Nỗ lực hướng tới một "Long An số"

Sau thời gian tích cực triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, tỉnh đạt những kết quả nhất định trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Những kết quả chủ yếu

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Nguyễn Bá Luân cho biết: Thời gian qua, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thực hiện chuyển đổi số, UBND tỉnh còn tập trung chỉ đạo Sở thực hiện 2 nhiệm vụ lớn: “Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh giai đoạn 1” và “Xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh giai đoạn 1”. Sau thời gian khẩn trương triển khai, thực hiện, đến nay, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh bước đầu hình thành.

20220428-pg1.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (thứ 2, phải qua) kiểm tra tại Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Long An

Trung tâm IOC là bước tiến quan trọng cho sự phát triển đô thị thông minh. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để tỉnh xây dựng một chính quyền kiến tạo, thúc đẩy xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng Long An trở thành địa phương phát triển theo hướng hiện đại, xứng tầm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trung tâm IOC đặt tại tầng 2, Khối nhà Cơ quan 4, diện tích khoảng 265m2. Đây là nơi hội tụ và hiển thị lượng thông tin tổng hợp chỉ đạo, điều hành của toàn tỉnh, thông qua công nghệ số 4.0. Trung tâm IOC giúp giám sát, điều hành các hoạt động dịch vụ đô thị thông minh, thực hiện thu thập và xử lý thông tin các hệ thống chuyên ngành; phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan và hỗ trợ công tác quản lý, điều hành bảo đảm thống nhất, hiệu quả.

Hiện Trung tâm IOC triển khai các nền tảng phục vụ giám sát, điều hành cho 8 lĩnh vực: Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị; chỉ tiêu phát triển KT-XH; hiệu quả hoạt động của chính quyền; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; y tế; báo điện tử, mạng xã hội; hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh; an toàn thông tin mạng.

Việc triển khai xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị sẽ giúp tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao đạo đức công vụ, cải thiện mô hình quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, qua đó giúp thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Song song đó, Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh cũng hình thành với 4 nhóm chức năng chủ yếu: Hệ thống nền tảng Kho dữ liệu; hệ thống Cổng dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp; các bộ kết nối khai thác dữ liệu từ kho; công cụ hỗ trợ các đơn vị tạo lập, chuẩn hóa, chuyển đổi dữ liệu vào kho.

Ông Nguyễn Bá Luân cho biết, đến nay, Sở TT&TT đã tổ chức họp với 6 sở, ngành, triển khai thu thập đưa vào kho 12 nhóm dữ liệu. Hiện tại, kho đã thu thập 2.050.964 tệp dữ liệu từ các lĩnh vực: Tài nguyên - môi trường, giáo dục, y tế, doanh nghiệp. Các dữ liệu sẽ được cập nhật liên tục, đồng bộ với các hệ thống dữ liệu chuyên ngành của các đơn vị, bảo đảm giá trị dữ liệu.

Bên cạnh chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh cũng đạt những kết quả chủ yếu. Đến nay, toàn tỉnh có 482 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn thương mại điện tử với 1.974 sản phẩm/hàng hóa được đăng ký bán trên sàn. Ngành Nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản, hỗ trợ 1.761.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.

Ngành Công Thương phối hợp Viettel, VNPT thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại. Sở TT&TT cùng các sở, ngành liên quan làm việc với VNPay thống nhất nội dung, giải pháp thúc đẩy không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, hành chính công. Ngành Giáo dục tổ chức các lớp tập huấn thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ sở giáo dục; phối hợp Microsoft, Sở TT&TT tổ chức “Ngày hội công nghệ giáo dục Long An 2022”,...

Định hướng sắp tới

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, vì vậy, đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm, sự chung tay, góp sức của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp công nghệ số cùng đồng hành với chính quyền tỉnh. Thời gian tới, tỉnh đề ra một số định hướng, nhiệm vụ trọng tâm.

Về chính quyền số, Trung tâm IOC sẽ mở rộng các lĩnh vực an ninh, trật tự - an toàn giao thông; giáo dục; môi trường và ứng dụng mobile “IOC Long An”. Về Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các dữ liệu cơ bản nhất tạo nền tảng cho chính quyền số, bao gồm dữ liệu gắn với con người (dân cư, bảo hiểm, y tế và an sinh xã hội, căn cước, hộ tịch,...); dữ liệu gắn với cơ quan, tổ chức (doanh nghiệp, tài chính); dữ liệu gắn với tài nguyên (đất đai, hạ tầng không gian địa lý; hạ tầng kỹ thuật công cộng). Đồng thời, xây dựng dữ liệu cho các bộ chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo, điều hành, cung cấp dữ liệu từ kho lên hệ thống IOC của tỉnh, bám sát các chỉ tiêu từ Trung ương đã đề ra.

Về kinh tế số, xã hội số, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành các nền tảng số “Long An Số”, “Long An ID” để tăng cường tương tác giữa người dân với chính quyền,...

Theo ông Nguyễn Bá Luân, sự ra đời Trung tâm Điều hành thông minh, Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh là bản lề quan trọng, mở ra cách chỉ đạo, điều hành mới cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh từ cách làm truyền thống sang cách ra quyết định chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và công nghệ số; là nền tảng để hướng tới một Long An số hóa, dẫn dắt, thúc đẩy quá trình phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây chính là nút nhấn khởi đầu cho việc đưa Nghị quyết về chuyển đổi số của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào thực tiễn cuộc sống./.