5 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 50%

Thực hiện nhiệm vụ điều phối, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước (Chương trình IPv6 for Gov) giai đoạn 2021-2025, vừa qua, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và Cục Bưu điện Trung ương đã phối hợp tổ chức chương trình đào tạo nâng cao về IPv6 cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của khối Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và khối Bộ, ngành…

202262-h1.jpg

Toàn cảnh khóa đào tạo hỗ trợ IPv6 cho các cơ quan 

Hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước

Trên cơ sở thực hiện nội dung chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;­ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Internet Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông giao nhiệm vụ điều phối Chương trình IPV6 For Gov đã triển được 70 khóa đào tạo về IPv6 cho hơn 3.000 học viên, trong đó có hơn 2.000 học viên là cán bộ CNTT của các cơ quan nhà nước tại các Bộ, ngành, địa phương.

Năm 2022, công tác đào tạo, tập huấn, tư vấn tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác chuyển đổi IPv6. Trong hai ngày 24 – 25/5/2022, Trung tâm Internet Việt Nam và Cục Bưu điện Trung Ương phối hợp tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao về IPv6, DNS dành cho các cán bộ CNTT Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ. Tiếp theo đó, trong hai ngày 26 – 27/5/2022, VNNIC tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao về IPv6, DNS dành cho các Bộ, ngành.

Chương trình đào tạo được thiết kế riêng theo mô hình tham chiếu kết nối mạng Bộ, ngành, địa phương và phát triển hạ tầng số cho cơ quan Đảng, nhà nước. Nội dung đào tạo sẽ giúp các học viên nắm bắt các vấn đề chính về hiện trạng IPv6, quy định chính sách và lý do triển khai IPv6; năm bắt các vấn đề từ xây dựng, triển khai kế hoạch IPv6, đến kích hoạt IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin, Cổng thông tin điện tử,…

Tỷ lệ người dùng IPv6 trên Internet tăng 3% so với cùng kỳ

Với các hoạt động sớm và đúng hướng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi Internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6. Tính đến tháng 5/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam hiện đạt 50% (tăng 3% so với 2021), cao gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN với hơn 54 triệu thuê bao FTTH, mobile hoạt động tốt với IPv6. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 3 Châu Á và thứ 10 toàn cầu, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế. Giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2030, công tác IPv6 Việt Nam hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn diện Internet Việt Nam sang IPv6, sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

Đối với khối cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình IPv6 For Gov) theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với mục tiêu chuyển đổi IPv6 thành công trên mạng lưới, dịch vụ, song song với quy hoạch nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống CNTT, kết nối Internet, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước một cách thống nhất, đồng bộ, hiện đại để đảm bảo an toàn thông tin, phát triển hạ tầng số, phục vụ tết cho người dân, doanh nghiệp về nhu cầu truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6.

202262-h2.jpg

10 bước chuyển đổi IPv6 cho hệ thống CNTT, Internet các cơ quan nhà nước

Bên cạnh đó, tính đến tháng 5/2022, đã có 15/22 Bộ, ngành và 58/63 địa phương ban hành và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi IPv6; 05/22 Bộ, ngành và 26/63 địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng Thông tin điện tử, cổng dịch vụ công theo nội dung nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Trong khuôn khổ chương trình, VNNIC đã có buổi làm việc với các cơ quan chuyên trách CNTT của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước nhằm tư vấn, thảo luận phương hướng, giải pháp chuyển đổi IPv6 cho mạng CNTT và chuyển đổi IPv6 Cổng Thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của các đơn vị hoạt động với IPv6. Trong thời gian tới, VNNIC và Cục Bưu điện Trung Ương tiếp tục hỗ trợ khảo sát, tư vấn các Văn phòng Trung ương triển khai công tác chuyển đổi IPv6.

IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 là Chương trình tư vấn, hỗ trợ triển khai chuyển đổi IPv6 của cơ quan nhà nước, được ban hành theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT ngày 14/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm xúc tiến, hỗ trợ và đảm bảo cho việc thực hiện thành công toàn bộ quá trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của CQNN. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) được Bộ Thông tin và Truyền thông giao chủ trì thực hiện Chương trình, đầu mối triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các địa phương, bộ, ngành về công tác chuyển đổi IPv6.