Liệu Silicon Valley có còn thống trị hoạt động đổi mới sáng tạo toàn cầu?

Trong nhiều thập kỷ, Silicon Valley là nơi sản sinh ra các công ty công nghệ tăng trưởng cao và không nơi nào có thể cạnh tranh được. Mảnh đất nhỏ bé này đã giới thiệu với thế giới Hewlett-Packard (thành lập tại Palo Alto năm 1939), Intel (Mountain View, 1968), Apple (Los Altos, 1976), Google (Menlo Park, 1998) và Uber (San Francisco, 2009). Mark Zuckerberg chuyển trụ sở đến Silicon Valley chỉ 4 tháng sau khi thành lập Facebook ở Cambridge, Massachusetts năm 2004. Năm 1999, Silicon Valley thu hút 1/3 vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Theo CB Insights, năm 2011, 20 trong số 27 công ty kỳ lân (unicorn) của thế giới có trụ sở tại Mỹ.

20221027-ta30.jpg

Silicon Valley hiện vẫn là nơi đóng đô của 136 unicorn, nhiều hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới. Tuy nhiên, các thành phố khác trên thế giới cũng đang cạnh tranh với Silicon Valley. Hiện unicorn đã hiện diện tại 45 nước khác nhau trên thế giới. Trong số hơn 1.000 unicorn trên toàn cầu, gần 50% đặt trụ sở tại Mỹ. Dòng vốn mạo hiểm chảy vào startup Mỹ đã giảm từ 84% cách đây 20 năm xuống còn chưa đến 50% hiện nay.

Dòng vốn không còn tập trung vào Silicon Valley cho thấy sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ trong những năm vừa qua đã tạo cơ hội cho nhiều thành phố khác trở thành Sillicon Valley, trong đó có Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh) hay Tel Aviv (Israel). Những thành phố này đã phát triển đủ lớn và tham vọng thì ở mức toàn cầu. Còn những thành phố như Bengaluru (Ấn Độ), Singapore, São Paulo (Brazil) vẫn đang trong giai đoạn đầu để trở thành trung tâm startup, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Tất cả các thành phố này đạt được vị trí như vậy đều nhờ vào các nhâ tài công nghệ tụ hội nơi đây, có kết nối sâu với các khu vực khác trên thế giới và nguốn vốn mạo hiểm của nội địa. Tât cả các yếu tố này sẽ vẽ lại bản đồ đổii mới sáng tạo toàn cầu, tạo ra một bản đồ mới đa dạng hơn, cạnh tranh hơn.

Vẽ lại bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu

Các trung tâm đổi mới sáng tạo mới xuất hiện trên thế giới có sự khác biệt nhất định với Silicon Valley bên cạnh những điểm tương đồng. Những trung tâm càng phát triển thì càng sản sinh ra các công ty công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực phức tạp như AI, các phần mềm tinh vi chủ yếu phục vụ khách hàng là các doanh nghiệp thay vì là các cá nhân. Trong khi các startup đến từ Anh và Israel hướng đến thị trường xuyên biên giới thì startup Trung Quốc hầu như chỉ tập trung vào thị trường nội địa.

Các trung tâm đổi mới sáng tạo mới xuất hiện như Bengaluru, São Paulo và Singapore tập trung vào thị trường khu vực hơn là thị trường toàn cầu. Thay vì khai phá những vùng đất mới, các công ty công nghệ tại các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ tìm cách để các mô hình kinh doanh hiện tại của họ thích nghi với điều kiện thị trường nội địa. Vì thu nhập khả dụng (disposable income) đang gia tăng tại các khu vực này nên người tiêu dùng sẵn lòng chi trả cho các dịch vụ tương đương nhau, theo Peng Ong đang làm việc cho công ty vốn mạo hiểm của Singapore, Monk’s Hill Ventures. Chẳng hạn như Flipkart (thương mại điện tử) là Amazon của Ấn Độ, Nubank (fintech) là Revolut của Brazil, Grab (ứng dụng gọi xe) là Uber của Đông Nam Á. Điều đó lý giải tại sao 70% unicorn ở Đông Nam Á và 80% unicorn của châu Mỹ Latinh hoạt động trong lĩnh vực fintech hoặc Internet người tiêu dùng. Do đó, khi đạt được sự nội địa hoá siêu cao như vậy thì mỗi trung tâm sẽ trở nên rất khác biệt, có đặc thù riêng.

Internet tốc độ cao và điện thoại thông minh phổ biến trên toàn cầu tạo điều kiện cho startup phục vụ khách hàng ở khắp mọi nơi từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Theo Abheek Anand làm việc cho Sequoia Ấn Độ, một chi nhánh của công ty vốn mạo hiểm Silicon Valley tại Ấn, điện toán đám mây và các công cụ phần mềm có sẵn khiến cho việc thành lập một công ty trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tốc độ tăng trưởng tại các thị trường đã phát triển chậm lại, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư tăng lên đã buộc các nhà tư bản mạo hiểm phải tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới.

Đại dịch covid-19 khiến cho xu hướng mọi thứ số hoá càng trở nên mạnh mẽ. Khoảng 60 triệu dân Đông Nam Á, gần 1/10 dân số khu vực này, đã trở thành công dân mạng chỉ trong hai năm qua, theo số liệu của Bain, một công ty tư vấn. Số công ty Ấn Độ và Đông Nam Á đạt doanh thu hàng năm 100 triệu USD đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, cho dù công nghệ giúp xoá nhoà khoảng cách như vậy nhưng không có nghĩa là các công ty startup sẽ xuất hiện tại bất cứ đâu. Chỉ khi một thành phố đã xây dựng được thương hiệu của mình, cộng với nhiều yếu tố khác mới thu hút được nhiều công ty công nghệ đến lập nghiệp. Tại những thành phố như vậy, việc kinh doanh và tuyển dụng nhân sự sẽ dễ dàng hơn vì các nhà cung cấp và nguồn nhân lực tài năng đều có sẵn. Ý tưởng sẽ dịch chuyển dễ dàng hơn khi nhân viên từ các công ty đối thủ có thể dễ dàng gặp nhau tại quán rượu, quán bia. Cho dù sau này có áp dụng chế độ làm việc online kết hợp offline thì mọi người vẫn muốn gặp nhau trực tiếp và khi người ta ở gần nhau thì việc gặp mặt sẽ thuận lợi hơn.

Nhân tài – yếu tố quan trọng số 1

Sự quy tụ nhân tài được coi là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một trung tâm đổi mới sáng tạo thành công. Silicon Valley nằm ngay cạnh các trường đại học số một thế giới như Stanford, trường Đại học California, Berkeley. Tel Aviv cũng vậy. Các trường đại học hàng đầu là nơi tuyển sinh được những sinh viên ưu tú nhất, tinh hoa nhất. Chính tại những trường đại học này, các nhà tư bản mạo hiểm có thể tìm kiếm những người sáng lập ra các startup để hỗ trợ họ hoặc các công ty startup có cơ hội thuê được những nhà công nghệ trẻ xuất sắc. Bengaluru có gần 70 trường đại học công nghệ (engineering college).

Tuy nhiên, chỉ có nguồn nhân lực xuất sắc cũng chưa đảm bảo được sự thành công cho một trung tâm đổi mới sáng tạo. Tokyo là nơi sản sinh ra những công ty công nghệ toàn cầu như Sony (trong lĩnh vực điện tử) và gần đây hơn là Rakuten (trong lĩnh vực thương mại điện tử). Vậy nhưng Tokyo vẫn khó khăn trong việc tạo ra một môi trường startup sôi động. Lý giải cho việc này có thể là các đại công ty Nhật Bản (keiretsu) vấn tiếp tục đóng vai trò chi phối trong nền kinh tế nước này. Một lý do khác là khả năng tiếng Anh còn yếu của người Nhật, chỉ có 8% người Nhật nói thành thạo tiếng Anh, nước Nhật xếp hạng thứ 53 về khả năng tiếng Anh trên toàn cầu (năm 2019). Người nước ngoài gặp nhiều khó khăn để xây dựng vị thế của mình trong giới kinh doanh ở Tokyo. Các nhà tư bản mạo hiểm nước ngoài không được đón nhận nhiệt tình tại Nhật Bản.

Điều đó có nghĩa là yếu tố quan trọng thứ hai để tạo nên trung tâm đổi mới sáng tạo là sự mở cửa với con người và các ý tưởng. Người nhập cư là những người có tinh thần doanh nhân vượt trội vì họ sẵn sàng vượt mọi khó khăn để tìm kiếm cơ hội ở vùng đất mới. Khoảng 60% công ty công nghệ giá trị nhất nước Mỹ được sáng lập bởi người nhập cư hoặc con cái của họ. Các trung tâm đổi mới sáng tạo châu Âu như Berlin, London hay Paris đều có từ 10 unicorn trở lên và đều có số lượng người nhập cư đông đảo. Trung Quốc thì không có nhiều sáng lập viên startup là người nước ngoài nhưng các trung tâm startup như Thượng Hải, Thâm Quyến thu hút được các “chú rùa biển” – người Trung Quốc du học hay làm việc ở nước ngoài trở về nước lập nghiệp.

Bengaluru là một ví dụ sinh động cho sự kết hợp giữa tài năng và sự khoáng đạt kết hợp với nhau đã tạo nên sự thần kỳ trong lĩnh vực startup. Texas Instruments, một nhà sản xuất thiết bị điện tử Mỹ đã chọn Bengaluru để dặt văn phòng khu vực năm 1985. Infosys và Wipro, hai đại gia CNTT Ấn Độ đều đặt trụ sở tại Bengaluru từ những năm 1980 để phục vụ các khách hàng phần mềm toàn cầu, biến Bengaluru trở thành back office của thế giới. Bengaluru còn có một yếu tố thứ ba để định hình thương hiệu trung tâm đổi mới sáng tạo của mình, đó là sự xuất hiện của vốn mạo hiểm tại chính nước này. Các startup muốn phát triển phải có người hỗ trợ hiểu biết về hệ sinh thái và sẵn sàng cấp vốn. Đó có thể là người sáng lập và nhân viên của các công ty startup khác, những người sẵn sàng trở thành nhà đầu tư thiên thần, theo Rana Yared, làm việc cho công ty vốn mạo hiểm Balderton Capital. Các cựu nhân viên của Flipkart (công ty thương mại điện tử Ấn ĐỘ đã bị Walmart mua lại năm 2018) đã sáng lập 225 startup, trong đó có 5 unicorn, theo số liệu của Tracxn, một công ty cung cấp dữ liệu. Những nhân viên làm việc cho Grab, Lazada, Sea Group, đã sáng lập hoặc điều hành hơn 1.000 công ty.

Một số chính phủ hỗ trợ các công ty startup về nguồn vốn thay vì ký các hợp đồng. Singapore có nhiều unicorn/người dân hơn bất cứ nước nào. Edwin Chow làm việc cho Enterprise Singapore, một cơ quan chính phủ phụ trách về chính sách startup của đảo quốc này. Cơ quan này có những chính sách nhằm thu hút nhà đầu tư và sáng lập viên. Cụ thể một chương trình lớn được triển khai năm 2009 phỏng theo mô hình của Israel theo đó cứ 1 USD của nhà đầu tư sẽ được cấp vốn đối ứng là 6 USD từ phía ngân sách nhà nước. Ít nhất có 15 quỹ đáp ứng được các tiêu chí của chương trình này. Tuy nhiên hiệu quả của chương trình như vậy vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Hầu hết các nhà đầu tư và một số nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng sự thành công của Singapore là nhờ các hệ thống pháp luật hỗ trợ hoạt động kinh doanh, chính trị ổn định hơn là các yếu tố khác. Cú hích của chính phủ giống như là khêu thêm lửa cho một ngọn đèn đã đầy dầu.

Sẽ còn nhiều unicorn

Nhân lực xuất sắc, sự khoáng đạt, mở cửa và nguồn vốn mạo hiểm là ba yếu tố góp phần kiến tạo nên các trung tâm đổi mới sáng tạo và giúp các trung tâm này tiếp tục phát triển, tiến lên những tầm cao mơi, nhường lại vị trí cho những trung tâm khác mới ra đời.

Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria đã sẵn sàng trở thành công ty chủ lực trong thị trường fintech nước này. Các công nghệ mới, thời thượng như cryptocurrency (tiền ảo), Web3 sẽ tìm đến những nơi có hệ thống pháp lý tạo điều kiện cho những công nghệ này phát triển.