Đẩy mạnh nhân rộng mô hình dạy nghề an toàn

Từ mô hình điểm tại Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch đến nay, dạy nghề an toàn đang được nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề hướng tới. ​Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng dạy nghề Sở LĐ-TBXH cho biết, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển, các trường, cơ sở dạy nghề hiện rất quan tâm đến công tác an toàn trong dạy nghề và coi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút người học đến các trường nghề.

img
Mô hình dạy nghề điện tử an toàn tại Trường cao đẳng nghề Đồng Nai

Từ mô hình điểm

Cuối năm 2011, Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch được Bộ LĐ-TBXH giao đào tạo 3 nghề trọng điểm quốc gia gồm: điện dân dụng; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; xử lý nước thải công nghiệp và môi trường. Ngoài ra, nhà trường còn phải đảm bảo các điều kiện cho việc đào tạo nghề an toàn. Đây cũng là đơn vị thí điểm mô hình dạy nghề an toàn đầu tiên của tỉnh nên Bộ đã hỗ trợ huấn luyện cho 15 giảng viên của trường với các nội dung về an toàn trong dạy nghề và an toàn lao động (ATLĐ); thiết kế các mô đun dạy nghề an toàn; hướng người học nghề phải nâng cao tay nghề bền vững, chỉ an toàn lao động mới sản xuất và ngược lại…

Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến nay, 100% giáo viên trong trường đều ý thức tốt công tác dạy nghề phải an toàn. Mặt khác giáo viên nhà trường khi tham gia thực tế tại doanh nghiệp thì khâu an toàn lao động, an toàn dạy nghề được đặt lên hàng đầu, là bài thực hành đầu tiên trước khi học kỹ năng nghề.

Giảng viên Vũ Xuân Hà, Trưởng khoa Điện, người trực tiếp giảng dạy mô đun 30 tiết gồm an toàn điện, cơ khí, ô tô và an toàn lao động cho biết, khi giảng dạy mô đun này, tất cả người học cũng như người dạy phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Trước khi giảng dạy, thầy Hà đã cùng một số giáo viên đến thực tế tại các doanh nghiệp chuyên điện và cơ khí, ghi lại các hình ảnh cần thiết về phương pháp làm việc an toàn, những khu vực dễ xảy ra mất an toàn… rồi trình chiếu và yêu cầu người học xem, bình luận, rút kinh nghiệm và viết thu hoạch đề xuất phương pháp cải tiến giảm thiểu tai nạn lao động (TNLĐ) trong quá trình học nghề và làm việc tại doanh nghiệp. Những bài thu hoạch tốt được giới thiệu cùng các thiết bị dạy nghề để học viên được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.

Chị Nguyễn Thị Kim Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, từ thực tiễn trong doanh nghiệp và tình trạng mất an toàn lao động thời gian qua đang đặt ra việc dạy nghề an toàn ngay trong chính các trường nghề, các cơ sở đào tạo nghề. Vì đặc trưng học nghề khác xa so với học văn hóa là học viên tiếp xúc với rất nhiều loại máy móc, thiết bị, nếu không có phương pháp dạy an toàn, thực hành chính xác sẽ rất dễ xảy ra TNLĐ.

Từ kết quả ban đầu, Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch còn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo công tác an toàn lao động và tác phong công nghiệp. Đến nay, đã có trên 4.500 lượt người tại các doanh nghiệp ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa được hỗ trợ đào tạo nghề an toàn. Kết quả của chương trình này giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn mô hình ATLĐ, giảm thiểu TNLĐ và quản lý mô hình “5S” cũng như góp phần vào việc đánh giá ISO về chất lượng và môi trường tại doanh nghiệp.

Nhân rộng mô hình

Theo ông Mao Quốc Trung, hiện nay chưa thực hiện bài bản như Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch nhưng hầu hết các trường, các cơ sở dạy nghề đều quan tâm đến mô hình dạy nghề an toàn, vệ sinh công nghiệp. Ông Đào Công Đức, chuyên gia huấn luyện tay nghề cho học viên tham gia dự thi tay nghề ASEAN nói: “Trong công tác huấn luyện nói riêng, dạy nghề nói chung, chúng tôi đánh giá cao công tác an toàn và vệ sinh công nghiệp; các bài dự thi của học viên được đánh giá cao khi các em đảm bảo tốt yếu tố chất lượng và an toàn. Do vậy, dù một bài thi hàn công nghệ mới với thời lượng lên đến 17 giờ nhưng cả giảng viên và học viên đều không bỏ qua khâu vệ sinh công nghiệp và an toàn”.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ giới và thủy lợi cho rằng, một trong những mục tiêu nhà trường hướng đến nhằm xanh hóa trong dạy nghề là phải đảm bảo công tác an toàn. Đây cũng là điều kiện mà tổ chức dạy nghề của Đức coi trọng khi lựa chọn nhà trường tham gia mô hình “Xanh hóa trong dạy nghề”. Cũng theo ông Chương, ở giai đoạn đầu, nhà trường tập trung dạy nghề an toàn vào 6 nghề được đầu tư trọng điểm quốc gia gồm: cắt gọt kim loại; vận hành máy thi công nền; điện công nghiệp; công nghệ ô tô; vận hành cần, cẩu trục và xếp dỡ cơ giới tổng hợp nằm trong dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề. Tổng kinh phí trên 524 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cấp trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2014 - 2015 và các nguồn vốn hợp pháp khác… Đây là cơ sở để nhà trường hướng tới mục tiêu “xanh hóa” trong dạy nghề.

Doanh nghiệp phản hồi tích cực

Theo thống kê tại 3 bệnh viện lớn gồm: Việt Đức (Hà Nội), Trung ương Huế và Chợ Rẫy do Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Bộ Y tế tổ chức khảo sát cho thấy: TNLĐ những năm gần đây chỉ đứng sau TNGT, mà nguyên nhân chính là do người lao động và người sử dụng lao động không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Cốt lõi của nguyên nhân đó chính là thiếu sự đào tạo bài bản cả lý thuyết và thực hành. Khi mô hình an toàn trong dạy nghề được triển khai tại Trường cao đẳng nghề Long Thành - Nhơn Trạch thì ngay lập tức nhận được ý kiến phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Phú, đại diện Công ty đầu tư xây dựng IDICO - UDICO nhìn nhận, với đặc thù của doanh nghiệp chuyên về xây dựng, đầu tư nhà nên yêu cầu an toàn khá nghiêm ngặt. Khi phối hợp với nhà trường, đội ngũ giảng viên tiến hành khảo sát, ghi hình, chụp ảnh tại doanh nghiệp trước 1 ngày và tổ chức huấn luyện hơn 1 tuần. Trong chương trình huấn luyện, người lao động trực tiếp làm việc tại những vị trí có nguy cơ cao về TNLĐ nhìn thấy những nguy cơ mất an toàn nên đã thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) mà không cần doanh nghiệp nhắc nhở.

Anh Trần Minh Toàn, đại diện một doanh nghiệp xây dựng tại KCN Sóng Thần, Bình Dương cho biết: “Qua vụ sập căn nhà 4 tầng ở Bình Dương vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mất an toàn trong lao động. Do vậy, khi nhiều trường trên địa bàn Đồng Nai chú trọng yếu tố an toàn trong đào tạo nghề, chúng tôi rất yên tâm khi nhận đội ngũ này về làm việc. Đây cũng là cách đào tạo nguồn nhân lực toàn diện trong quá trình phát triển…”.

Bà Mai Thị Tuyết, Chánh thanh tra, Sở LĐ-TBXH cho rằng, dạy nghề an toàn hiện chưa được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Các cơ sở, trường dạy nghề mới chỉ kết hợp trong các nội dung giảng dạy các nghề như điện, cơ khí sửa chữa, cắt gọt kim loại. Sự thành công bước đầu của Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch và khoảng 15 trường dạy nghề trên địa bàn là điều kiện để thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các trường, các đơn vị dạy nghề triển khai thành nội dung quan trọng trong quá trình đào tạo và coi là một trong những chuẩn về chất lượng nguồn nhân lực sau dạy nghề. “Một thực tế nữa phải nhìn nhận là hằng năm, tỉnh Đồng Nai luôn đứng ở hạng cao về TNLĐ, trong đó ngoài nguyên nhân người sử dụng lao động và người lao động chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình về an toàn thì vấn đề trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cho người lao động chưa được triển khai bài bản”, bà Tuyết cho biết.

Ông Hoàng Ngọc Chanh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cơ giới và thủy lợi cho hay: Một trong những yếu tố để thực hiện “Xanh hóa” đào tạo nghề hay “Tiến trình đào tạo xanh” là khâu an toàn lao động, an toàn chung trong quá trình dạy nghề, bởi khi học nghề, học viên tiếp xúc nhiều với các loại máy móc thiết bị, nếu không được trang bị tốt kiến thức về an toàn thì nguy cơ TNLĐ rất dễ xảy ra. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến TNLĐ trong quá trình sản xuất thường gia tăng trong những năm gần đây…

Nguồn: Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai