Dấu ấn chuyển đổi số tại Thanh Hóa

Thanh Hóa xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số và đặc biệt quan tâm đến đầu tư, phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu rất tích cực.

thay-video-o-day00023317still029-16651921659301474084290-31-0-1036-1920-crop-1665192236833722038139.jpg 

Thanh Hóa là địa phương sớm banh hành Nghị quyết về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.

Sau khi có Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện nghị quyết, đến nay có 48/48 các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022; thành lập ban chỉ đạo các cấp; chú trọng công tác kiểm tra với quyết tâm sớm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, với quan điểm chuyển đổi số phải mang lại lợi ích thiết thực và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với anh Nguyễn Văn Minh, ở thành phố Thanh Hoá, anh Cao Thanh Khoa, ở huyện Hoằng Hoá và nhiều người dân tỉnh Thanh Hoá, chuyển đổi số không còn là chuyện xa lạ mà hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Chuyển đổi số giúp người dân thuận tiện rất nhiều khi thực hiện những thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước, bệnh viện.

“Hiện nay việc áp dụng công nghệ số vào các hoạt động trong cuộc sống, bản thân tôi thấy đáp ứng được nhu cầu, giải quyết công việc của người dân nhanh và gọn; việc tiếp đón nhân dân nhiệt tình, chu đáo, hướng dẫn thủ tục chu đáo” – anh Minh chia sẻ.

Ông Đỗ Hữu Quyết - Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đầu tư, phát triển hạ tầng trong chuyển đổi số; Thanh Hóa xác định xây dựng chính quyền số giúp phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong chính quyền số tập trung nâng cao dịch vụ công mức độ 3-4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao mức độ hài lòng đối với người dân doanh nghiệp với việc thực hiện dịch vụ nhà nước cung cấp.

“Để thực hiện tốt nhất việc phục vụ người dân, doanh nghiệp, công việc đều được cụ thể hoá bằng các quyết định, điều hành; UBND tỉnh hàng năm giao chỉ tiêu về việc giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3-4; giao chỉ tiêu về việc chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã”– ông Đỗ Hữu Quyết nhấn mạnh.

Đơn cử như việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ trên môi trường mạng, đến nay 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 99,07%, tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 98,72%; đã có sự thay đổi tích cực từ cách làm việc hành chính, giấy tờ sang điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử, công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong cơ quan nhà nước.

Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã cung cấp 159 dịch vụ công mức độ 3 và 716 dịch vụ công mức độ 4; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia 815 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa có tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,94%.

Hệ thống Cổng Dịch vụ công tỉnh, hệ thống Một cửa điện cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hoạt động ổn định, hiệu quả, công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Hay về kinh tế số, hiện 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai việc sử dụng và thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số bằng các nền tảng số Việt Nam đã có 22.673 doanh nghiệp tiếp cận, tham gia chương trình theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. 100% các doanh nghiệp, tổ chức đã sử dụng hóa đơn điện tử… Giao dịch qua thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành phương thức giao dịch khá phổ biến, được cả doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động khai thác.

Kết quả bước đầu về chuyển đổi số ở tỉnh Thanh Hoá là tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cần thiết yếu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở TT-TT Đỗ Hữu Quyết, Thanh Hóa cũng xác định còn nhiều việc phải tiếp tục triển khai và thực hiện quyết liệt hơn nữa. Trong đó, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và tham gia tích cực từ người dân, doanh nghiệp, cùng đồng hành trong thực hiện chuyển đổi số để đạt kết quả cao hơn./.

Nguồn: VOV