Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06, hoàn thành trong quý I năm 2024

Thứ tư, 17/01/2024 11:22

(Mic.gov.vn) - Ngày 10/01/2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 06/TB-VPCP kết luận Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06, hoàn thành trong quý I năm 2024- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án 06 (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Thông báo khẳng định việc triển khai Đề án 06 là hoàn toàn đúng đắn, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp điều kiện của Việt Nam, đến nay đã mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quản trị quốc gia bằng kỹ thuật số, quản trị thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 chỉ thị, 23 nghị quyết, 04 công điện với 413 nhiệm vụ; lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì họp 33 buổi họp với một số bộ, ngành và địa phương. Mô hình Tổ công tác triển khai Đề án 06 ba cấp với 63 tổ công tác cấp tỉnh, 705 tổ công tác cấp huyện và 10.599 tổ công tác cấp xã. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về thực hiện Đề án 06 ngày càng được nâng cao, đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước (sửa đổi); hoàn thành 04 văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2,5 nghìn tỷ đồng.

Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với CSDL của các bộ, ngành, địa phương. CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông, đã có hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Bên cạnh đó, các CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư.

Tạo lập nền tảng quan trọng hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân trong độ tuổi; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID)…

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân được được quan tâm, chú trọng. Hiện có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 32,5% so với năm 2022.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, nhất là vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều nhiệm vụ đề ra triển khai còn chậm. Hiện còn 9 nhiệm vụ chậm tiến độ. Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai Đề án 06 còn chậm, đặc biệt là tiêu chuẩn, định mức liên quan đến hoạt động công nghệ thông tin chưa rõ ràng, minh bạch. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức. Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ (còn 558 thủ tục hành chính chưa đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ). Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (Chỉ tiêu năm 2023 là 100%; đến nay các bộ, ngành mới đạt 28,84%, các địa phương mới đạt 37,38%). Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, còn vùng lõm sóng, thiếu điện. Hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện có 11/22 hệ thống của các bộ, ngành chưa đảm bảo về an toàn thông tin, an ninh mạng. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế.

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ùng với lực lượng công an quyết tâm chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 09 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 16 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương tập trung triển khai giải quyết các nhiệm vụ chậm, muộn, đặc biệt là hoàn thành việc xây dựng, thống nhất quy trình, tiêu chuẩn, định mức thực hiện công nghệ thông tin. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện.

Yêu cầu 14 Bộ, cơ quan: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an rà soát, thống nhất phương án, lộ trình xử lý đối với các thủ tục hành chính chưa hoàn thành thực thi tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân giai đoạn 2017-2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2024.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024, cụ thể như sau:

- Ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, hoàn thành trong tháng 01 năm 2024.

- Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06, xây dựng các Nghị định liên quan, trong đó tập trung vào kết nối dữ liệu dân cư với dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu. Hoàn thành trong Quý I năm 2024.

- Tập trung đẩy mạnh nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

- Thúc đẩy cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VneID.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo công tác này./.

KSTTHC - VĂN PHÒNG BỘ TTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top