Thạo nghề trồng lúa, nuôi tôm

Bà Trần Thị Giới, phụ trách Phòng Kế hoạch thông tin đào tạo (Trung tâm KN-KN Khánh Hòa) cho biết, 2 năm qua trung tâm đã tổ chức được 24 lớp đào tạo nghề.

img
Học viên được thực hành tại chỗ

2 nghề được học viên đánh giá cao và áp dụng hiệu quả là nghề trồng lúa năng suất cao và nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT).

Đối với nghề trồng lúa, học viên thực hiện thành thạo các công việc như xác định nhu cầu thị trường, lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện SX; vệ sinh đồng ruộng, làm đất để gieo trồng; nắm bắt được cách thức chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; từ đó nâng cao năng suất lúa.

Nghề nuôi TTCT học viên cũng biết xác định nhu cầu thị trường, lập kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện nuôi tôm thẻ; vệ sinh, cải tạo ao đìa; chăm sóc, phòng trị bệnh thông thường và các bệnh mới phát sinh trên tôm thẻ; vận dụng TBKT trong nuôi tôm...

“Từ năm 2012 - 2013 chúng tôi mở 9 lớp đào tạo nghề trồng lúa và nuôi TTCT cho 270 học viên, trong đó 5 lớp trồng lúa và 4 lớp nuôi TTCT tại 8 xã, phường trọng điểm với 2 nghề trên. Kết quả sau khoá học, các học viên đã áp dụng hiệu quả kiến thức đã học tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình lên đáng kể”, bà Giới chia sẻ.

Theo Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của Trung tâm KN-KN đã giúp người học nghề tiếp cận được kiến thức chuyên môn, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao biết cách làm nghề, cách hạ giá thành SX, tăng năng suất lao động và có cơ hội vào việc làm tại các DN hoặc giải quyết việc làm tại chỗ; đặc biệt góp phần hình thành các mô hình SX mới. Những nông dân đã qua đào tạo nghề đóng vai trò là lực lượng nòng cốt thúc đẩy KT-XH của địa phương phát triển.

Xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh là địa phương được Trung tâm KN-KN triển khai 2 lớp đào tạo nghề trồng lúa năng suất cao và nuôi TTCT cho 60 học viên. Việc đào tạo nghề tại chỗ với phương châm “cầm tay chỉ việc” đã giúp các học viên áp dụng thực tế rất hiệu quả.

Anh Đào Văn Tới, cán bộ khuyến nông xã Cam Thịnh Đông cho biết: “Hầu hết các kiến thức học được qua các lớp đào tạo nghề bà con đều áp dụng thành công. Như lớp đào tạo nghề trồng lúa năng suất cao hiện nay bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” rất thành thạo, vì vậy năng suất lúa đều tăng lên hàng năm. Tiêu biểu vụ ĐX vừa qua năng suất lúa tại địa phương đạt 80 tạ/ha, tăng 20 tạ/ha so với ĐX năm ngoái. Còn các hộ học nghề nuôi TTCT, sau khi khoá học kết thúc cũng áp dụng nuôi tôm có lãi”.

Anh Lê Việt Quang, học viên học nghề nuôi tôm thẻ ở thôn Hiệp Mỹ, xã Cam Thịnh Đông cho biết, Trước kia chưa tiếp cận kiến thức nuôi tôm, anh nuôi theo kinh nghiệm nên năm được năm mất. Sau học nghề đến nay gia đình anh đều nuôi tôm lãi khá. Với diện tích 3.000 m2, mỗi vụ nuôi thu lãi hàng chục triệu đồng.

"Để có được kết quả nuôi như trên, ngoài tuân thủ các biện pháp kỹ thuật từ khâu cải tạo ao đến khâu quản lý môi trường, thức ăn... thì việc tuyển chọn con giống tốt có nguồn gốc và phải xét nghiệm các mầm bệnh nguy hiểm là cần thiết, trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Quản lý thức ăn cũng là khâu quan trọng nhằm giảm chi phí SX", anh Quang chia sẻ.

Còn ông Lê Quang, thôn Mỹ Thành, học viên nghề trồng lúa năng suất cao cho biết, năng suất lúa gia đình ông đạt từ 75 - 80 tạ/ha. Riêng vụ ĐX vừa qua ông SX giống lúa Thiên ưu 8 đạt trên 93 tạ/ha, lãi từ 4 - 5 triệu đ/sào nên rất phấn khởi.

Nguồn: Nguồn: nongnghiep.vn