Nhiều cách làm hiệu quả trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, “trao cần câu” và dạy “cách câu”, đào tạo nghề cho lao động nông thôn ít nhiều đã có được những kết quả thiết thực. Nhiều lao động nông thôn đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn do Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức.

img

Niềm vui của những lao động nông thôn được học nghề tại huyện Xuyên Mộc.

Tạo việc làm ổn định

Với mục tiêu chủ yếu của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là nâng cao nhận thức của LĐNT, tăng thêm cơ hội việc làm, từ đó góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình đào tạo nghề cho LĐNT đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở các địa phương như: Nghề đan lục bình,  đan giả mây, may công nghiệp, kỹ thuật chăm sóc và cạo mủ cao su; trồng cà tím theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng lúa chất lượng cao.

Công ty TNHH Chu Lai đóng trên địa bàn huyện Long Điền đã và đang nhận đào tạo nghề cho LĐNT tại một số địa phương trong tỉnh về nghề đan bàn, ghế giả mây và hàn nhôm khung xương bàn, ghế. Ngay sau khi học xong những học viên lành nghề đã được công ty nhận vào làm việc. Người học nghề tại Công ty TNHH Chu Lai được học trên phương thức “cầm tay chỉ việc” ngay trên sản phẩm. Đến nay, công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 200 LĐNT học việc tại đây với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Trong số này có nhiều lao động là hộ nghèo, gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ… Mặc dù, chỉ mới có mặt tại BR-VT hơn 1 năm, nhưng đến nay nghề đan mặt hàng nội thất bàn ghế giả mây đã được phát triển mạnh tại một số địa phương trong tỉnh như huyện Long Điền và Đất Đỏ thu hút nhiều lao động tham gia học và làm nghề. Theo chị, Lê Thị Giang, công nhân của công ty, sau một năm được đào tạo nghề và được công ty nhận vào làm, cuộc sống của chị khá hơn nhiều và thu nhập cũng ổn định hơn so với trước đây.

Nghề đan lục bình đang đem lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn. Hiện nay, ngoài nghề đan bàn, ghế giả mây, nghề đan lục bình cũng đang rất phổ biến tại các địa phương trong tỉnh. Nếu như công nhân nghề đan các mặt hàng nội thất giả mây phải tập trung đến xưởng để làm việc thì nghề đan lục bình được các chủ cơ sở triển khai đến tận hộ gia đình, đã tạo việc làm lúc nhàn rỗi cho LĐNT, với mức thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng/người. Ông Lê Văn Đạt, chủ DNTN Hiệp Hòa (huyện Long Điền) cho biết, các sản phẩm từ đan lục bình chủ yếu là xuất khẩu, có đầu ra khá ổn định. Hiện DN đang sử dụng 400 lao động là người dân tại các địa phương như thị trấn Long Hải, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu)... với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi tháng DNTN Hiệp Hòa xuất khẩu 10 container hàng, doanh thu từ 800-900 triệu đồng/tháng. DN này đang dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm thiết bị để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Học cách làm hay

Bên cạnh các nghề phi nông nghiệp thì các nghề nông nghiệp như: trồng rau an toàn, chăn nuôi heo, trồng lúa năng suất cao, trồng hồ tiêu… được tỉnh quan tâm phát triển gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả bước đầu khi giải quyết việc làm tại chỗ cho LĐNT. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (ở xã Tam Phước, huyện Long Điền) kiếm sống bằng nghề trồng rau nhưng chỉ sản xuất dựa trên kinh nghiệm sẵn có nên kết quả hạn chế. Từ khi tham dự lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn do Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, vườn rau của gia đình chị Hoa đã đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Chị Hoa cho biết: “Từ trước tới nay, chúng tôi thường trồng rau theo kinh nghiệm, không ai nghĩ đến việc học bài bản làm gì. Được tham gia lớp học trồng rau an toàn tôi mới vỡ lẽ nhiều điều, nếu làm đúng quy trình sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất”.

Công ty TNHH quốc tế Au Well (Tân Thành) một trong những DN phối hợp đào tạo nghề LĐNT hiệu quả trong thời gian qua. 

Nhìn những bình bông, con thú, giỏ xách được kết từ những hạt cườm, khó ai đoán được sản phẩm đó được làm ra từ bàn tay của những nông dân trước đây chỉ quen cầm cuốc, cầm cày. Chị Nguyễn Thị Hạnh (ở thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) phấn khởi nói: “Hôm qua, vừa có khách tới lấy 1 lô hàng trị giá gần 40 triệu đồng để mang sang Nga làm quà”. Chị Hạnh cho biết, lúc tham gia lớp học kết hạt cườm chị chỉ mong có được nghề đủ kiếm cơm qua ngày. Ấy vậy mà những sản phẩm đầu tiên khi đưa ra thị trường đã được khách hàng ưa chuộng và đến nay, nghề này đã đem đến thu nhập cao, ổn định cho chị Hạnh cũng như nhiều LĐNT khác tại thị trấn Phước Bửu. Chị Hạnh chia sẻ: “Nghề kết hạt cườm không khó, người khéo tay thì làm ra những sản phẩm giá trị hơn, còn nếu không, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó cũng sống được với nghề”.

Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2014, tỉnh BR-VT phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 3.600 LĐNT với kinh phí hơn 9,3 tỷ đồng.  Để đạt được chỉ tiêu đề ra, tỉnh sẽ ưu tiên đào tạo những nghề phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn khu vực nông thôn, các ngành nghề gắn với việc giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung ngành đưa ra về công tác này, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong đào tạo nghề cho LĐNT.

Nhân rộng các mô hình hiệu quả

Sau khi học nghề, đối với nghề phi nông nghiệp nhiều người đã tìm được việc làm ổn định, với mức thu nhập đủ sống; nghề nông nghiệp người nông dân  đã biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động với mức thu nhập ổn định từ 2,2-3,6 triệu đồng/tháng. Hiệu quả rõ rệt của chương trình đào tạo nghề cho LĐNT là bản thân người học và gia đình của họ đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất để nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, các mô hình dạy nghề cho LĐNT đạt hiệu quả sẽ được tỉnh tiếp tục nhân rộng.

(Ông Nguyễn Bá Việt, Phó trưởng phòng dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH)

Thu nhập của NLĐ phụ thuộc vào tay nghề

Với nghề đan giả mây, việc học nghề không khó, tùy từng người mà thời gian học từ 1-3 tháng. Sau khóa học, người mới học nghề phải mất từ 1-1,5 ngày để hoàn thành một sản phẩm, còn những công nhân khéo tay và tay nghề khá có thể hoàn thành 2 sản phẩm/ ngày. Với tiền công bình quân là 140 đồng/sản phẩm, thu nhập từ tiền lương của công nhân từ 3,5-7 triệu đồng/tháng. Thu nhập của LĐNT phụ thuộc vào tay nghề của mình, nhưng sau khi học nghề có thu nhập cao, ổn định hơn so với trước đây nên họ yên tâm gắn bó với nghề.

(Chị Trương Thị Thanh Thanh, công nhân DNTN Chu Lai)
 

 

 
 

Nguồn: Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu