Đưa 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao của các địa phương lên Postmart, Vỏ Sò trong năm nay

Đây là một mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Hiện trên 2 sàn Postmart, Vỏ Sò đã có hơn 4.500 sản phẩm OCOP.

 Cung cấp thông tin thị trường nông sản, thời tiết, mùa vụ... qua các sàn

Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 cũng hướng tới đưa 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí của kế hoạch lên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò (gọi chung là sàn thương mại điện tử).

Cùng với đó, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho 100% hộ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng trong năm 2022, các hộ sản xuất nông nghiệp trên cả nước sẽ được cung cấp những thông tin hữu ích như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông nghiệp, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân... thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.

Lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương trên cả nước.

 

Đáng chú ý, tại kế hoạch, Bộ TT&TT xác định rõ sẽ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành liên quan, trong đó đặc biệt là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh cùng các sàn thương mại điện tử trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, tiểu thương trong khu vực quản lý về các kiến thức cơ bản trong sản xuất và định hướng bán hàng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện mô hình thương mại điện tử nông thôn, kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với người mua hàng, đơn vị vận chuyển qua các sàn thương mại điện tử, tổ chức và triển khai đẩy mạnh kênh tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản chiến lược trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ - triển khai thương mại điện tử xuyên biên giới...

Hơn 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã lên sàn điện tử

110h11.png

Để hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng trên, có 6 nhóm nhiệm vụ quan trọng sẽ được Bộ TT&TT và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai trong thời gian tới gồm: Số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; Tổ chức giao dịch trên sàn thương mại điện tử; Xây dựng thói quen hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử; Tổ chức đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hộ sản xuất nông nghiệp; Tổ chức công tác truyền thông về hoạt động của kế hoạch; Cung cấp thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho hộ sản xuất nông nghiệp.

Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối, tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022. Đồng thời, hướng dẫn, kết nối các Sở TT&TT cùng các sở, ban, ngành và UBND các huyện, xã phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử để triển khai kế hoạch.

Trước đó, từ trung tuần tháng 7 đến hết tháng 11/2021, triển khai “Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” của Bộ TT&TT, 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò của 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã hỗ trợ đưa hơn 3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, đã có gần 49.000 sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn Postmart, Vỏ Sò; hơn 67.500 giao dịch được thực hiện trên sàn thương mại điện tử. Trong đó, số sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố đã được đưa lên 2 sàn Postmart, Vỏ Sò là trên 4.500 sản phẩm.

“Kết quả ban đầu kể trên đã cho thấy hiệu quả của chuyển đổi số và khẳng định vai trò của bưu chính trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia cũng như tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”, đại diện Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT nhận định.

Chia sẻ với ICTnews, đại diện Viettel Post cho hay, bên cạnh hạ tầng logistics, doanh nghiệp này đang tích cực phát triển nền tảng thương mại điện tử với định hướng đưa các sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản, hàng tiêu dùng lên sàn TMĐT, đồng thời đưa hàng hóa tới từng tỉnh, từng huyện để vừa hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, các công ty sản xuất tiêu thụ sản phẩm, vừa sẵn sàng cung ứng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng bình ổn giá tới tận tay người dân với thời gian nhanh nhất, chi phí rẻ nhất.

Với Vietnam Post, đơn vị này đã xây dựng phương án triển khai đồng hành cùng người dân và hộ gia đình nông thôn trên cả nước phát triển kinh tế với 8 chương trình hành động cụ thể: Đưa nông dân lên nền tảng kinh doanh số; Hỗ trợ tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường trong nước; Hỗ trợ xuất khẩu nông sản; Nâng cao năng lực kinh doanh cho người dân nông thôn; Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu Việt; Hỗ trợ chuyển đổi số nông thôn; Phát triển dịch vụ tài chính cho khu vực nông thôn.