Lai Châu: Người nông dân làm kinh tế giỏi

Những năm gần đây, khu vực Bản Cắng Đắng, xã San Thàng đang trở thành khu vực sản xuất theo hướng trang trại với nhiều hộ gia đình đầu tư mua đất, cây con giống để phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá từ trang trại của mình, tiêu biểu là trang trại của anh Võ Đức Cảnh.

img

 Đàn bò của gia đình Võ Đức Cảnh.

Nhận thấy khu vực cánh đồng Bản Cắng Đắng xã San Thàng có nhiều lợi thế để phát triển trang trại như gần thành phố Lai Châu, có đường giao thông thuận lợi…, từ cuối 2009, anh Cảnh mua 4,3 ha đất để lập trang trại sản xuất. Trên diện tích đó, anh đầu tư chuồng nuôi trâu bò với quy mô 30 con theo hình thức nuôi nhốt 100%; một xưởng nấu rượu với quy mô 100 lít/ngày; 6.000m2 ao thả cá; 1,1 ha trồng cỏ VA06 để phục vụ chăn nuôi; 2.000m2 trồng hành và rau gia vị phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng. Ngoài ra, anh còn đầu tư nuôi 100 con ngan sao, 400 con gà đẻ trứng và 100 đôi bồ câu để phục vụ sinh hoạt gia đình. Tổng kinh phí đầu tư cho trang trại đến thời điểm hiện tại là trên 3 tỷ đồng.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Cảnh cho biết: “Trang trại của mình sản xuất theo một chu kỳ khép kín nhằm giảm tối đa chi phí đầu tư, tăng tỷ suất lợi nhuận. Cỏ VA06 được cắt hàng ngày, đưa vào máy thái cỏ để cho trâu bò ăn, phân trâu bò phục vụ nuôi giun quế, nước rửa chuồng hàng ngày được đưa xuống 02 hầm bioga để làm chất đốt phục vụ nấu rượu, bỗng rượu được dùng để nuôi trâu bò. Giun quế thu được để nuôi gà, ngan. Chính vì chu kỳ khép kín nên giảm được rất nhiều chi phí đầu tư, một năm mình thu được khoảng 400 triệu đồng tiền lãi”.
 
Thấy chúng tôi còn chưa thực sự  tin vào khoản thu nhập, anh chia sẻ tiếp: “Mỗi lít rượu lãi bình quân 3.000 đồng, một tháng bán bình quân 2.000 lít sẽ cho thu lãi 6 triệu đồng; 6.000m2 ao cho thu 7 tấn cá các loại/năm, cho lãi trên 200 triệu đồng; đàn trâu bò mình vừa nuôi vỗ béo, vừa nuôi sinh sản, mỗi năm cũng được trên 100 triệu đồng từ bán bê, nghé con và trâu bò trưởng thành; 2.000m2 hành và rau gia vị cũng cho bình quân 100 nghìn/ngày. Riêng thu nhập từ trứng gà, ngan sao và bồ câu chỉ để phục vụ cho sinh hoạt của gia đình, không tính vào thu nhập”. Đến đây, chúng tôi đã thật sự tin tưởng vào những gì anh nói. Quả là một con người dám nghĩ, dám làm, biết sản xuất theo một chu kỳ khép kín để tăng tỷ suất lợi nhuận, giảm tối đa chi phí đầu tư.
 
Anh Cảnh cũng là người rất chịu khó học hỏi và đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất. Toàn bộ diện tích ao nuôi cá đều được đầu tư máy sục khí và máy cho ăn tự động, vì vậy đàn cá tăng trọng khá nhanh. Hệ thống nấu rượu được trang bị máy nghiền ngô tự động và đặc biệt là máy khử andehit nên rất đảm bảo chất lượng, được khách hàng ưa chuộng. 2.000m2  rau gia vị cũng được trang bị hệ thống tưới phun mưa. Chính vì vậy đã giảm được rất nhiều công lao động, lợi nhuận lại càng tăng lên.
 
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh Cảnh cho chúng tôi biết: “Mình vừa xuống tận Học viện Nông nghiệp mua 400 cây cam V2 và cam Đường canh để trồng, sử dụng hệ thống tưới phun mưa, mình sẽ biến nơi này thành một trang trại VAC tổng hợp theo đúng nghĩa và cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng với 6.000m2 ao, do đã có kinh nghiệm và có máy sục khí, máy cho ăn tự động, thời gian tới mình sẽ tăng mật độ nuôi thả nhằm đạt được 9 - 10 tấn cá/năm”.
 
Nhờ sự cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm, giờ đây gia đình anh Võ Đức Cảnh đã trở thành một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi của xã San Thàng thành phố Lai Châu, là địa chỉ của nhiều hộ nông dân trên địa bàn đến thăm quan và học tập. Cũng từ trang trại này mà gia đình anh đã mua sắm được nhiều phương tiện đắt tiền để phục vụ sinh hoạt gia đình. Chúng tôi thầm nghĩ, mỗi thôn bản đều có những người như anh Võ Đức Cảnh thì quê hương sẽ giàu đẹp biết mấy, công cuộc xây dựng nông thôn mới chắc chắn sẽ về đích và đạt kết quả cao./.
Nguồn: Nguồn: khuyennongvn.gov.vn