Vân Đồn: Sẵn sàng, chủ động, đổi mới, sáng tạo thực hiện chuyển đổi số toàn diện

Thứ sáu, 21/07/2023 20:29

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2022, định hướng đến năm 2030", bằng nhiều giải pháp đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện, đến nay huyện Vân Đồn đã đạt nhiều kết quả tích cực.

TP-Hạ-Long-đang-nỗ-lực-đẩy-mạnh-chuyển-đổi-số-trên-cả-3-trục-là-chính-quyền-số,-kinh-tế-số-và-xã-hội-số-1.jpg

Chỉ đạo sát sao

Năm 2023 là năm thứ hai thực hiện chuyển đổi số toàn diện tất cả các lĩnh vực, huyện tiếp tục triển khai với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tư duy thay đổi và tiên phong trong đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xác định sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, huyện chỉ đạo quyết liệt triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của năm trước, vận dụng phù hợp với đặc thù của huyện, thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính.

Huyện thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, giúp việc; xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ công tác từ huyện đến 12 xã, thị trấn; xây dựng triển khai kế hoạch với mục tiêu, lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể chi tiết.

Từ năm 2022 huyện thành lập 72 tổ công nghệ số cộng đồng tại 72 thôn/khu với 541 thành viên. Năm 2023, các tổ công nghệ số cộng đồng được kiện toàn lại với tinh thần trẻ hóa lực lượng để hoạt động hiệu quả hơn. Sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ đã có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân.

Vân Đồn có 5 xã đảo. Tuy kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng điều kiện về hạ tầng, đời sống nhân dân ở một số địa bàn vẫn còn khó khăn (các xã Đài Xuyên, Bình Dân...), vì thế huyện xác định các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với thực tiễn địa phương để tập trung thực hiện tốt; nỗ lực hoàn thành và duy trì thường xuyên đối với các lĩnh vực còn lại không phải là thế mạnh. Việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của huyện.

Huyện đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số hướng tới người dân; mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp viễn thông có trình độ, chuyên môn sâu, kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực chuyển đổi số để hỗ trợ, đưa ra giải pháp tối ưu, phù hợp đối với đặc thù của Vân Đồn.

Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá tiến độ các nội dung nhiệm vụ, đối chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể để có những định hướng chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Những kết quả tích cực

Đến nay, chính quyền số của huyện có nhiều bước tiến mới, góp phần đưa Vân Đồn lần đầu vươn lên đứng thứ 8/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) năm 2022 (tăng 2 bậc so với năm 2021).

Trong 3 trụ cột của chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), đối với Vân Đồn thì kinh tế số, xã hội số là khó thực hiện hơn cả, bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan, kinh tế - xã hội chưa thực sự sôi động, chỉ tập trung ở một số địa bàn trung tâm, du lịch như Cái Rồng, Đông Xá, Hạ Long, Quan Lạn, Minh Châu. 

Đến nay trong tổng số 45 sản phẩm tham gia vào chu trình OCOP có 27 sản phẩm đạt tiêu chuẩn (từ 3 sao trở lên) tham gia các sàn thương mại điện tử, thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc. Một trong những cơ sở có nguồn thu lớn từ hoạt động giao dịch thương mại điện tử là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) với các sản phẩm: Ruốc hàu, ruốc bề bề, cá cơm rim me, bánh phồng hàu.

Bà Phạm Thu Hiền, Giám đốc Công ty Bavabi chia sẻ: Trước kia, hải sản Vân Đồn chỉ đóng gói tươi, khó trong bảo quản, hạn chế mang đi xa. Vì thế Công ty đã áp dụng công nghệ làm ruốc, đóng gói trong môi trường chân không, giúp sản phẩm có thể bán ngay tại các gian hàng khô mà không hề có chất bảo quản. Cũng nhờ đó, Công ty đưa được các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Voso..., giúp tăng sản lượng tiêu thụ, mở rộng ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh kinh tế số có sự chuyển biến, lĩnh vực xã hội số cũng bước đầu cho kết quả khả quan. Với việc trang bị đầu đọc mã vạch CCCD tại Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế 12 xã, thị trấn, từ ngày 1/1-12/6/2023, toàn huyện đã phát sinh 6.312 hồ sơ (bằng 72,7%) khám bệnh bằng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT.

Trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện, huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo điều hành, ký số, văn bản số trên hệ thống chính quyền điện tử; bố trí nguồn ngân sách cho các địa phương mua sắm các thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số và trang bị đầu đọc mã vạch tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính. Các đơn vị được phân công tiếp tục rà soát phủ sóng tại các khu vực lõm sóng di động trên địa bàn; triển khai phủ sóng 4G, 5G tại các khu vực công cộng, đô thị, khu trung tâm, khu du lịch trọng điểm của huyện; triển khai wifi công cộng, camera an ninh tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top