Quảng Ninh: Nhờ Đề án 1956 nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng

Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) là chương trình lớn của Chính phủ được triển khai từ năm 2010. Quảng Ninh là địa phương có địa bàn rộng; 8/14 huyện, thị xã, thành phố là miền núi, biên giới, hải đảo nên việc triển khai Đề án gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đã được mở và không ít người dân nông thôn, miền núi đã mạnh dạn nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

img

Nhiều lao động ở nông thôn sau khi được tham gia các lớp dạy nghề đã tìm kiếm được việc làm cho thu nhập ổn định. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2010 đến nay, trên toàn tỉnh đã mở được 316 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, có 10.654 lao động tại 14 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn được đào tạo nghề gồm nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Nuôi lợn rừng, chế biến món ăn, kỹ thuật lâm sinh, trồng nấm rơm, vận hành lái xe ô tô, trồng rau và hoa, chăn nuôi gia súc và gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, làm gốm thô…

Các lớp đào tạo nghề đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến các xã, thị trấn, của người lao động và của các cơ sở dạy nghề. Sau khi được đào tạo người lao động không chỉ được trang bị kiến thức nghề mà còn có khả năng tìm tòi những kiến thức mới thông qua các kênh thông tin khác. Cũng theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, qua 3 năm triển khai Đề án, toàn tỉnh đã có 200 hộ nghèo có người tham gia học nghề được thoát nghèo; 734 hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ khá; 1.459 lao động nông thôn sau khi học nghề đã chuyển sang làm lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tuy vậy, hiện nay việc tuyên truyền các chính sách liên quan đến hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến người dân còn gặp nhiều khó khăn. Các xã vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt, thời gian đào tạo phải theo quy trình, đào tạo tập trung cũng là một cái khó với bà con. Sự phối hợp giữa các đơn vị, ngành chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng các đơn vị chưa nắm chắc nhu cầu nhân lực cần đào tạo nghề ở từng lĩnh vực (nông nghiệp, phi nông nghiệp, làng nghề…), từng vùng, từng địa phương, khu công nghiệp. Ở một số địa phương việc xác định nghề đào tạo chưa phù hợp dẫn tới tình trạng nội dung chương trình đào tạo còn quá rộng, chưa phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu kỹ năng nghề của thị trường lao động ở nông thôn. Bên cạnh đó, việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khoá học cho lao động nông thôn học nghề nông nghiệp gặp khó khăn. Nguyên nhân là do chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ tự sản, tự tiêu; một số lớp chưa gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.