Phát huy hiệu quả mô hình dạy nghề gắn kết việc làm

Trong quá trình triển khai và thực hiện mục tiêu dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn, Thới Lai là huyện ngoại thành có nhiều cách làm thiết thực, giúp một bộ phận lao động có thu nhập ổn định. Mặt khác, huyện quan tâm việc liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề để duy trì và phát triển hiệu quả các mô hình nghề…

img

Chị em gia công giỏ hoa để HTX Quốc Noãn cung ứng cho các nơi trồng hoa kiểng... 

* Phát huy hiệu quả hợp tác xã

Hơn 9 giờ sáng, thành viên Hợp tác xã (HTX) Quốc Noãn, ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng rủ nhau đến cơ sở để gia công hay nhận nguyên liệu về nhà đan cần xé, giỏ hoa. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Chủ nhiệm HTX Quốc Noãn, cho biết: “Hiện HTX đang nhận hợp đồng đan 40.000 giỏ hoa lớn (cuối tháng 8 âm lịch) và 100.000 giỏ hoa nhỏ (cuối tháng 10 âm lịch) cho các nơi trồng hoa kiểng. Để đáp ứng nhu cầu cung ứng giỏ hoa đợt này, HTX huy động lao động tập trung gia công”. Nhiều phụ nữ trong ấp tham gia học nghề và hướng dẫn, truyền nghề cho con em hay chị em khác. Đối với các chị, lợi thế đầu tiên của nghề này là không phải đi xa, có thể gia công tại cơ sở hay nhận nguyên liệu về nhà. Hằng ngày, sau khi xong việc đồng áng, nhà cửa, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, các chị có thể gia công sản phẩm để thêm thu nhập, phụ lo chi tiêu gia đình. Chị Nguyễn Thị Thảo cho biết: “Tôi biết và sống nhờ nghề chằm nón khoảng 5 năm. Năm 2013, tôi sắp xếp việc nhà, tham gia học thêm nghề đan cần xé và nhận nguyên liệu về nhà làm. Hiện nay, tôi tranh thủ nhận đan giỏ hoa cho HTX, kiếm thêm khoảng 50.000 đồng/ngày”. Chồng chị Thảo làm nghề bốc vác, thu nhập không thường xuyên, chị phải làm thêm để có tiền lo cho 2 con còn đi học. Còn chị Hồ Thị Cà Xem, chồng làm nghề bán bánh mì dạo, thu nhập 40.000 đồng/ngày, không đủ chi tiêu hằng ngày. Vì vậy, ngoài việc làm 3 công ruộng, chị Xem theo học và làm nghề đan giỏ hoa, kiếm tiền chăm lo các con học hành.

Cũng như nhiều gia đình ấp Trường Bình hành nghề đan cần xé truyền thống mấy đời, ông Nà tiếp nối nghề, duy trì cơ sở sản xuất, sản phẩm tiêu thụ nhiều nơi. Trước đây, các công đoạn làm thủ công nên năng suất chưa cao, thu nhập người lao động chỉ đủ sống. Năm 2013, HTX Quốc Noãn thành lập và đi vào hoạt động với 22 xã viên, chuyên sản xuất, gia công thủ công mỹ nghệ; sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình, dây nhựa. Để nâng chất lượng nguồn lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai kết hợp Trường Trung cấp Nghề (TCN) Thới Lai tổ chức 2 lớp nghề đan cần xé và giỏ hoa cho 70 lao động, cơ bản đáp ứng nguồn nhân công để gia công giỏ hoa các loại theo đơn hàng. Ông Đào Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường TCN Thới Lai, cho biết: “Nghề đan giỏ hoa là sáng kiến của HTX tận dụng phần lõi trong của tre, trúc (phần vỏ cứng bên ngoài để đan cần xé), trước đây không sử dụng, để đan các loại giỏ hoa, cung ứng cho các địa phương chuyên trồng hoa kiểng, phục vụ các dịp lễ, Tết, với sức tiêu thụ thường xuyên, dồi dào”.

HTX Phú Thọ, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai duy trì khá tốt các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm. Hằng năm, HTX Phú Thọ tham gia dạy nghề cho lao động các xã, thị trấn. Năm 2014, HTX dạy 2 lớp nghề may gia dụng cho 70 phụ nữ 2 xã Trường Xuân và Trường Xuân A và chị em đang may gia công giày thể thao học sinh, phục vụ nhu cầu khai giảng năm học mới với nguồn hàng khá dồi dào. Theo Ban Chủ nhiệm HTX Phú Thọ, hoạt động HTX từng bước ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều chị em. Từ khi thành lập đến nay, HTX chủ động tìm nguồn liên kết, hợp đồng may gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân. Hiện nay, thu nhập của các chị dao động từ 1,2 -2,5 triệu đồng/tháng”. Trên thực tế, HTX không ngại thiếu hàng hóa mà lo nguồn lao động không đủ đáp ứng yêu cầu số lượng các đơn hàng. Chính vì thế, HTX mong được ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện để HTX mở thêm một số lớp may gia dụng. giúp lao động làm quen quy trình may công đoạn, chuẩn bị dần nguồn lao động.

* Tạo điều kiện để phát triển

Bà Phan Kim Hồng, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, cho biết: Xác định mục tiêu ổn định việc làm, thêm thu nhập cho lao động nông thôn là góp phần giảm nghèo hiệu quả, bền vững, thời gian qua, huyện chú trọng phối hợp với các xã, thị trấn cũng như cơ sở dạy nghề xây dựng mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, trong đó, phát huy khá tốt lợi thế 2 HTX trên địa bàn. Từ khi HTX Quốc Noãn hoạt động, đã tiếp nhận sự quan tâm hỗ trợ của ngành chức năng như: Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức dạy nghề, Sở Công thương thành phố, Liên minh HTX hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo điều kiện vay vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm. Đối với HTX Phú Thọ cũng được huyện quan tâm dạy nghề, địa phương tạo điều kiện bố trí địa điểm mở lớp nghề; mặt bằng lắp đặt máy may công nghiệp…

Theo bà Phan Kim Hồng, việc phát triển nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm và sử dụng hiệu quả nguồn lao động tại chỗ, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan, xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động. Phòng LĐ-TB&XH đang rà soát, thống kê các mô hình dạy nghề còn duy trì việc làm hiệu quả (chằm nón, đan rổ, sề…) tổ chức thành tổ, nhóm nghề để tập hợp lao động, mới có thể lập kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Thời gian tới, với chức năng của mình, ngành LĐ-TB&XH huyện quan tâm tạo điều kiện thuận lợi như: dạy nghề và thực hiện chính sách Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để các HTX hoạt động ổn định, tạo hiệu quả việc làm lâu dài. Trước mắt, huyện mở các lớp nghề đan giỏ hoa cho các xã: Trường Thắng, Trường Xuân, Trường Thành; nghề may ở các xã có nhu cầu… tăng cường nguồn lao động có tay nghề cho các HTX; giới thiệu vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển mô hình…

Theo ông Hồ Thanh Hải, Quyền Trưởng phòng Quản lý Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thời gian qua, huyện Thới Lai đã triển khai thực hiện khá hiệu quả công tác dạy nghề cũng như chủ động xây dựng và phát huy các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ. Thành phố đánh giá cao việc huyện chủ động kết hợp và phát huy hiệu quả hoạt động HTX để tập hợp lao động tham gia sinh hoạt, tạo việc làm, thu nhập ổn định cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng. Sắp tới, huyện cần tạo điều kiện để các HTX mở rộng giới thiệu, gia công và cung ứng sản phẩm đến nhiều địa phương; nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với việc làm cũng như xây dựng kế hoạch phát triển nghề truyền thống phù hợp điều kiện địa phương.
 

Nguồn: Nguồn: Báo điện tử Cần Thơ