gà, đánh ghen, hái dừa theo tích tranh Đông Hồ, nhưng tranh của ông có sự biến đổi, hoán cải từ nhân vật đến hình vẽ, tạo nên sự tươi mới, cách tân. Tranh thúc đồng của lão nghệ nhân Lê Văn Phú không theo bất kỳ một mô típ cứng nhắc nào. Được nhiều người tìm mua, sưu tầm nhưng nghệ nhân Lê Văn Phú làm nghề với tình yêu đặc biệt, đó là ông không bao giờ làm lấy số lượng, làm “hàng chợ”. Ông “chơi” với nghề, giữ lấy nét đẹp cho nghề và bản thân mình.

Ngồi trò chuyện trong căn phòng nhỏ, nơi ông cho ra đời những tác phẩm thúc đồng để đời, ông nhận xét rằng, đến bây giờ, mỹ nghệ của chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi nhược điểm ước lệ nên hầu hết các tác phẩm đều khô cứng, thiếu bố cục. Theo ông, điều này là do các nghệ nhân chưa đạt đến cái tầm tinh thông, thiếu cái nhìn của hội họa.

Có một chuyện nghệ nhân Lê Văn Phú kể mà tôi nhớ mãi, đó là sau khi bố ông mất, ông đã lúi húi nhặt lấy những hình mẫu khắc họa trên đồng, trên bạc. Những hình mẫu con giống, hoa văn nhỏ li ti đến tinh xảo, có cái do bố ông khắc, có mẫu do chính nghệ nhân Lê Văn Phú sáng tạo ra. Ông bảo: “Tôi chỉ cần chút ít tài sản này để có cảm hứng theo nghề và truyền nghề lại cho con cháu sau này”.

Để làm nên những tác phẩm thúc đồng có hồn, đồ nghề của nghệ nhân Lê Văn Phú chỉ là những bu lông, ốc vít, trục xe đạp, mũi khoan, búa, đục... do chính ông chế tác. Nhìn đồ nghề của ông, thực sự tôi quá nể phục. Ít ai ngờ, ông lại có thể làm ra những tác phẩm để đời từ “đống sắt vụn”. Có lần ông sang Nhật Bản, các nghệ nhân xứ hoa anh đào hỏi: “Thưa ngài, đồ nghề của ngài đâu?”. “Khi tôi mở cho họ xem những búa, đục thì họ lạ lắm. Nhất là khi tôi dùng những mẩu “sắt vụn” thực hiện thúc đồng, các bạn Nhật Bản đã rất ngạc nhiên, khen tôi “thật là tài tình”, lão nghệ nhân Lê Văn Phú hồi tưởng, không quên tự thưởng cho mình một ấm trà. Vừa thưởng trà, nghệ nhân Lê Văn Phú vừa chia sẻ: “Thợ giỏi thua nghệ nhân ở chỗ làm gần đẹp rồi thì dừng. Hoặc khi anh đã làm đẹp rồi mà chính anh không biết đó là đẹp, đã đẹp rồi mà tiếp tục làm thì tất sẽ dở...”.