Đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá chịu sự giám sát của luật pháp

Thứ bảy, 26/11/2022 11:17

Ngày 24-11, tại Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới”. Làm thế nào để mặt hàng này sớm chịu quản lý dưới luật là vấn đề các chuyên gia đặt ra, từ đó đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho cộng đồng, xã hội.

1-1-Thuốc-lá-.jpg
ảnh minh họa
Phải quản lý bằng pháp luật
 
Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, từ năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Cho đến nay, tiến độ xây dựng, thống nhất ý kiến giữa các bộ để trình Chính phủ xem xét, thông qua đã là muộn. Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá vẫn chưa hoàn thiện để trình Chính phủ.
 
Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng tội phạm trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử, hướng vào học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp. Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thuốc lá làm nóng/nung nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đối với thuốc lá điện tử thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, pháp luật hiện nay chưa có quy định. Đến nay, thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp.
 
Ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đánh giá: Hiện nay, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp nhận một số sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử “hệ đóng”. Trên thế giới, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu… đã chấp nhận cho tiêu dùng thuốc lá làm nóng trên thị trường. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu đã hiện hữu nhiều năm nay nên không thể cấm được. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng đối với mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng.
 
Cùng quan điểm, ông Lê Thành Hưng, Phó Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm (Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) nêu rõ: “Đối với thuốc lá làm nóng là sản phẩm có điếu thuốc được chế biến từ thuốc lá, tách riêng với thiết bị làm nóng, có thể được xác định là dạng khác của thuốc lá. Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương là việc quản lý thuốc lá làm nóng cần thực hiện theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật hiện hành. Bộ cũng tích cực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nhóm thuốc lá thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, cuối năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng, bao gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật”. 
 
Sớm sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP
 
Về vấn đề nêu trên, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghệ thực phẩm (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết: “Trong tháng 10-2022, Bộ Công Thương đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế cùng các cục, vụ để thống nhất một số nội dung liên quan đến sửa đổi nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP. Dự kiến trong tháng 12, sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Y tế, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo nghị định mới. Đây cũng là căn cứ để giúp công tác quản lý nhà nước về thuốc lá trong thời gian tới được thuận tiện và hiệu quả hơn”.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ Pháp luật, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần đặt mình vào vị trí của người dân nói chung, người hút thuốc trưởng thành nói riêng. Nếu đặt đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường “chợ đen”, và xem xét từ góc độ quyền lợi của người tiêu dùng, cách tiếp cận bảo vệ sức khỏe cộng đồng có thể nhận ra người hút thuốc trưởng thành chưa được đối xử công bằng, bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe. Như vậy, người hút thuốc hợp pháp có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới ít tác hại hơn thuốc lá điếu. Đáng tiếc, những điều luật bảo vệ con người này dường như đang bị “bỏ quên” trong trường hợp thuốc lá thế hệ mới, khiến người hút thuốc phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hệ lụy không mong muốn.
 
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) đánh giá: “Hiện nay, Bộ Công Thương được giao chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP. Nghị định sửa đổi, bổ sung đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Qua nghiên cứu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bên cạnh phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, Bộ Công Thương có thể bổ sung nội dung về quản lý thuốc lá thế hệ mới vào trong nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67/2013/NĐ-CP, đáp ứng nhu cầu quản lý”.
 
Nhấn mạnh quản lý cũng đồng thời là cách tối ưu để kiểm chứng thực tiễn và toàn diện các tác động của sản phẩm này trên nhiều mặt, khi ngày càng nhiều người hút thuốc tìm đến các sản phẩm này như giải pháp giảm tác hại, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, càng triển khai sớm biện pháp quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, chính sách kiểm soát thuốc lá quốc gia sẽ càng hoàn thiện, đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho cộng đồng, xã hội.
 
Hà Phong (nguồn: hanoimoi.com.vn )
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top