Điểm tin ngành Thông tin và Truyền thông, tuần 38 (từ ngày 17/9 đến ngày 23/9)

Thông tin tổng hợp về hoạt động ngành Thông tin và Truyền thông các địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng tuần 38 (từ ngày 17/9 đến ngày 23/9/2022).

20220921-pg10-tc.jpg

Tuần qua, hàng ngàn thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số. (Trong ảnh là 700 Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng cùng 126 điểm cầu xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được nghe truyền đạt các chuyên đề về chuyển đổi số

Quảng Nam: Trong 8 tháng đầu năm 2022 có 375.070 hồ sơ được trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, trong đó có 25.035 hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến

 Theo ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành đề án để triển khai Quyết định 468 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, không chỉ tham gia tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính khi người dân đến các bộ phận một cửa, các nhân viên Bưu điện còn thu hộ lệ phí, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác đến từng người dân. Việc bố trí nhân viên Bưu điện đảm nhiệm một số phần việc tại bộ phận một cửa đã góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi phí và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương, bên cạnh đó người dân cũng thuận tiện hơn khi giải quyết các thủ tục hành chính. Trong số 37 nhân viên Bưu điện đảm nhiệm công việc tại bộ phận một cửa các cấp, có 14 người làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 19 nhân viên làm tại cấp huyện, 7 người làm tại cấp xã.

Hậu Giang: Nỗ lực hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử

Đến hết tháng 6/2022, Bưu điện tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ hơn 30.000 hộ sản xuất nông nghiệp mở tài khoản và gian hàng trên sàn TMĐT. Với nhiều giải pháp phù hợp, từ quảng bá, mở thêm kênh bán hàng, đóng gói, vận chuyển đến việc thanh toán giúp thay đổi thói quen của người dân góp phần đẩy mạnh việc chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Tỉnh xác định đây là kênh tiêu thụ nông sản đem lại lợi ích cho người sản xuất, đặc biệt là các loại sản phẩm nông nghiệp có gia trị cao, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và có truy xuất nguồn gốc.

 Đắk Nông: Nông dân đưa nông sản lên sàn TMĐT

Từ đầu năm 2022 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông đã tích cực hỗ trợ nhiều nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức tập huấn hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT cho trên 100 nông dân.Hiện nay, nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, thủ tục chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để đưa lên sàn TMĐT. Hội Nông dân tỉnh đã và đang tổ chức các đợt tập huấn về chuyển đổi số, về sử dụng sàn TMĐT, ký kết với các đơn vị tư vấn nhằm hỗ trợ nông dân thực hành, sử dụng phần mềm sàn TMĐT thuần thục.

Cao Bằng đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn TMĐT và hướng tới xuất khẩu

Tỉnh Cao Bằng đã ban hành kế hoạch số 2529/KH-UBND ngày 21/9/2021 triển khai Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21/7/2021 của Bộ TT&TT về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Theo ông Hoàng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cao Bằng cho biết, để thúc đẩy việc đưa nông sản xuất khẩu thông qua sàn TMĐT, Cao Bằng sẽ hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn TMĐT cho các hộ SXNN và người dân; thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn TMĐT, nền tảng số.

Thanh Hóa: Hơn 1000 lượt chủ thể sản xuất, kinh doanh được tập huấn bán hàng trên sàn TMĐT Postmart

Theo thống kê của Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh Thanh Hoá, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục đã phối hợp với sàn TMĐT Postmart thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội nghị hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản vận hành và bán hàng trên sàn TMĐT postmart.vn với hơn 1000 lượt chủ thể tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng hoá nông sản, thực phẩm trong tỉnh được hướng dẫn quy cách giao dịch hàng hoá trên cửa hàng số postmart.vn. Đồng thời, các chủ thể được tiếp cận với tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng hóa hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hải Dương phát sóng 2 trạm 5G đầu tiên

Trong ngày 16 và 17/9/2022, Viettel Hải Dương đã chính thức phát sóng 4 trạm 5G đầu tiên. Trước đó, căn cứ kế hoạch phân bổ của Bộ TT&TT đối với các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt trạm 5G, trong năm 2022 Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phân bổ cho chi nhánh Hải Dương 10 trạm. Dự kiến, 6 trạm phát sóng 5G còn lại sẽ được Viettel Hải Dương triển khai lắp đặt trong năm nay.

MobiFone khai trương mạng 5G tại Khánh Hòa

Ngày 22/9, Tổng công ty viễn thông MobiFone đã khai trương mạng 5G MobiFone tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Theo ông Bùi Sơn Nam, Phó TGĐ MobiFone, Nha Trang - Khánh Hòa được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước. Việc khai trương 5G tại Nha Trang không chỉ có ý nghĩa với MobiFone, mà còn với người dân Khánh Hòa. MobiFone với thế mạnh của doanh nghiệp tiên phong chủ lực về chuyển đổi số sẽ phối hợp chặt chẽ cùng UBND tỉnh Khánh Hòa mở rộng hạ tầng số, tạo lập những tiền đề quan trọng, giúp tỉnh Khánh Hòa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Cà Mau, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên: Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng

Nhằm trang bị, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên về vai trò, trách nhiệm khi tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng để từ đó phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp trên nền tảng số, vừa qua các Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Khánh Hòa, Thái Nguyên đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ số đã hướng dẫn học viên sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số như nền tảng học trực tuyến onetouch; trình duyệt Cốc cốc; MobiFone Money; giải pháp nông nghiệp thông minh; dịch vụ công trực tuyến để các đơn vị, địa phương nắm bắt các nền tảng kiến thức chuyển đổi số

Kết quả bước đầu số hóa nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên là nền tảng hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Nỗ lực xây dựng chiến lược chuyển đổi số nhằm tạo môi trường, hệ sinh thái số làm nền móng, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm quốc gia đang được các tỉnh Tây Nguyên tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Tại Đắk Lắk, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 02/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đã xác định, phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu. Tỉnh Kon Tum định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh Đắk Nông xác định nông nghiệp là lĩnh vực nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế và địa phương đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Quảng Nam: Diễn tập thực chiến đảm bảo an ninh mạng

 Ngày 19/9, gần 100 cán bộ công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam đã tham gia diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2022. Tại buổi diễn tập, các cán bộ được đào tạo về an toàn thông tin và tham gia diễn tập thực chiến.

Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, hoạt động diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin giúp lãnh đạo và đội ngũ chuyên trách nắm bắt diễn biến về tình trạng phức tạp của các cuộc tấn đang diễn ra trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao kiến thức về an toàn thông tin mạng cho lãnh đạo và cán bộ quản lý tại các cơ quan, đơn vị; giúp đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của Sở TT&TT kịp thời phát hiện những lỗ hổng về công nghệ, qua đó nâng cao năng lực xử lý, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra.

Vĩnh Long: Tập huấn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí

Ngày 21/9/2022, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí năm 2022. Tại hội nghị, Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT đã điểm qua các quy định tại quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý khủng hoảng truyền thông và mạng xã hội… đồng thời, phổ biến những kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đồng thời giúp cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí thực hiện quyền và trách nhiệm trong việc tiếp cận nguồn thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan.