Thánh đường hơn 100 tuổi ở Ninh Bình, kiệt tác tôn giáo ai đi qua cũng khen tráng lệ, cổ kính, tôn nghiêm

Thứ hai, 18/09/2023 22:00

Qua chiếc cổng chào được xây dựng kiên cố có dòng chữ "Huyện Kim Sơn kính chào quý khách", người ta có thể nhìn thấy tháp chuông của nhà thờ Tôn Đạo hiện lên từ phía xa xa. Trong ánh nắng, ngôi Thánh đường được thiết kế theo phong cách châu Âu càng thêm vẻ cổ kính, tráng lệ...

h58.jpg

Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ hơn 100 năm tuổi ở Ninh Bình

Nhắc đến nhà thờ Thiên Chúa giáo nổi tiếng ở Ninh Bình, hẳn ai cũng biết nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, nhưng có một nhà thờ khác mà ai có dịp đi qua cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp cổ kính, kiến trúc độc đáo không khác gì các nhà thờ nguy nga ở châu Âu, đó là nhà thờ Tôn Đạo.

Giáo xứ Tôn Đạo thuộc Giáo phận Phát Diệm, được thành lập năm 1865, nhưng phải đến năm 1922 thì Nhà thờ Tôn Đạo mới được khởi công xây dựng tại xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ được xây dựng trên khuôn viên rộng 23.760m2, nằm sát Quốc lộ 10, và phải mất tới 14 năm mới hoàn thành. 

Thánh đường của nhà thờ Tôn Đạo có chiều dài 52m, rộng 25m và tháp chuông cao 35m. Tháp chuông được thiết kế hình lục lăng. Tại tầng 3 của tháp được treo 3 quả chuông gắn với 3 chiếc bánh đà có dây kéo. 

Theo đó, vào lễ thường nhà thờ sẽ kéo 3 hồi chuông với 2 quả chuông nhỏ. Khi có lễ trọng, đại lễ như Giáng sinh, Phục sinh…, nhà thờ sẽ kéo 3 hồi chuông với cả 3 quả chuông, tạo thành khúc nhạc của bài thánh ca “Kính mừng Maria". 

Kiến trúc sư của công trình này đã sử dụng vô cùng sáng tạo mái vòm có sườn và trụ bay, cửa sổ bông gió và kính màu, cùng với các bức tranh và bức vẽ trong nhà thờ làm cho Thánh đường này mang vẻ đẹp khác biệt với phong cách kiến trúc Roman trước đó. 

Từ cửa chính đến cuối nhà thờ, các trụ cột, gian cung thánh đều được thiết kế vô cùng cầu kỳ, với những nét hoa văn tinh xảo mang đậm kiến trúc Gothic phương Tây. 

Mặt tiền nhà thờ có 3 cửa ra vào làm bằng gỗ quý, được điêu khắc chạm trổ vô cùng tinh xảo. Hoa văn chính trên cánh cửa gỗ là hình ảnh hoa cúc, hoa huệ, cành vạn tuế, những chú hươu, nai, chim chóc..., gợi lên một khung cảnh như trong Vườn địa đàng. 

Bên trên phía cửa chính của Nhà thờ là bức tranh Thánh Giuse đang bế chúa Giesu, gắn với một bí tích trong Kinh thánh. Tương tự, hai bên cửa chính là 2 cửa phụ, cũng đều được chạm trổ tinh vi như vậy. 

Cảm giác đầu tiên của hầu hết du khách khi bước vào nhà thờ là sự choáng ngợp trong một không gian rộng lớn, sâu hút và đặc biệt linh thiêng. Cảm giác đó có được là nhờ trần nhà thờ thiết kế mái vòm hình gọng vó, tạo thành không gian rộng lớn và thoáng mát. Ngước nhìn về phía cuối nhà thờ là Cung thánh đang tỏa sáng lung linh dưới ánh đèn chùm. 

Bên trong nhà thờ, phía tay trái vẫn giữ nguyên tòa giảng được xây bằng xi măng, hơi nhô ra khu vực giữa nhà thờ. Việc thiết kế đặc biệt này đã giúp những nhà truyền giáo chỉ cần đứng tại bục giảng giữa nhà thờ nói là cả nghìn giáo dân cũng nghe rõ mà không cần hệ thống âm thanh như ngày nay.  

Dọc 2 bên tường của nhà thờ treo hàng chục bức tranh ảnh và tượng Chúa minh họa theo Thánh kinh. Vào mỗi dịp lễ quan trọng, ví dụ như Giáng sinh, Phục sinh, hay dịp Tết cổ truyền, nhà thờ cũng thường trang trí rất nhiều bức tranh, lời răn dạy trong Kinh thánh. 

Phía trên Cung thánh đặt bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm bế Chúa Giesu hài đồng - đây cũng là Quan thầy của nhà thờ, 2 bên là tượng 2 thiên thần cầm nến chầu. Quanh bức tượng Đức Mẹ phủ đầy các họa tiết được thiếp vàng, khiến cho khu vực này luôn tỏa sáng rực rỡ. 

Theo vị linh mục Chánh xứ, tượng Đức Mẹ bao giờ cũng được đặt ở những vị trí tôn nghiêm trong nhà thờ, nơi dễ thấy nhất đối với những người lần đầu bước vào nhà thờ, cũng như những người thường hành lễ trong nhà thờ. Vì đó là nơi thể hiện sự tôn kính với tượng Đức Mẹ cũng như thể hiện lòng thành của người có đạo Công giáo.

Trong khi đó, phía sau khuôn viên nhà thờ có một bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi, với kích cỡ khá lớn. Đứng dưới bức tượng đang nhuốm màu thời gian này, cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng. Hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi bế Chúa Giesu được khắc họa vô cùng bi thương, thể hiện nỗi đau của Đức Mẹ khi ôm lấy Chúa Giesu sau khi Chúa bị đóng đinh trên thánh giá. 

Bức tượng được làm khéo léo đến nỗi ai ngắm cũng thấy gợi lên sự mất mát và đau khổ mà Đức Mẹ phải trải qua, đó cũng là biểu tượng của lòng yêu thương, hy sinh và sự bất diệt của tình mẫu tử.

Theo cập nhật của Giáo phận Phát Diệm, thời điểm năm 2020 giáo xứ Tôn Đạo có 2.350 tín hữu, sinh hoạt tại 6 giáo họ và các giáo họ này đều có nhà thờ riêng. 

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, toàn huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có 33 giáo xứ, 152 nhà thờ với khoảng 80.000 giáo dân, chiếm 46,3% tổng dân số toàn huyện. Kim Sơn cũng là huyện có tỷ lệ giáo dân lớn nhất so với các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước.

Những năm qua, bà con giáo dân tại xã Ân Hòa cũng như địa bàn huyện Kim Sơn đã tích cực thi đua lao động sản xuất, sống tốt đời, đẹp đạo, cùng nhau đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. 

Các xứ họ đạo đã xây dựng quy ước, hương ước không có người vi phạm pháp luật. Các vị linh mục, ban đại diện giáo dân đã phối hợp với chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các ngành liên quan giải quyết những xung đột, bức xúc ở địa bàn các khu dân cư; kịp thời khuyên răn, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng... 

Theo danviet.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top