Đề án 1956 ở Trạm Tấu: Giúp người lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một vấn đề hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho LĐNT và trên thực tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ đó, giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định thu nhập và thoát nghèo bền vững...

img

Đồng chí Ngô Thị Chinh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan lớp dạy nghề sửa chữa xe máy tại huyện Trạm Tấu

Hơn ba năm qua, Đề án 1956 triển khai tại huyện Trạm Tấu và thu được nhiều kết quả tích cực, đồng chí Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo huyện cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả đề án trên, ngay sau khi tiếp thu văn bản của Chính phủ, của tỉnh. Huyện xây dựng đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, cụ thể từng năm, từng giai đoạn, trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của lao động ở từng cấp trình độ nghề như: học nghề thường xuyên dưới 3 tháng, sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và đại học... Tiếp đó, huyện uỷ có chương trình hành động thực hiện nghị quyết XIV Đảng bộ huyện về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, mục tiêu đến 2015 đào tạo từ 3.250 lao động trở lên, nâng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 40% theo nghị quyết. Trên cơ sở nhu cầu học nghề được lao động đăng ký, ban chỉ đạo huyện tổng hợp xây dựng kế hoạch nhu cầu đào tạo báo cáo tỉnh xem xét phê duyệt; phối hợp với các Trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Trung tâm dạy nghề và UBND các xã, thị trấn... tuyển sinh lao động tham gia học nghề ở các cấp trình độ theo nguyện vọng của lao động, đồng thời tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động”. Theo đó, năm 2013, toàn huyện có 740 lao động có nhu cầu học nghề, đã đào tạo được 446 lao động và 90 lao động liên kết dạy nghề với mô hình điểm của tỉnh 2 lớp, dạy nghề trình độ Trung cấp. Do đó, nâng tổng số lao động được đào tạo trong năm là 536 lao động, đạt 72,4% lao động có nhu cầu học nghề. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo, tập huấn luỹ kế đến cuối năm 2013 là 26,8% trên tổng số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động. Qua điều tra khảo sát, giai đoạn 2011 - 2015, tổng số nhu cầu đào tạo là 6.875 người, đến nay đã đào tạo được 2.143 lao động, trong đó dạy nghề tạo nguồn xuất khẩu lao động là 60 người. Dự báo giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện sẽ có 3.650 người có nhu cầu học nghề.

Năm 2013, phòng lao động huyện đã phối hợp với các trường, các trung tâm dạy nghề của huyện mở được 9 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 270 học viên đều là người dân tộc thiểu số và người nghèo, trong đó có 95 học viên là người nghèo, chủ yếu với các nghề nông nghiệp thường xuyên: chăn nuôi lợn, chăn nuôi thú y, trồng trọt chế biến nông sản, trồng nấm; và một số nghề phi nông nghiệp thời gian 3 tháng như sửa chữa xe máy, xây dựng. Mặc dù với thời gian đào tạo ngắn, nhưng hầu hết các học viên đã áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi, sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình. Song song với đó, ngành lao động huyện chú trọng tới vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Phối hợp với Doanh nghiệp Yên Phú đóng trên địa bàn ký cam kết 3 bên (Bên đặt hàng đào tạo, bên đào tạo và bên doanh nghiệp nhận lao động cho 30 lao động học nghề sơ cấp xây dựng; giới thiệu việc làm cho 49 lao động học nghề xây dựng làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trong huyện và 15 lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài tỉnh như: Doanh nghiệp Khang Thông 7 lao động, Nhà máy Điện Sơn La 12 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án vẫn gặp không ít khó khăn như: trình độ dân trí thấp, dẫn đến nhận thức của một số người dân còn chậm, quá trình tiếp thu kiến thức còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc áp dụng kiễn thức đã học vào thực tế chưa đạt hiệu quả cao; một số nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; địa phương không cókhu công nghiệp, các dịch vụ phát triển chậm, nên lao động thăm gia và hoạt động phi nông nghiệp còn ít; lao động nông thôn chưa coi trọng việc học nghề, nhất là các nghề phi nông nghiệp...

Để thực hiện đề án 1956 có hiệu quả hơn trong thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn để người dân nhận thức được việc học nghề mang lại cho họ cuộc sống ổn định và phát triển sản xuất; đề nghị tỉnh bổ sung thêm một số trang thiết bị; trong quá trình đào tạo cần phải có một số mô hình áp dụng, nhất là đối với một số nghề như: chăn nuôi, trồng trọt... để học viên áp dụng ngay vào thực tiễn mới đảm bảo chất lượng dạy và học”.