Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 03/12/2023

Số hóa truyền hình mặt đất Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: La Tố Quyên - Hẻm 1041/101 Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Quận 7, TP. HCM
quyen.lt@fmcmarketing.com

Dear Cục ATTT,

Chúng tôi là công ty TNHH FMC Marketing, đại diện cho công ty TNHH Nestle Việt Nam đăng ký định danh (brandname). Chúng tôi có một số thắc mắc về quy trình đăng ký như sau:

Theo thông tin về các thủ tục nộp hồ sơ đăng ký định danh tại Điều 24: Nghị định 24 - 91/2020/NĐ-CP, thì cần các loại giấy tờ sau đây:

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

2. Bảng khai đăng ký tên định danh theo Mẫu số 1 phục lục của nghị định 91/2020/NĐ-CP

3. Giấy đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

4. Giấy đăng ký thương hiệu

5. Giấy Nestle ủy quyền cho FMC đăng ký Mẫu số 3

Câu hỏi 1: Ngoài 5 loại giấy tờ trên, thì chúng tôi có cần bổ sung thêm loại giấy tờ gì khác không?

Chẳng hạn như các giấy:

6. Giấy An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm

7. Bản mô tả sản phẩm dịch vụ

8. Giấy phép kinh doanh

9. Bản tự công bố sản phẩm

10. Công văn đăng ký brandname

Câu hỏi 2: Tôi chọn hình thức nộp hồ sơ online tại website: https://dichvucong.mic.gov.vn/huong-dan

- Thì các loại giấy tờ chỉ cần bản scan từ hồ sơ gốc có đúng không?

Câu hỏi 3: Sau khi nhận được giấy chứng nhận thành công thì cần đóng lệ phí là bao nhiêu để duy trì định danh?

Câu hỏi 4: Nếu nộp hồ sơ offline thì thời hạn để bổ sung hồ sơ là 1 tháng có đúng không, nếu tổ chức không bổ sung thì hồ sơ đăng ký sẽ bị hết hạn và không được hoàn trả lại?

Trên đây là những thắc mắc của chúng tôi về việc đăng ký định danh, rất mong Cục ATTT giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Câu hỏi 1:

Căn cứ quy định tại Điều 24 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, thành phần hồ sơ đăng ký tên định danh đối với tổ chức bao gồm:

- Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập của tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đăng ký nhiều tên định danh cùng một lần thì chỉ cung cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc 01 quyết định thành lập của tổ chức được chứng thực;

- Bản khai đăng ký tên định danh theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP;

- Các giấy tờ khác có liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu (nếu có).

Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp ủy quyền cho đơn vị khác đăng ký, hai bên làm Giấy Ủy quyền theo Mẫu số 03.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp cần nộp một số tài liệu để minh chứng cho các thông tin trong bản khai cấp tên định danh theo từng trường hợp, ví dụ như: Tài liệu về sản phẩm, dịch vụ dự kiến sử dụng tên định danh đã khai tại mục số 3 trong bản khai; Tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với tên miền (ví dụ như Giấy chứng nhận đăng ký tên miền, hợp đồng mua bán tên miền, …); Tài liệu chứng minh cho việc được phép kinh doanh đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và các văn bản có liên quan; Các văn bản xác minh thông tin về người quản lý tên định danh và người đại diện làm thủ tục đăng ký tên định danh đã khai.

Câu hỏi 2:

Đối với hồ sơ điện tử nộp trên hệ thống dịch vụ công, hồ sơ điện tử thực hiện thủ tục hành chính cần nộp phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Việc nộp hồ sơ nếu chỉ là các bản scan từ hồ sơ gốc sẽ không đủ cơ sở pháp lý để thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ.

Câu hỏi 3:

Theo quy định tại Thông tư số 269/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí và lệ phí thuộc lĩnh vực an toàn thông tin, mức lệ phí cấp giấy chứng nhận tên định danh lần đầu phải nộp là 200.000đ/lần và chưa có quy định về chi phí duy trì tên định danh sau khi được cấp.

Câu hỏi 4:

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời hạn nộp bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cá nhân, tổ chức/doanh nghiệp thực hiện bổ sung hồ sơ sớm nhất có thể để hoàn thiện quy trình cấp Giấy chứng nhận tên định danh.

Việc hoàn trả hồ sơ cần căn cứ vào đề nghị bằng văn bản của chính cá nhân/tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Độc giả: CHÂU THỊ MỸ ÁNH - 21 Bis Hậu Giang, Phường 4, Quận Tân Bình, TP HCM
emily.myanh@gmail.com

Xin chào quý cơ quan hữu trách của Bộ TT&TT,

Doanh nghiệp tôi nhập khẩu 1 lô hàng gồm 15 máy đo nhiệt độ ( nhiệt ẩm kế ) Govee ThermoHygrometer, hàng mới 100%.

Link sản phẩm: https://us.govee.com/products/wi-fi-temperature-humidity-sensor?variant=37592920686777

Chức năng: máy đo nhiệt ẩm kế có kết nối wifi và ứng dụng Govee Home để kiểm tra nhiệt độ thông qua app Govee Home trên điện thoại.

Gía trị: $29.99/cái

Hscode hải quan yêu cầu : 9025.19.19

Theo mã HSCODE này, Quy định tại TT 04/2023/TT-BTTTT: Thiết bị cảm biến độ ẩm của không khí, truyền tải các thông số đo lường qua giao diện vô tuyến công nghệ LPWAN bắt buộc làm chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra doanh nghiệp nhận thấy công nghệ LPWAN ( công nghệ giao tiếp tầm xa ), công nghệ wifi ( Công nghệ giao tiếp tầm ngắn). Thực tế, 2 công nghệ này là 2 công nghệ khác nhau. Do đó, HSCODE 9025.19.19 không thuộc kiểm tra của Bộ TT&TT.

Kính nhờ Bộ TT&TT kiểm tra và xem xét thông tin sản phẩm có phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.

Xin cảm ơn!

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 04/2022/TT-BTTTT ngày 31/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Thông tư chỉ áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa có mã số HS và mô tả sản phẩm, hàng hóa quy định tại Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sản phẩm, hàng hóa có chức năng vô tuyến điện, nhưng có mã số HS và mô tả sản phẩm, hàng hóa không thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BTTTT ngày 31/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì không phải kiểm tra chất lượng hàng hóa, không phải chứng nhận hợp quy, không phải công bố hợp quy. 

Độc giả: Phan Việt Thanh - KHU CN ĐỒNG VĂN II, PHƯỜNG BẠCH THƯỢNG, THỊ XÃ DUY TIÊN, TỈNH HÀ NAM, VIỆT NAM
hanoi7@fmps.co.kr

Xin chào Quý Bộ TT&TT, tôi xin hỏi một việc như sau: Chúng tôi là Doanh Nghiệp Chế Xuất hoạt động sản xuất xuất khẩu tại tỉnh Hà Nam. Hiện nay chúng tôi đang có 01 thiết bị có mô tả là "Ăng ten dùng cho thiết bị thu phát sóng AIR 3239 B40 (KRE 105 353)", là hàng hoá do công ty chúng tôi sản xuất và xuất khẩu cho đối tác tại Hàn Quốc. Tuy nhiên sau khi khách hàng nhận được hàng và trong quá trình sử dụng (03 tháng) thì phát hiện hàng bị lỗi. Vì hàng vẫn trong thời hạn bảo hành nên Công ty Chúng tôi cần tạm nhập mục hàng nói trên về sửa chữa (theo điều khoản bảo hành) cho đối tác nước ngoài, sau khi sửa xong sẽ tái xuất cho đối tác đó. 

Quý Bộ TT&TT cho chúng tôi hỏi trong trường hợp trên, Doanh Nghiệp chúng tôi có phải xin giấy phép của quý Bộ không?

Xin trân trọng cảm ơn!

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Trình tự, thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương. Đề nghị bạn đọc liên hệ với cơ quan Hải quan để có hướng dẫn chi tiết.

Độc giả: Nguyễn Hữu Thanh Tâm - Quận 4, TP HCM
thanhtam277@gmail.com

Kính nhờ Quý cơ quan giải đáp giúp tôi trường hợp:

Doanh nghiệp viễn thông muốn cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng cho pháp nhân nước ngoài (không có hiện diện thương mại tại Việt Nam), với các điểm kết nối không cùng thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục xin cấp phép nào để có thể thực hiện hoạt động này theo đúng quy định pháp luật? 

Rất mong nhận được sự hướng dẫn từ Quý Cơ quan. Chân thành cảm ơn.

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Đối với việc đề nghị cấp phép, tùy theo phương án cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng (có hoặc không có hạ tầng mạng), doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng/ giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tương ứng. Điều kiện cấp phép quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 81/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 19, 20, 21 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ. Thủ tục đề nghị cấp phép quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 81/2016/NĐ-CP. 

Độc giả: Đinh Viễn Thông - Vĩnh Phúc
thongdv25051985@gmial.com

Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT sửa đổi Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT về danh mục và quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định, câu hỏi tôi xin hỏi Bộ như sau:

1- Việc quy định trạm BTS phải kiểm định trong vòng bán kính 100m có công trình, người sinh sống và hiệu độ cao từ điểm thấp nhất của ăng ten đến điểm cao nhất của công trình là 28m. Vậy ai, cơ quan nào là người đi đo độ cao này để quản lý trạm phải kiểm định. Trường hợp ở vùng đồi/núi trạm được đặt trên đỉnh đồi cao 25m + 25m độ cao của ăng ten nhưng xung quanh chân đồi nhà dân cao 5m vẫn sinh sống cách đó 50m thì có phải kiểm định không, có đảm bảo không. Xét thấy Thông tư chỉ nặng tính kỹ thuật không quan tâm đến tính khả thi và hiệu quả quản lý.

2- Mỗi tỉnh trung bình có từ 1000 đến 1500 cột ăng ten BTS, nếu theo quy trình của Bộ ban hành thì để đo kiểm hết 1000 trạm phải mất nhiều tháng trời diễn ra liên tục. Tuy nhiên Xã/phường chưa thấy có hoạt động đo kiểm hoặt rất ít khi có hoạt động đo kiểm, vậy để được cấp giấy chứng nhận các trạm BTS này được đo kiểm vào thời điểm nào, trong thời gian bao lâu ?

3- Việc cấp giấy chứng nhận kiểm định là của Bộ và công tác đo kiểm là của các đơn vị của bộ hoặc được bộ chỉ định,... do đó đề nghị Bộ chỉ đạo công khai thời gian, địa điểm đo kiểm để chính quyền cơ sở và nhân dân giám sát.

Trân trọng cảm ơn.

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Trả lời ý thứ nhất : Tất cả các các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng có ăng ten lắp đặt ngoài trời khi đưa vào khai thác đều phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ. Theo quy định, các trạm gốc này đều phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về phơi nhiễm trường điện từ (Tham khảo Thông tư số 21/2022/TT-BTTTT).

Trường hợp 1: theo quy định tại ghi chú (1) Phụ lục số 01 Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT: “Áp dụng đối với các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng mà trong bán kính 100 m (tính từ điểm bất kỳ nào thuộc chân cột ăng ten của trạm gốc đó) có công trình xây dựng trong đó có người sinh sống, làm việc và có hiệu độ cao của mép dưới thấp nhất của các ăng ten và độ cao tính tới nóc, mặt bằng cao nhất của các công trình xây dựng này nhỏ hơn 28 m”.

Các trạm gốc theo trường hợp này việc đánh giá sự phù hợp QCVN 8:2023/BTTTT bắt buộc thực hiện thủ tục kiểm định và niêm yết công khai giấy chứng nhận kiểm định theo quy định tại điều 7 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT:

Trường hợp 2: Các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng ngoài các trường hợp quy định nêu tại ghi chú (1) Phụ lục số 01 Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT: do mức độ phơi nhiễm do trạm gốc gây ra đối với sức khoẻ người dân luôn phù hợp với quy chuẩn, vì vậy các trạm gốc này không cần phải thực hiện cấp giấy chứng nhận của tổ chức kiểm định, nhưng doanh nghiệp phải thực hiện đo kiểm và tự đánh giá sự phù hợp quy chuẩn và niêm yết công khai bản công bố phù hợp quy chuẩn theo quy định tại khoản 2.5 phụ lục số 02 Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT “2.5. Đối với trạm gốc không thuộc “Danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định”: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày trạm gốc được đưa vào sử dụng, doanh nghiệp phải tiến hành niêm yết tại vị trí dễ nhìn, bên ngoài nhà trạm lắp đặt trạm gốc Bản công bố trạm gốc phù hợp quy chuẩn (theo Mẫu 2.4 Phụ lục số 02) hoặc thông báo trạm gốc phù hợp quy chuẩn kèm đường dẫn tới nơi đăng tải Bản công bố này (đường link, mã QR …).”

Đối với trường hợp ở vùng đồi/núi trạm được đặt trên đỉnh đồi cao 25m + 25m độ cao của ăng ten nhưng xung quanh chân đồi nhà dân cao 5m vẫn sinh sống cách đó 50m là trạm gốc nêu tại trường hợp 1 (Chênh lệch độ cao mép thấp nhất của ăng ten so với công trình xây dựng cao nhất là 45m), Doanh nghiệp không phải thực hiện kiểm định nhưng phải đo kiểm và tự công bố trạm gốc phù hợp quy chuẩn.

Về ý kiến "Xét thấy Thông tư chỉ nặng tính kỹ thuật không quan tâm đến tính khả thi và hiệu quả quản lý." :

Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT là Thông tư chỉ sửa đổi một số nội dung về danh mục và quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định trong Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT. Tính khả thi và hiệu quả quản lý của công tác Kiểm định thể hiện ở các văn bản quy phạm pháp luật khác, không thể hiện đầy đủ trong Thông tư 07/2023/TT-BTTTT này.

Trả lời ý thứ 2: Việc đo kiểm theo quy định đã được xã hội hóa, năng lực đo kiểm định của đơn vị đo kiểm đáp ứng yêu cầu xã hội, Yêu cầu của các phòng đo được quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT. Danh sách các phòng đo được chỉ định đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ TTTT. Các trạm gốc được cấp giấy chứng nhận kiểm định đều đã thực hiện đo kiểm và đánh giá sự phù hợp theo Quy chuẩn hiện hành, danh sách các trạm gốc được cấp giấy chứng nhận đều đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định (địa chỉ https://kiemdinh.tqc.gov.vn) để tất cả người dân có thể truy cập và tra cứu thông tin. Việc đo kiểm vào thời điểm nào, diễn ra trong bao lâu? phụ thuộc vào kế hoạch, năng lực của doanh nghiệp và các Phòng đo nhưng phải thực hiện trước khi đưa trạm gốc vào khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT.

Trả lời ý thứ 3: Việc đo kiểm, được thực hiện bởi các đơn vị đo kiểm được Bộ TTTT chỉ định theo Quy định của Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT

Việc giám sát, quản lý nhà nước về công tác kiểm định (đo kiểm, đánh giá, thẩm định, cấp giấy chứng nhận…) đã được quy định rõ ràng cụ thể cho từng đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành Thông tin và Truyền thông trong các Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT, Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT, Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan khác.

Việc công bố công khai các thông tin đo kiểm và kiểm định được quy định tại các Điều 10, 11, 12 Thông tư số 07/2020/TT-BTTTT.

Độc giả: Loan Mai - 29 Le Duan, Quan 1, TP HCM
loan.emssie@gmail.com

Kính gửi Bộ TT&TT,

Căn cứ khoản 2 điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp. 

Căn cứ điều 1 Thông tư 10/2012/TT-BTTTT, Dịch vụ thông tin di động mặt đất được liệt kê trong Danh mục được nhắc đến tại Điều 3 Nghị định 25 nêu trên. Tuy nhiên, hiện tại không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào về thời điểm cũng như cách thức thực hiện báo cáo đến quý Bộ. Cụ thể hơn, xin quý Bộ hướng dẫn:

1. Thời điểm phải thực hiện báo cáo cho Cục Viễn thông theo quy định Khoản 2 Điều 3 NĐ 25 là khi nào (trước hoặc sau khi hoàn tất việc thay đổi danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp)?

2. Biểu mẫu để thực hiện báo cáo là gì? Những nội dung phải bao gồm trong báo cáo là gì?

3. Cách thức gửi báo cáo là gì? Chúng tôi có thể gửi trực tiếp bản giấy đến Cục Viễn thông hoặc gửi online qua địa chỉ nào?

Xin chân thành cảm ơn quý bộ. 

- 3 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 81/2016/NĐ-CP, khi có thay đổi về tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên góp vốn (nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ yêu cầu về đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp, yêu cầu về sở hữu quy định tại Điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP), doanh nghiệp phải thông báo cho Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông các thông tin liên quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Nội dung báo cáo cần có đủ các thông tin về tổ chức, cá nhân sở hữu từ 20% trở lên vốn điều lệ của doanh nghiệp như sau:

1. Số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Số Giấy chứng nhận đầu tư/Số chứng minh thư nhân dân/Số Hộ chiếu;

2. Ngày cấp, nơi cấp và ngày hết hạn (nếu có);

3. Địa chỉ giao dịch/địa chỉ liên lạc;

4. Tổng số vốn góp (trị giá bằng tiền và trị giá bằng % vốn điều lệ của doanh nghiệp).

Về hình thức báo cáo, doanh nghiệp cần gửi bản giấy đến Cục Viễn thông tại địa chỉ: Tòa nhà Cục Viễn Thông, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.