Điểm tin địa phương - ngành Thông tin và Truyền thông

Thông tin hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 19 (từ ngày 07/5 đến ngày 13/5/2022).

20220513-m03.jpg 

Ảnh minh họa

- Hội Nông dân và Bưu điện TP. Phổ Yên, Thái Nguyên ký kết phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Nội dung ký kết tập trung vào việc rà soát, thu thập thông tin và hỗ trợ hơn 200 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, 18 Tổ hợp tác, chi hội và tổ hội nghề nghiệp có sản phẩm nông sản hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn và qua hệ thống điểm bán hàng của Hội Nông dân và kênh bán hàng tại 19 điểm Bưu cục, Bưu điện - Văn hóa xã, phường của ngành Bưu điện. Đồng thời, phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi; triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép trong các sự kiện của Hội Nông dân và hệ thống Bưu điện thành phố.

- Sóc Trăng: Đào tạo nâng cao chất lượng phát cho bưu tá. Bưu điện tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức các buổi đào tạo dành cho đội ngũ bưu tá nhằm nâng cao chất lượng công đoạn phát tại các đơn vị trực thuộc. Cùng với việc đào tạo, hướng dẫn bưu tá nhập thông tin và xử lý trên ứng dụng phát DingDong, Ví PostPay cũng như những quy định phát đối với các dịch vụ đặc thù cho khách hàng lớn, các dịch vụ đặc biệt, nội dung đào tạo cũng đi sâu vào các cơ chế chính sách, cơ chế tiền lương, thưởng phạt chất lượng và các chương trình thi đua dành cho Bưu tá năm 2022. Thông qua các buổi đào tạo, kết hợp lý thuyết lẫn thực hành, đội ngũ bưu tá sẽ nắm vững về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử với khách hàng để thuận lợi hơn trong quá trình giao hàng và thao tác trên ứng dụng, giúp tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, chất lượng giao hàng; đồng thời thúc đẩy tinh thần thi đua trong lực lượng phát.

- Lâm Đồng: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại huyện Di Linh. Theo đó, Hội Nông dân và Bưu điện huyện Di Linh sẽ phối hợp thực hiện hai mục tiêu chính, gồm: Rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống bán hàng của hai bên. Phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng. Xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân. Triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của Hội Nông dân tỉnh và một số nội dung khác.

Hội Nông dân và Bưu điện TP Đà Nẵng ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022-2025”. Theo kế hoạch, hai đơn vị sẽ phối hợp rà soát, đưa sản phẩm của hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên; phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng. Bưu điện Đà Nẵng cho biết, sau khi có kết quả phê duyệt các sản phẩm của TP Đà Nẵng tham gia chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” được tổ chức tại TP Sơn La (tỉnh Sơn La) từ ngày 15 đến 19/5, bưu điện sẽ hỗ trợ xây dựng gian hàng trực tuyến trên sàn Postmart.vn; qua đó, quảng bá, giới thiệu và kết nối giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

- Thanh Hóa thúc đẩy sử dụng nền tảng số quốc gia nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số. Thực hiện “Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số” được Bộ TT&TT phê duyệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình trên địa bàn. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số quốc gia, coi đây là giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Sử dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng mềm, hoạt động đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp khác nhau.Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiêp, tổ chức, đơn vị đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia nhằm phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

- Quảng Trị: Chuyển biến tích cực từ chuyển đổi số. Đối với chính quyền số, 100% đơn vị trong tỉnh đã có các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp; hệ thống văn phòng điện tử được triển khai đồng bộ; 1.200 dịch vụ công mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Quảng Trị hoạt động từ năm 2021 đã tích hợp các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu như: Phản ánh hiện trường; thông tin báo chí, giáo dục, y tế; camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông. Qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh có thông tin kịp thời để chỉ đạo và ra quyết định chính xác, hiệu quả. Trong phát triển xã hội số, tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động trên địa bàn tỉnh đạt 80%, người sử dụng internet đạt 89%. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu vào hệ thống của Trung tâm Giám sát điều hành thông minh Quảng Trị.

- Lạng Sơn huy động 7.776 thành viên các Tổ công nghệ cộng đồng tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng "Công dân số - Xứ Lạng". Bên cạnh đó, trên nền tảng "Công dân số - Xứ Lạng", người dân, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, kiến nghị, tương tác trực tuyến với chính quyền về các vi phạm, sự cố của những lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an ninh trật tự… trên địa bàn và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả xử lý công việc của chính quyền. Để triển khai nền tảng "Công dân số - Xứ Lạng" đến từng người dân trên địa bàn, địa phương sẽ huy động 7.776thành viên của 1.684 Tổ công nghệ cộng đồng. Đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn cho biết, các đoàn viên thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc đưa công nghệ số, nền tảng số, kỹ năng số đến với người dân.

- Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 từng bước tiệm cận với các đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Đồng thời, xác định việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Mục tiêu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu tiệm cận được với các đô thị thông minh trong khu vực và thế giới dựa trên 6 lĩnh vực chủ yếu: Nền kinh tế thông minh; quản trị thông minh; môi trường thông minh; giao thông thông minh; cư dân thông minh; cuộc sống văn minh và một số lĩnh vực khác.

- Nhiều địa phương, cả tỉnh không có một chuyên gia an toàn thông tin. Theo khảo sát của Bộ TT&TT, mỗi tỉnh, thành trung bình chỉ có khoảng 2,8 người làm công tác an toàn thông tin, nếu tính là chuyên gia an toàn thông tin thì một số tỉnh, thành phố chỉ có 1 người. Tính đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chuẩn kỹ năng để các cơ sở đào tạo đưa ra chương trình đào tạo hợp lý, người học cũng chưa biết học thế nào để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và người sử dụng lao động khi tuyển dụng sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn nào để lựa chọn… Tại Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá những hạn chế về nguồn nhân lực trong khi khối lượng công việc rất lớn và nguồn lực dành chuyển đổi số có hạn. Chính phủ xác định năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu như người sử dụng Internet không có kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin, không tin tưởng vào môi trường mạng thì Việt Nam khó có thể chuyển đổi số thành công.