Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Biện pháp hiệu quả làm giảm tiêu thụ thuốc lá

Thứ ba, 02/10/2018 10:20

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hơn 50 nghìn tỷ đồng cho thuốc lá và khắc phục hậu quả do thuốc lá gây ra. Một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên là áp dụng các biện pháp kinh tế.

20181002-m06.jpg
 
Ths. BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc HealthBridge Canada phát biểu tại Hội thảo
 
Đây là một trong số các nội dung tại hội thảo cung cấp thông tin về phòng chống tác hại thuốc lá, tập trung vào giải pháp tăng thuế trong phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada tổ chức ngày 25/9 vừa qua.
 
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm tăng giá thuốc lá là một giải pháp hiệu quả, chiếm 60% trong trong tổng số các giải pháp, nhằm giảm sức mua thuốc lá và ngăn ngừa bệnh tật, tử vong do thuốc lá, Theo Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới, tăng thuế ở mức làm giá thực của thuốc lá tăng lên 10% sẽ giảm tiêu dùng thuốc lá ở mức 5% ở các nước đang phát triển, và giảm tiêu thụ thuốc lá tới 10% ở trẻ em và người nghèo.
 
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá ở Việt Nam hiện áp dụng ở mức 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là “tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ”, tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 36% giá bán lẻ thuốc lá. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với trung bình thế giới (56%), thấp hơn đa số các nước ASEAN (Thái Lan 73%, Singapore 66%, Brunei 62%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (70%). Vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất, với mức giá tính theo đô la quốc tế ngang bằng sức mua (đô la PPP) đứng thứ 19 trên 20 nước có số liệu ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
 
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân” được đăng tải lấy ý kiến lần đầu ngày 18/09/2017 đề xuất: Từ 1/1/2020: Áp dụng thuế TTĐB hỗn hợp, bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành, bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu; 15.000 đồng/điếu xì gà.
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng theo đề xuất trên có tác động giúp giảm 1,5% tỷ lệ hút thuốc lá và tăng thu cho ngân sách khoảng 3.949 tỷ đồng. Tuy nhiên như vậy mới chỉ giúp đạt ¼ mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc vào năm 2020. Mô hình ước tính cho thấy để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, cần áp dụng mức bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 VNĐ/bao thuốc. Khi đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới có thể giảm 6,3%, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2020, tăng doanh thu thuế thuốc lá thêm 10.700 tỷ đồng/năm và giúp tránh được 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc.
 
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế ủng hộ đề xuất tăng thuế TTĐB thuốc lá với phương án bổ sung thuế tuyệt đối của Bộ Tài chính, vì thuế tuyệt đối có tác động lên giá bán một cách chắn chắn hơn, tránh được hiện tượng chuyển giá của nhà sản xuất, giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, giảm các sản phẩm thuốc lá giá siêu rẻ, đem lại tác động đến mục tiêu y tế công cộng tốt hơn, cụ thể giảm tỷ lệ hút thuốc nhiều hơn,  hiệu quả cao hơn trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất thuế TTĐB với thuốc lá cần được tăng ít nhất ở mức 5.000 đồng/bao thuốc để có thể giảm được đáng kể tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến năm 2020.
Đức Hải
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top