Sức bật làng nghề

Xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có 2/4 thôn làm nghề SX giầy, dép và được công nhận là làng nghề da giầy truyền thống.

img

 Chiếc giầy lớn nhất Việt Nam do người dân Phú Yên làm ra.

Giải quyết tốt bài toán lao động

200 hộ là đầu mối cung ứng da giầy, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động trong xã. Bởi vậy, xã đã xác định trọng tâm là phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Xuân Điền, Chủ tịch UBND xã Phú Yên, cho biết: “Bắt đầu xây dựng NTM từ năm 2011, chúng tôi đã xác định phát triển làng nghề là hạt nhân để nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, xã có 2 thôn là Giẽ Thượng, Giẽ Hạ được công nhận là làng nghề truyền thống SX da giầy. Xã cũng đã quy hoạch 30ha đất để xây dựng làng nghề phát triển bền vững”.

Theo đánh giá, có đến 50% lực lượng lao động xã tham gia vào cơ sở SX tại các làng nghề. Thậm chí, 2 thôn Giẽ Thượng và Giẽ Hạ thu hút trên 90% lao động trong tổng số lao động của thôn tham gia hoạt động SX giầy dép.

Một trong những mục tiêu trong Chương trình xây dựng NTM là phải chuyển dịch được cơ cấu lao động nông thôn sang hướng phi nông nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng NTM gắn với xây dựng làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế lẫn xã hội. Đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn.

Năm 2011, khi bắt đầu xây dựng NTM, xã Phú Yên đã đạt 8/19 tiêu chí. Trong đó tiêu chí thu nhập đã đạt trước khi xây dựng NTM, và hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. Nhà ở dân cư đều là nhà kiên cố, không có nhà tạm, nhà dột nát.

Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng làng nghề ở Phú Yên cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các hộ SX trong gia đình quy mô nhỏ bé, công nghệ SX còn lạc hậu, chậm đổi mới, ảnh hưởng không nhỏ đến SX, chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ còn chạy theo số lượng, mẫu mã chưa tự thiết kế được nên khả năng cạnh tranh còn thấp, cá biệt còn có hộ làm hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến uy tín làng nghề. Ngoài ra, trình độ quản lý của một số hộ còn yếu, chưa đáp ứng được cơ chế thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Phú Yên, chia sẻ: “Trước năm 2000, toàn bộ nguyên liệu ngành giầy đều phải đi mua, đến nay trong xã đã có nhiều hộ kinh doanh nguyên vật liệu đáp ứng được nhu cầu, giúp cho làng nghề phát triển. Hiệp hội Da giầy từ khi thành lập đã có nhiều hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Hiện tại, trong làng nghề đã có 50 hộ đăng kí nhãn hiệu kinh doanh và hằng năm cung cấp khoảng 6 triệu đôi giầy ra thị trường”.

Nan giải tiêu chí môi trường

Vấn đề khó nhất cần giải quyết ở làng nghề hiện nay là khắc phục ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc thu gom chất thải để có thể vừa phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo các tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, hướng tới phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn và phát triển nghề da giầy làm chủ đạo, có lợi thế và tiềm năng lớn tạo nên các sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh mẽ cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém, kết hợp với việc khuyến khích thành lập các DN đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ SX.

Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, xã chỉ có 8/19 tiêu chí đạt chuẩn, nhưng đến nay sau 4 năm tổ chức triển khai thực hiện với những nỗ lực của toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã, Phú Yên đã đạt được 13/19 tiêu chí.

Ngoài phát triển làng nghề, xã cũng làm tốt công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SXNN, phát huy tính tự chủ, giúp nông dân tiếp cận với kiến thức mới, lựa chọn mô hình SX có hiệu quả kinh tế cao.

Về tiêu chí văn hóa, xã có 3/4 thôn được công nhận làng văn hóa, các lễ hội và việc hiếu hỉ cũng được tổ chức văn minh, tiết kiệm. Toàn xã không phát sinh người nghiện mới, không có tụ điểm cờ bạc, mại dâm, ma túy. Các di tích lịch sử thường xuyên được quản lý và trùng tu.

Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ trẻ em tiêm chủng mở rộng đạt 100%, số người dân tham gia BHYT đạt 68%. Công tác phòng chống các loại dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường kiểm tra, không để dịch bệnh lớn xảy ra.

Với tiềm năng của làng nghề truyền thống Phú Yên, nếu có sự đầu tư đúng hướng, có những chính sách phù hợp sát thực tiễn, đặc biệt là sự quyết tâm chung tay của cả hệ thống chính trị, làng nghề sẽ vượt qua được khó khăn thách thức hiện nay để có đủ khả năng thực hiện các tiêu chí NTM một cách sớm nhất.

Nguồn: Nguồn: nongnghiep.vn